Chi tiết bài viết

Hỏi đáp về QĐ số 14/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của Ngân hàng thương mại và QĐ số 60/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của QĐ 14/2009/QĐ-TTg

9:35, Thứ Hai, 25-5-2009

Câu hỏi 1: Những đối tượng nào được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT) bảo lãnh vay vốn tại các Ngân hàng thương mại (NHTM)?

Trả lời:

- Đối tượng được NHPT Việt Nam bảo lãnh vay vốn là các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (kể cả các Hợp tác xã) gọi chung là doanh nghiệp có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng hoặc sử dụng dưới 1.000 lao động vay vốn của NHTM.

- Phạm vi bảo lãnh vay vốn: NHPT bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp vay vốn của Ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam để:

+ Thực hiện dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh (vay vốn đầu tư tài sản cố định);

+ Thực hiện phương án sản xuất kinh doanh (vay vốn lưu động)

Theo đúng quy định của pháp luật (kể cả các dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước).

- Không bảo lãnh cho các DN vay vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn; kinh doanh bất động sản (trừ các dự án xây dựng nhà ở bán cho người có thu nhập thấp; nhà cho công nhân và sinh viên thuê; xây dựng nghĩa trang); kinh doanh chứng khoán; vay vốn để thanh toán nợ vay của các hợp đồng tín dụng khác.

Câu hỏi 2: Muốn được NHPT bảo lãnh vay vốn của NHTM, doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện gì?

Trả lời:
Những điều kiện cần thiết để Doanh nghiệp được NHPT bảo lãnh vay vốn tại các NHTM:

1/ Thuộc đối tượng và phạm vi được bảo lãnh theo quy định.

2/ Có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Quy mô dự án đầu tư Phát triển sản xuất kinh doanh tối thiểu là 100 triệu đồng; dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định và chấp thuận bảo lãnh vay vốn.

3/ Không có nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng. Trường hợp doanh nghiệp có nợ quá hạn tại các Tổ chức tín dụng nhưng có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh và cam kết trả được nợ quá hạn thì được NHPT thẩm định, quyết định bảo lãnh vay vốn theo Quy chế bảo lãnh vay vốn.

4/ Có vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, phương án sản xuất kinh doanh tối thiểu 10% tổng mức vốn thực hiện dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh.

5/ Sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay thực hiện dự án đầu tư để thế chấp bảo đảm bảo lãnh tại NHPT.

Đối với tài sản hình thành từ vốn vay thực hiện phương án sản xuất kinh doanh: Doanh nghiệp không phải thế chấp để bảo đảm bảo lãnh nhưng phải chịu sự giám sát theo quy định của NHPT thực hiện theo hướng dẫn của NHPT.

Câu hỏi 3: Để được NHPT bảo lãnh thì DN phải thế chấp tài sản như thế nào?

Trả lời:


Doanh nghiệp được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay thực hiện dự án đầu tư để thế chấp bảo đảm bảo lãnh tại NHPT, DN không được chuyển nhượng tài sản bảo đảm bảo lãnh; không được sử dụng tài sản bảo đảm bảo lãnh trong các hoạt động tín dụng và bảo lãnh khác. Đối với tài sản hình thành từ vốn vay thực hiện phương án sản xuất kinh doanh: Doanh nghiệp không phải thế chấp để bảo đảm bảo lãnh nhưng phải chịu sự giám sát theo quy định của NHPT thực hiện theo hướng dẫn của NHPT.

NHPT có quyền phát mại tài sản thế chấp bảo đảm bảo lãnh để thu hồi số tiền đã trả nợ NHTM thay cho DN.

Câu hỏi 4: Hồ sơ đề nghị bảo lãnh vay vốn gồm những gì?

Trả lời:


Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, trung thực, chính xác hợp pháp của các tài liệu trong hồ sơ đề nghị bảo lãnh vay vốn gửi đến Chi nhánh NHPT. Hồ sơ bao gồm:

1. Giấy đề nghị bảo lãnh của Doanh nghiệp (theo mẫu của NHPT);

2. Hồ sơ Doanh nghiệp gồm:

a) Hồ sơ pháp lý:

- Điều lệ hoạt động của DN (trừ DN tư nhân) (bản sao y của DN);

- Nghị quyết về việc bầu Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị; Quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc (Giám đốc), Kế toán trưởng; Nghị quyết bổ nhiệm chủ nhiệm, trưởng ban kiểm soát và trưởng ban quản trị Hợp tác xã (bản sao y của DN);

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao chứng thực);

- Giấy phép hành nghề đối với những ngành nghề pháp luật quy định phải có giấy phép (bản sao chứng thực)

Doanh nghiệp chỉ gửi hồ sơ pháp lý đến Chi nhánh NHPT trong lần bảo lãnh đầu tiên và gửi bổ sung khi các tài liệu trong hồ sơ thay đổi nội dung, số liệu.

b) Hồ sơ tài chính:

Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật trong 02 năm gần nhất (bản sao y của Doanh nghiệp); kèm theo kết luận của đơn vị kiểm toán - nếu có (bản sao chứng thực).

3. Hồ sơ dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh:

a) Hồ sơ dự án đầu tư:

- Báo cáo nghiên cứu khả thi (hoặc dự án đầu tư xây dựng công trình báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình (trường hợp dự án có vốn đầu tư nhỏ hơn 15 tỷ đồng) được lập theo quy định của pháp luật (02 bộ);

Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng công trình có tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng trở lên (bản sao chứng thực);

- Quyết định đầu tư - nếu có (bản chính);

- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền về các nội dung liên quan đến dự án.

b) Hồ sơ phương án sản xuất kinh doanh;

Phương án sản xuất kinh doanh (bản chính) theo mẫu của NHPT Việt Nam là các tài liệu liên quan đến phương án sản xuất kinh doanh.

Câu hỏi 5: Mức bảo lãnh, đồng tiền bảo lãnh, thời hạn bảo lãnh, phí bảo lãnh?

Trả lời:

1/ Mức bảo lãnh vay vốn: tối đa bằng 100% số nợ gốc và lãi phát sinh theo Hợp đồng tín dụng ký giữa DN và NHTM.

2/ Đồng tiền bảo lãnh: Đồng Việt Nam, EUR, USD.

3/ Thời hạn bảo lãnh vay vốn kể từ ngày NHPT phát hành chứng thư bảo lãnh đến ngày NHPT thực hiện xong nghĩa vụ bảo lãnh theo cam kết, phù hợp với thời hạn cho vay của Ngân hàng thương mại.

4/ Phí bảo lãnh: NHPT thu phí bảo lãnh vay vốn bằng 0,5%/năm đối với số tiền được NHPT bảo lãnh vay vốn. Việc thu phí phù hợp thời gian bảo lãnh, được thỏa thuận trong Hợp đồng bảo lãnh vay vốn. Trường hợp các DN gặp rủi ro bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn... sẽ được miễn, giảm.

Câu hỏi 6: Quy trình bảo lãnh vay vốn như thế nào?

Trả lời:

- Khi phát sinh nhu cầu vay vốn tại các NHTM cần bảo lãnh của NHPT, DN tiếp xúc với bộ phận quan hệ khách hàng của NHPT và sẽ được NHPT tư vấn về thủ tục và hồ sơ.

- Tối đa 20 ngày làm việc kể từ khi NHPT nhận đủ hồ sơ, NHPT sẽ tiến hành thẩm định, nếu đủ điều kiện thì có văn bản thông báo chấp thuận bảo lãnh cho DN vay vốn. Trường hợp không chấp thuận bảo lãnh, NHPT sẽ thông báo cho doanh nghiệp và giải thích rõ lý do không chấp thuận.

- Căn cứ đề nghị vay vốn của DN và văn bản thông báo chấp thuận bảo lãnh của NHPT, NHTM xem xét và ký hợp đồng tín dụng với doanh nghiệp. NHTM không phải thẩm định lại các điều kiện để doanh nghiệp được bảo lãnh vay vốn tại Quy chế bảo lãnh vay vốn.

- Sau khi có Hợp đồng tín dụng giữa NHTM và doanh nghiệp, NHPT sẽ tiến hành ký Hợp đồng bảo lãnh vay vốn; Hợp đồng bảo đảm bảo lãnh; Hợp đồng nhận nợ nguyên tắc và phát hành chứng thư bảo lãnh để DN vay vốn tại các NHTM.

Câu hỏi 7: Khi nào thì Ngân hàng Phát triển chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh?

Trả lời:

Nghĩa vụ bảo lãnh của NHPT sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau:

- Chứng thư bảo lãnh hết thời hạn.

- Doanh nghiệp hoặc NHPT Việt Nam đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với NHTM.

- Việc bảo lãnh được huỷ bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

- NHTM đồng ý miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho NHPT hoặc nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt theo qui định của pháp luật.

- Theo thoả thuận của các bên.

Câu hỏi 8: DN được NHPT bảo lãnh vay vốn tại các NHTM nào trên địa bàn tỉnh Quảng Bình?

Trả lời:

Hiện nay các Doanh nghiệp sẽ được NHPT bảo lãnh vay vốn tại các NHTM mà NHPT đã ký kết thoả thuận hợp tác, và Chi nhánh tiếp nhận hồ sơ bảo lãnh là Chi nhánh NHPT đang hoạt động trên địa bàn doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Tính đến ngày 01/4/2009, NHPT đã ký kết thoả thuận hợp tác với 33 NHTM. Trên địa bàn Quảng Bình có 6 NHTM nằm trong 33 NHTM đã ký thoả thuận hợp tác là:

+ Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank).

+ Ngân hàng TMCP các doanh nghiệp ngoài Quốc doanh (VPBank).

+ Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank).

+ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triến nông thôn (Agribank).

+ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 2 Chi nhánh BIDV là "Ngân hàng ĐT & PT Quảng Bình’’ và ’’ Ngân hàng ĐT và PT Bắc Quảng Bình’’.

+ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Câu hỏi 9: DN tôi đầu tư dự án mở rộng sản xuất và đã được Chi nhánh NHPT Quảng Bình chấp thuận cho vay vốn tín dụng ĐTPT để thực hiện dự án với số vốn chấp thuận cho vay là 70% tổng mức vốn đầu TƯTSCĐ. Số vốn còn lại DN dùng vốn tự có đầu tư vào dự án là 15%, số vốn phải vay NHTM là 15%. Tuy nhiên hiện nay DN tôi không đủ tài sản để thế chấp vay vốn tại NHTM, DN tôi muốn được Chi nhánh NHPT Quảng Bình bảo lãnh cho DN số vốn vay tại NHTM có được không?

Trả lời:

Theo quy định tại Quyết định số 60/2009/QĐ - TTG ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính Phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 14/2009/QĐ - TTG ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại các Ngân hàng thương mại và hướng dẫn của NHPT thì trong trường hợp nêu trên, phần vốn đầu tư mà doanh nghiệp vay Ngân hàng thương mại (15% tổng nức vốn đầu tư) vẫn được Chi nhánh NHPT Quảng Bình bảo lãnh.

Câu hỏi 10: Nếu doanh nghiệp có trụ sở chính tại tỉnh X nhưng đầu tư dự án tại tỉnh Y, hồ sơ đề nghị bảo lãnh vay vốn tại Ngân hàng thương mại phải gửi đến Chi nhánh NHPT ở tỉnh nào?

Trả lời:

Theo quy định của Ngân hàng Phát triển tại công văn số 1097/NHPT - BL HTUT ngày 21/4/2009 về việc hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ Bảo lãnh cho Doanh nghiệp vay vốn của Ngân hàng thương mại: khi có nhu cầu bảo lãnh vay vốn, Doanh nghiệp gửi đến Chi nhánh NHPT (nơi Doanh nghiệp đóng trụ sở chính) hồ sơ đề nghị bảo lãnh vay vốn và chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, trung thực, chính xác, hợp pháp của các tài liệu trong hồ sơ.

Câu hỏi 11: Ngân hàng phát triển từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp nào?

Trả lời:


NHPT từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi Doanh nghiệp sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay không đúng mục đích (Theo khoản B - điều 2 Quyết chính số 60/2009/QĐ - TTG ngày 17/4/09 của Thủ tưởng Chính Phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 14/2009/QĐ - TTG ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại các Ngân hàng thương mại.

Câu hỏi 12: Cách thu phí bảo lãnh đối với dự án vay vốn trung và dài hạn như thế nào?

Trả lời:

Cách thu phí bảo lãnh: Năm đầu tiên: Tạm thu 50% phí bảo lãnh trên tổng số vốn vay bảo lãnh ngay sau khi phát hành chứng thư bảo lãnh.

Các năm tiếp theo: Thu phí chênh lệch năm trước và tiếp tục tạm thu 50% phí bảo lãnh trên tổng số vốn vay bảo lãnh trong năm được thực hiện vào ngày 31/01 hàng năm, cách tính như sau:
- Đầu tháng 1 hàng năm, Chi nhánh NHPT tính toán và có văn bản thông báo số phí phải nộp cho Doanh nghiệp được bảo lãnh trước ngày 20/1 hàng năm.

- Căn cứ bảng kê tình hình cho vay, thu nợ của dự án (có mẫu kèm theo) do Doanh nghiệp gửi đến (có xác nhận của NHTM), Chi nhánh tính toán số phí bảo lãnh thực tế phải thu của năm trước (bao gồm phí bảo lãnh của gốc và lãi) và thực hiện thu số phí còn lại sau khi đã trừ số phí tạm thu của năm trước (nếu thiếu thu tiếp, nếu thừa trừ vào phí tạm thu của năm sau).

Riêng năm cuối cùng: Thu phí chênh lệch năm trước và quyết toán phí bảo lãnh phải thu trong năm được thực hiện khi kết thúc nghĩa vụ bảo lãnh, cụ thể như sau:

Khi kết thúc nghĩa vụ bảo lãnh, Doanh nghiệp gửi cho Chi nhánh Ngân hàng phát triển bảng kê tình hình cho vay, thu nợ của dự án năm trước năm kết thúc và năm kết thúc.

Trên cơ sở bảng kê, Chi nhánh tiến hành tính phí bảo lãnh thực tế phải thu của hai năm (năm trước năm kết thúc và năm kết thúc).

Sau khi tính toán số phí bảo lãnh thực tế phải thu, Chi nhánh tiến hành quyết toán phí bảo lãnh với Doanh nghiệp đồng thời có Công văn thông báo số tiền phí bảo lãnh Doanh nghiệp phải nộp bổ sung (hoàn trả).

* Đối với các trường hợp bảo lãnh vay vốn bằng ngoại tệ

Phương pháp tính và thu phí bảo lãnh áp dụng như nêu trên và thực hiện theo nguyên tắc sau:

- Đồng tiền để tính mức phí là đồng nguyên tệ theo hợp đồng tín dụng.

- Đồng tiền thu phí là Việt Nam đồng và được quy đổi theo tỷ giá Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm thu phí

Câu hỏi 13: Ngân hàng Phát tríển bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của Ngân hàng thương mại để thực hiện phương án sản xuất kinh doanh theo hình thức vay vốn nào?

Trả lời:

Theo quy định, Ngân hàng Phát triển sẽ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của Ngân hàng thương mại để thực hiện phương án sản xuất kinh doanh theo hình thức cho vay từng lần:

Cách tính và thu phí bảo lãnh vay vốn từng lần đối với phương án sản xuất kinh doanh:

+ Cách tính phí:

Mức phí bảo lãnh bằng 0,5%/năm/số tiền được bảo lãnh; được miễn giảm phí bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh gặp rủi ro bất khả kháng khác (thiên tai, hỏa hoạn). Số tiền được bảo lãnh tối đa = 100% số nợ gốc và lãi phát sinh theo hợp đồng tín dụng ký giữa bên được bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh.

Ví dụ cụ thể: Doanh nghiệp B được Ngân hàng Phát triển bảo lãnh vay vốn tại Ngân hàng Thương mại số tiền vay là 2.500 triệu đồng để sản xuất sản phẩm C với lãi suất vay ngăn hạn là 10%/năm, thời gian cho vay là 06 tháng kể từ ngày giải ngân, gốc thu 01 lần và lãi thu theo thực tế phát sinh từng tháng.

Phí bảo lãnh Doanh nghiệp phải trả cho NHPT như sau:

M = {(2.500 + (2.500 x 10% x 6/12)} x 0,5% x 6/12 = 6,56 triệu đồng.

* Đối với trường hợp bảo lãnh vay vốn bằng ngoại tệ

Cách tính và thu phí bảo lãnh áp dụng như nêu trên và thực hiện theo nguyên tắc sau:

- Đồng tiền để tính mức phí là đồng nguyên tệ theo hợp đồng tín dụng.

- Đồng tiền thu phí là Việt Nam đồng và được quy đổi theo tỷ giá Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm thu phí.

+ Cách thu phí: Thu 100% phí bảo lãnh trước khi phát hành chứng thư bảo lãnh.

Câu hỏi 14: Mức tính phí phạt chậm trả tiền phí bảo lãnh như thế nào?

Trả lời:

Mức tính phí phạt do chậm thanh toán phí bảo lãnh = 0,02% x Số phí bảo lãnh chậm trả x số ngày chậm trả.

Số ngày chậm trả được xác định: Sau ngày đến hạn phải trả (31/12) đến ngày thực trả.

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập