Chi tiết bài viết

Cụ thể hóa Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX bằng các chương trình, chính sách phù hợp đã góp phần thúc đẩy vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển

9:5, Thứ Sáu, 23-9-2022

(Quang Binh Portal) - Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình có diện tích tự nhiên khoảng 3.845 km2¬, có 09 xã biên giới với 10.907 hộ, 45.400 người; sinh sống tập trung theo cộng đồng ở 103 thôn, bản thuộc 15 xã của các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. 

Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 69,52%. Trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, dành nhiều chính sách ưu đãi, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp bà con  đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Để triển khai các nội dung của Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX của Trung ương, UBND tỉnh đã lồng ghép vào chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh, đó là các chương trình xóa đói giảm nghèo; xóa mái tranh cho hộ nghèo; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giải quyết việc làm; phát triển nguồn nhân lực... Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo triển khai thực hiện, cụ thể hóa các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, như: Chương trình 135, Chương trình 134, chính sách định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách trợ giá, trợ cước cho các xã đặc biệt khó khăn, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và nhiều chính sách an sinh xã hội khác…

Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước đạt hiệu quả thiết thực như “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; phân công các cơ quan đơn vị đỡ đầu xã đặc biệt khó khăn, xây dựng nông thôn mới qua hoạt động cụ thể trong phát triển kinh tế - xã hội…, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bộ mặt nông thôn miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc. Đến nay, 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã; 88,23% xã có điện lưới Quốc gia; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; 100% xã có trạm y tế; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. Đời sống của đồng bào được cải thiện, có bước phát triển. Một bộ phận đồng bào bước đầu biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Đã xuất hiện nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số là các điển hình tiên tiến trong sản xuất, phát triển kinh tế. Số hộ đồng bào dân tộc có thu nhập khá trở lên ngày càng tăng. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 04 - 05%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020. 

Giáo dục đào tạo có bước phát triển, hệ thống cấp học hoàn chỉnh từ bậc mầm non đến trung học phổ thông; hệ thống trường dân tộc nội trú, bán trú được quan tâm. 100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, nhiều nơi đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Đã có 129 học sinh người dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo lên bậc đại học, cao đẳng theo chế độ cử tuyển.

Công tác chăm sóc sức khỏe của Nhân dân được quan tâm. Đến nay, trạm y tế 17/17 xã có đồng bào dân tộc thiểu số đã có bác sỹ phục vụ; có 22 cán bộ y tế người dân tộc thiểu số; có 180 cán bộ y tế thôn bản trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho người dân; 100% hộ dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi được cấp Thẻ Bảo hiểm Y tế và được hỗ trợ một phần suất ăn khi điều trị tại bệnh viện, trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng, khám chữa bệnh miễn phí. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh duy trì 04 Trạm Quân dân y ở các địa bàn (Làng Ho, Bản 61, Ra Mai, Bãi Dinh). Nhiều chính sách về y tế được triển khai. 100% xã có trạm y tế, được bố trí bác sỹ, y sỹ, nữ hộ sinh; 100% thôn bản có nhân viên y tế cộng đồng; người dân hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số được cấp Thẻ Bảo hiểm Y tế và được hỗ trợ một phần suất ăn khi điều trị tại bệnh viện; trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng, khám chữa bệnh miễn phí.

Bên cạnh đó, các trạm y tế quân dân y được đầu tư xây dựng ở các xã biên giới nhằm đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân. 
Thực hiện chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân sỹ, trí thức dân tộc thiểu số, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được kiện toàn, củng cố. Hiện nay, các xã vùng dân tộc thiểu số không còn “bản trắng” về Chi bộ và đảng viên. Hàng năm, các địa phương cũng đã tổ chức rà soát, bình chọn, đề nghị UBND tỉnh công nhận đưa ra hoặc đưa vào danh sách người có uy tín trên địa bàn tỉnh; tổ chức hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, tặng quà cho người có uy tín; phát huy vai trò người có uy tín trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ đường biên mốc giới Quốc gia.

Nhằm tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian qua, tỉnh đã quan tâm thực hiện chính sách cử tuyển đối với con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số vào học các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, dạy nghề. Từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh đã cử 129 sinh viên người dân tộc thiểu số đi học cử tuyển; tổ chức được 483 lớp dạy nghề cho người dân tộc thiểu số. Có 14.734 lượt người dân tộc thiểu số được dạy nghề các trung tâm dạy nghề của tỉnh và tại các huyện, 720 cán bộ đoàn viên, hội viên và Nhân dân được tham gia các lớp tập huấn về kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất làm ăn để phát triển kinh tế gia đình do các đoàn thể tổ chức. Nhờ đó, nhiều hộ đã chuyển đổi tập quán sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao…    

Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã tạo được sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của xã hội về quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước trong nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các tầng lớp Nhân dân đều tự giác thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phòng, chống các tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương, đơn vị. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự chuyển biến tích cực. Đồng bào các dân tộc thiểu số tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, từng bước tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

PV  Hồng Lựu
 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập