Chi tiết bài viết

Triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đề ra trong năm 2019 Tin có hình

15:46, Thứ Hai, 11-3-2019

(Quang Binh Portal) - Xác định giảm nghèo là một trong những ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, năm 2018, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, huy động sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các cấp, ngành, địa phương nên các mục tiêu giảm nghèo cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh giảm 5.921 hộ nghèo, đưa số hộ nghèo từ 23.219 hộ (chiếm 9,48%) đầu năm 2018 xuống còn 17.298 hộ (chiếm 6,98%) đầu năm 2019 (giảm 2,5%) và 6.074 hộ cận nghèo, đưa số cận hộ nghèo từ 29.466 hộ (chiếm 12,03%) đầu năm 2018 xuống còn 23.392 hộ (chiếm 9,45%) đầu năm 2019 (giảm 2,58%).

Trong năm, trên địa bàn tỉnh có 239.458 người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được cấp Thẻ Bảo hiểm Y tế; có 21.531 hộ vay vốn tín dụng ưu đãi với số tiền trên 1.097 tỷ đồng; 69.356 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ về giáo dục; 545 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở...

Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở thiếu quyết tâm, sâu sát trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo, chưa xác định được nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện. Các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế chưa thực sự có hiệu quả, không tạo được việc làm, tạo thu nhập ổn định, giúp cho người dân nói chung và các xã đặc biệt khó khăn, dân tộc miền núi thoát nghèo bền vững. Một số mô hình gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra, bao tiêu sản phẩm nên người dân còn e dè, chưa mạnh dạn tham gia mô hình. Đặc biệt, tư tưởng muốn vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo để hưởng chính sách của người dân còn nặng nề, chưa chủ động tích cực vươn lên thoát nghèo. Việc thay đổi suy nghĩ, cách làm của người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc hết sức khó khăn, phần lớn đồng bào chấp nhận chịu khổ chứ không chịu khó nên việc thay đổi tư duy là một quá trình lâu dài, đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, kiên trì, quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Nhiều chính sách đối với vùng dân tộc chưa được triển khai thực hiện hiệu quả, còn dàn trải, manh mún…

Năm 2019, toàn tỉnh phấn đấu giảm 2,0% hộ nghèo, 3,0% hộ cận nghèo; 1.502 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở, trong đó 500 hộ được hỗ trợ theo Quyết định 48/2014/QĐ-TTg và 1.002 hộ được hỗ trợ theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 100% người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn… được cấp, hỗ trợ mua Thẻ Bảo hiểm Y tế và vay vốn tín dụng ưu đãi; 100% lượt học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách theo quy định hiện hành được hưởng chính sách hỗ trợ về giáo dục - đào tạo.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để làm thay đổi thực sự nhận thức, trước hết của cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân, đặc biệtđối với đồng bào dân tộc về ý chí tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo bền vững; xây dựng kế hoạch giảm nghèo chi tiết, cụ thể trên cơ sở phân tích nguyên nhân, thực trạng nghèo của từng hộ, phải định lượng được bao nhiêu hộ có khả năng thoát nghèo, thoát cận nghèo để xác định nội dung hỗ trợ phù hợp, từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Cùng với đó, các đồng chí Tỉnh ủy viên tăng cường hơn nữa hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ xã nghèo. Các địa phươngchỉ đạo các đồng chí huyện ủy viên được phân công giúp đỡ các xã thường xuyên về cơ sở để nắm bắt tình hình và có hướng giúp đỡ phù hợp; lấy hiệu quả thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo là một trong các tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên hàng năm.

Mặt khác, các ngành, địa phương ưu tiên đầu tư kinh phí cho các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, lựa chọn nội dung và hình thức triển khai phù hợp với nhu cầu, khả năng của người nghèo, gắn với đầu ra của sản phẩm, ưu tiên cho hộ nghèo ở những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tập trung thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2019; tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện của địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tập trung vận động người dân vùng nông thôn, tham gia xuất khẩu lao động; tạo môi trường thuận lợi để người dân có đầy đủ thông tin lựa chọn và tham gia vào các thị trường lao động có thu nhập cao, ổn định. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng để giảm nghèo nhanh và bền vững.

Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tham gia đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn; liên kết đào tạo và cung ứng lao động giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm, bao tiêu sản phẩm; hướng dẫn doanh nghiệp đặt hàng đào tạo với cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề ở địa phương, nhận bao tiêu sản phẩm và tuyển dụng lao động sau khi học nghề.

Mai Anh

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập