Chi tiết bài viết

Huyện Lệ Thủy triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn

10:2, Thứ Tư, 18-12-2019

(Quang Binh Portal) - Với quyết tâm cao để thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, năm 2019, huyện Lệ Thủy đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, huy động sự tham gia tích cực của Mặt trận, các đoàn thể và toàn thể Nhân dân nên kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện có bước phát triển toàn diện, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Toàn huyện có 16/17 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng 04%, công nghiệp, xây dựng tăng 13,3%; giá trị khu vực dịch vụ tăng 14,08%. Tổng sản lượng lương thực đạt 49.526 tấn. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 179 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người 39,8 triệu đồng. Trong năm, huyện có 01 xã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,3%; giải quyết việc làm cho 3.500 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,5%, trong đó qua đào tạo nghề là 47%; duy trì vững chắc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, 15/15 xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ III; huyện đạt phổ cập THCS mức độ II, 14/15 xã, thị trấn đạt mức độ III; 38/50 trường chuẩn Quốc gia, đạt 76%. Mặt khác, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,7%; có 14/15 xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ nông thôn dùng nước hợp vệ sinh đạt 95,8%; tỷ lệ che phủ rừng 72%.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của huyện cũng gặp không ít khó khăn, thách thức do hạn hán kéo dài, nhiều dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi xảy ra, bão số 04 và áp thấp nhiệt đới gây ngập lụt đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống Nhân dân; thu ngân sách thiếu bền vững; cháy rừng xảy ra gây thiệt hại lớn; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chưa đạt kế hoạch đề ra; cải cách hành chính ở một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu; tình hình an ninh trật tự và tệ nạn ma túy, lô đề, tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp; trong giải quyết khiếu nại, tố cáo một số vụ việc chưa dứt điểm, còn kéo dài; giải phóng mặt bằng ở một số công trình, dự án tiến độ còn chậm.

Năm 2020, huyện Lệ Thủy xác định tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, sử dụng công nghệ, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích; chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng kế hoạch, quy hoạch vùng hợp lý cho từng loại cây trồng; tăng diện tích chuyển đổi đối với diện tích trồng lúa, đất lâm nghiệp, đất trồng cao su kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao; có kế hoạch tưới, tiêu nước hợp lý, tiết kiệm nước sản xuất, triển khai các biện pháp diệt chuột ngay từ đầu vụ; đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, tăng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trên 65%; thực hiện tốt chính sách khuyến khích, tăng cường liên kết, tạo điều kiện để doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trên một số cây trồng có lợi thế như lúa, khoai lang, sắn, phấn đấu tổng sản lượng lương thực đạt 50.000 tấn.

Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đối với vùng chăn nuôi tập trung; tiếp tục đẩy mạnh phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm; phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn; phát triển chăn nuôi theo hướng mở rộng an toàn về dịch bệnh và môi trường; tập trung thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng, trồng rừng gỗ lớn, trồng cây phân tán; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống nhằm nâng cao giá trị lâm nghiệp, phấn đấu thực hiện kế hoạch trồng rừng đạt 550 ha; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái; tăng cường tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm, xâm hại rừng trái phép, vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng, chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng góp phần ổn định, giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt 72%; đồng thời tiếp tục đầu tư, mở rộng nuôi thâm canh, nhất là nuôi tôm công nghiệp trên cát; chú trọng thực hiện có hiệu quả mô hình cá lúa ở các địa phương có lợi thế; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ nuôi tiên tiến, quy trình nuôi bền vững vào nuôi trồng mang lại giá trị kinh tế cao... phấn đấu sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đạt 5.100 tấn.

Mặt khác, huyện tiếp tục phấn đấu có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 - 02 xã đạt nông thôn mới nâng cao hoặc nông thôn kiểu mẫu (Lương Ninh, Võ Ninh), 03 khu dân cư nông thôn kiểu mẫu; tăng cường quản lý trật tự xây dựng, hành lang an toàn giao thông, đê điều trên địa bàn; thường xuyên nắm bắt, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho cơ sở công nghiệp phát triển sản xuất; chú trọng thu hút đầu tư gắn liền với chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm, hỗ trợ xây dựng nhãn mác sản phẩm gắn với việc thực hiện Đề án xây dựng và phát triển một số thương hiệu trên địa bàn như: Khoai gieo Hải Ninh, Dưa hấu Hàm Ninh, Mật ong Trường Xuân, Gạo Vĩnh Tuy; khuyến khích đầu tư và phát triển các ngành dịch vụ, thủ công mỹ nghệ, sản xuất vật liệu xây dựng gắn với lợi thế về phát triển nguồn nguyên liệu nông sản, thủy sản. Cùng với đó, các ngành, địa phương trên địa bàn tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh; chú trọng củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình kinh tế hợp tác, từng bước mở rộng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ; tích cực gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư…; tạo điều kiện cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, huyện cũng sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu, phấn đấu thu ngân sách đạt kế hoạch được giao; tăng cường kiểm tra đối tượng nộp thuế, quản lý nguồn thu, đưa công tác quản lý kê khai thuế đi vào nền nếp; rà soát đăng ký nhu cầu sử dụng đất, xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm, chú trọng phát triển quỹ đất ở, đất thương mại dịch vụ đáp ứng nhu cầu phát triển; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực phát triển giáo dục; tăng cường giáo dục sức khỏe cộng đồng, nâng cao nhận thức về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; chủ động phòng, chống dịch bệnh, giám sát dịch tễ, phấn đấu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91%; có thêm 01 xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương tiếp tục chú trọng đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch của huyện; tập trung thực hiện các dự án phát triển du lịch bền vững quy mô nhỏ dựa vào cộng đồng; kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư thực hiện các dự án nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch khám phá sông Long Đại, thác Tam Lu, Khe Cạc, Chà Rào; tăng cường quảng bá du lịch Núi Thần Đinh và các địa danh trong huyện để thu hút khách trong nước và quốc tế; thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ an sinh xã hội cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng bị thiên tai; đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” cho đối tượng người có công, gia đình chính sách; phấn đấu giải quyết việc làm cho 3.500 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%; tích cực tuyên truyền, phổ biến phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc, vận động đồng bào yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, huyện sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý nghiêm hành vi vi phạm; tập trung lực lượng, tổ chức có hiệu quả đợt ra quân tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Canh Tý, Đại hội Đảng các cấp và các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng trong năm 2020…

Mai Anh

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập