Chi tiết bài viết

Một số câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ năm 2008

10:46, Thứ Sáu, 14-8-2009

Câu hỏi 1: Độ tuổi và sức khoẻ của người lái xe được quy định như thế nào?

Điều 60 - Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định độ tuổi của người lái xe như sau:

1. Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;

2. Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;

3. Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);

4. Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);

5. Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);

6. Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.

Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Tiêu chuẩn về sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe thực hiện theo quy định của liên bộ Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải.

Câu hỏi 2: Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện những hành vi nào?

Khoản 3, Điều 30 - Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau:

1. Đi xe dàn hàng ngang;

2. Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;

3. Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;

4. Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh;

5. Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh;

6. Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Câu hỏi 3: Người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy khi tham gia giao thông không được thực hiện những hành vi nào?

Khoản 4, Điều 30 - Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy khi tham gia giao thông không được thực hiện các hành vi sau:

1. Mang, vác vật cồng kềnh;

2. Sử dụng ô;

3. Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác;

4. Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái;

5. Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Câu hỏi 4: Khi tham gia giao thông người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, người điều khiển xe thô sơ khác được làm gì và không được làm gì?

Theo quy định tại Điều 31, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, thì:

1. Người điều khiển xe đạp chỉ được chở một người, trừ trường hợp chở thêm một trẻ em dưới 7 tuổi thì được chở tối đa hai người.

- Người điều khiển xe đạp không được thực hiện các hành vi sau:

+ Đi xe dàn hàng ngang;

+ Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;

+ Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;

+ Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh;

+ Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh;

+ Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

- Người ngồi trên xe đạp khi tham gia giao thông không được thực hiện các hành vi sau:

+ Mang, vác vật cồng kềnh;

+ Sử dụng ô;

+ Bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác;

+ Đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái;

+ Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

2. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.

3. Người điều khiển xe thô sơ khác phải cho xe đi hàng một, nơi có phần đường dành cho xe thô sơ thì phải đi đúng phần đường quy định; khi đi ban đêm phải có báo hiệu ở phía trước và phía sau xe. Người điều khiển xe súc vật kéo phải có biện pháp bảo đảm vệ sinh trên đường.

4. Hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển.

Câu hỏi 5: Khi tham gia giao thông người đi bộ phải thực hiện theo những quy định như thế nào?

Theo quy định tại Điều 32, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, thì:

1. Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.

2. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.

3. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.

4. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

5. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.

Câu hỏi 6: Cá nhân, tổ chức, cơ quan phải làm gì khi xảy ra tai nạn giao thông đường bộ?

Điều 38, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, quy định trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông như sau:

1. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;

c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

2. Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây:

a) Bảo vệ hiện trường;

b) Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn;

c) Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;

d) Bảo vệ tài sản của người bị nạn;

đ) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

3. Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này.

4. Cơ quan công an khi nhận được tin về vụ tai nạn có trách nhiệm cử người tới ngay hiện trường để điều tra vụ tai nạn, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ và Ủy ban nhân dân địa phương bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

5. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm kịp thời thông báo cho cơ quan công an, y tế đến để xử lý, giải quyết vụ tai nạn; tổ chức cứu chữa, giúp đỡ người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của người bị nạn; trường hợp có người chết mà không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất thì sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã hoàn tất các công việc theo quy định của pháp luật và đồng ý cho chôn cất, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức chôn cất.

Trường hợp vụ tai nạn vượt quá khả năng giải quyết, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp trên.

6. Bộ Công an có trách nhiệm thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về tai nạn giao thông đường bộ, cung cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Hà Linh

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập