Chi tiết bài viết

Đảm bảo khả năng tài chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả, vững chắc trong giai đoạn 2021 - 2025

16:12, Thứ Sáu, 26-11-2021

(Quang Binh Portal) - Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, công tác tài chính, ngân sách Nhà nước được thực hiện theo hướng công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của tỉnh, góp phần quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xử lý các vấn đề cấp bách về thiên tai, dịch bệnh.

Theo đó, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt 22.234 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 21.365,2 tỷ đồng, thu hoạt động xuất nhập khẩu 868,8 tỷ đồng, tăng thu bình quân 17,4%/năm. Cơ cấu thu ngân sách có sự chuyển hướng tiến bộ, thu nội địa vẫn chiếm ưu thế trong tổng số thu thuế, phí. Hoạt động thu từ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, thành phần kinh tế chiếm tỷ trọng cao và tăng theo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Chi ngân sách có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng giảm các khoản chi bao cấp từ ngân sách, tăng dần tỷ lệ cho đầu tư phát triển, tập trung ưu tiên cho những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công trình trọng điểm, cấp bách của tỉnh. Tổng chi ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 là 53.292 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển chiếm 28,2% và chi thường xuyên, qua đó đã từng bước quản lý chặt chẽ theo chế độ, định mức quy định, giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

Cùng với đó, hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; bám sát chính sách tiền tệ, tín dụng của Chính phủ và mục tiêu phát triển của tỉnh để huy động và cho vay, tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm, tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, thành phần kinh tế.
Tuy nhiên, tổng số thu ngân sách còn thấp so kế hoạch, cơ cấu thu chưa hợp lý, thiếu bền vững, ít có khoản thu mới phát sinh, tình trạng nợ đọng thuế, nợ tạm ứng xây dựng cơ bản vẫn còn diễn ra. Các nguồn lực đất đai, tài nguyên, công sản chưa được quản lý và sử dụng có hiệu quả. Tình trạng trốn thuế và nợ thuế còn cao. Chi ngân sách tăng nhanh, vượt khả năng cân đối; tích lũy ngân sách cho đầu tư phát triển thấp, thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ. Nhu cầu vay vốn lớn; việc tiếp cận nguồn vốn vay một số lĩnh vực còn khó khăn; nợ quá hạn, nợ xấu cho vay trong một số lĩnh vực còn cao…

Để đảm bảo khả năng tài chính, ngân sách đủ mạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả, vững chắc, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nguồn thu mới, phù hợp với quy định; phát triển thị trường bất động sản nhằm tăng nguồn lực từ quỹ đất vào đầu tư phát triển; đẩy mạnh các nguồn thu vào ngân sách trên cơ sở cải cách việc quản lý thuế, phí phù hợp với cơ chế thị trường; chú trọng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục phân cấp mạnh các nguồn thu cho ngân sách cấp dưới, nhất là cấp xã, từng bước tiến tới ngân sách cấp xã chủ động cân đối thu - chi ngân sách cấp mình; nâng cao hiệu quả chi ngân sách, từng bước triển khai quản lý chi ngân sách theo kết quả triển khai nhiệm vụ gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tiến hành chi ngân sách công bằng, hợp lý, ổn định và bền vững; cơ cấu chi ngân sách theo hướng tích cực, tăng dần đầu tư phát triển, tạo điều kiện cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; đảm bảo vốn cho các công trình trọng điểm và mục tiêu, hỗ trợ đầu tư phát triển hợp lý cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc; nâng cao năng lực và hiệu quả giám sát tài chính bằng biện pháp kiểm toán, thanh tra tài chính, chế độ báo cáo thông tin đảm bảo đều công khai, minh bạch.

Mặt khác, nhằm phấn đấu mức tăng trưởng nguồn vốn bình quân nhiệm kỳ đạt 17%/năm, tổng dư nợ đạt 18%/năm; nợ xấu duy trì dưới 01% tổng dư nợ, toàn tỉnh cũng sẽ nâng cao chất lượng hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng, bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả; tích cực huy động nguồn vốn cho vay phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, lĩnh vực ưu tiên, cho vay chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ ngân hàng, phát huy vai trò của tín dụng vi mô, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp được dễ dàng tiếp cận và vay vốn.

Ngoài ra, địa phương cũng sẽ thực hiện đồng bộ giải pháp để đẩy lùi nạn tín dụng đen; nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng thuận tiện sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản như thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm đối với dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đồng thời thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phấn đấu đến cuối năm 2025, ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20 - 25% hằng năm…

PV Minh Huyền

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập