Chi tiết bài viết

Báo cáo tóm tắt kết quả giải quyết, trả lời kết luận của Chủ tọa kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVII của Sở Tài nguyên và Môi trường

16:44, Thứ Sáu, 16-9-2016

1.1. Về rà soát, đánh giá tác động môi trường và xử lý tình trạng ô nhiễm tại các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản, các chương trình, dự án đã và đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Sở đã tổ chức kiểm tra các cơ sở xả thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: Trạm xử lý nước thải sinh hoạt Đức Ninh, Nhà máy nhôm thanh định hình, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, Nhà máy sản xuất tấm lợp phibroximăng, Nhà máy xi măng số 1 (trạm nghiền xi măng), Nhà máy gỗ Trường Thành, Xí nghiệp may Hà Quảng thuộc Tổng công ty May 10, Nhà máy chế biên bột cá nông sản Quảng Bình, Cảng cá Nhật Lệ, Nhà máy tinh bột sắn Sông Dinh, Nhà máy tinh bột Long Gianh Thịnh, Cơ sở chế biến mủ cao su Lê Dũng Linh ở Thị Trấn Nông trường Việt Trung... Qua kiểm tra Sở đã kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu các đơn vị khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, Sở đã xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường và đình chỉ hoạt động một cơ sở sơ chế mủ cao su do chưa thực hiện thủ tục pháp lý về môi trường.

Hiện tại Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục thực hiện kiểm tra đối với 18 đơn vị sản xuất kinh doanh và khai thác khoáng sản có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

1.2. Về xác định nguyên nhân và chỉ đạo khắc phục ô nhiễm tại hồ nước Phú Vinh, xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới.

Qua kiểm tra kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước hàng năm tại hồ Phú Vinh đều cho thấy các chỉ tiêu phân tích đều nằm trong giới hạn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (sử dụng cho cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng biện pháp xử lý), hiện tại khả năng tự làm sạch của nước hồ Phú Vinh vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, về lâu dài nếu không được kiểm soát các hoạt động sản suất, chăn nuôi đầu nguồn của hồ Phú Vinh sẽ gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước hồ Phú Vinh. Sở xác định những nguyên nhân có nguy cơ gây ô nhiễm hồ nước Phú Vinh như sau:

- Hoạt động trồng cao su của các đơn vị Trại giam Đồng Sơn và Lâm trường Long Đại; chăn nuôi gia súc, gia cầm của Trại giam Đồng Sơn và một số hộ gia đình phát sinh các nguồn thải (phân, nước thải) cuốn theo nước mưa chảy tràn có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước hồ Phú Vinh.

- Trong phạm vi lòng hồ Phú Vinh có tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện, trâu bò chăn thả không quản lý ngâm mình trong hồ, chính quyền địa phương đã nhiều lần phát hiện, xử lý nhưng tình hình vẫn còn khó kiểm soát.

Từ thực tế nêu trên, để có phương án xử lý, đồng thời bảo vệ nghiêm ngặt hồ Phú Vinh để đảm bảo cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, địa phương thực hiện một số nội dung sau:

- Các sở, ban, ngành, địa phương liên quan rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất, chăn nuôi khu vực thượng nguồn hồ Phú Vinh nhằm kiểm soát các hoạt động có khả khả năng gây ô nhiễm nguồn nước hồ Phú Vinh. Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, không bố trí rừng sản xuất, chăn nuôi trong phạm vi lưu vực hồ.

- Yêu cầu Trại giam Đồng Sơn trong trong quá trình tổ chức sản xuất phải gắn với các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo các hoạt động sản xuất không gây ô nhiễm nước hồ Phú Vinh.

- Các sở, ban, ngành, địa phương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ quản lý tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có các hoạt động sản xuất đầu nguồn nước hồ Phú Vinh các các hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường.

- UBND thành phố Đồng Hới chỉ đạo các địa phương có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong phạm vi lưu vực hồ Phú Vinh vi phạm về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường cho nguồn nước hồ Phú Vinh.

- Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình tăng cường phối hợp với các địa phương án liên quan trong việc tuyên tuyền, giám sát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong phạm vi quản lý của lòng hồ, báo cáo cấp có thẩm quyền để phối hợp, xử lý.

1.3. Về nội dung tăng cường công tác quản lý nhà nước, tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển cát sạn, đất san lấp trái phép tại một số địa phương

Đầu năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức kiểm tra và phát hiện địa bàn 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy có 22 điểm đã có khai thác khoáng sản trái phép. Sở đã tham mưu UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện tổ chức ngăn chặn và buộc các tổ chức, cá nhân có vi phạm sớm khắc phục hậu quả do việc khai thác khoáng sản trái phép như san gạt mặt bằng, trồng cây phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đặc biệt tại các điểm trọng yếu để đảm bảo không ảnh hưởng đến an toàn hành lang lưới điện 500 KV và các công trình khác. UBND các huyện đã nghiêm túc triển khai và đến nay, việc khắc phục hậu quả do khai thác khoáng sản trái phép cơ bản đã được thực hiện.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh trong công tác kiểm tra, xử lý việc khai thác khoáng sản trái phép; tính đến tháng 8/2016 đã xử lý vi phạm hành chính đối đối với 09 trường hợp, trong đó Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt vi phạm hành chính 07 trường hợp, chuyển hồ sơ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính 02 trường hợp.

Để quản lý tốt hoạt động khai thác khoáng sản nói chung và khoáng sản chưa khai thác, chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 21/3/2016, về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Quyết định số 26/2015/QĐ-UBND ngày 27/7/2015 về việc ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, trong đó có đề xuất các biện pháp nhằm tháo gỡ một số vướng mắc và nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp trong công tác quản lý của các cấp, các ngành có liên quan.

Mặt khác, vừa để có nguồn vật liệu kịp thời phục vụ việc san lấp mặt bằng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, vừa quản lý chặt chẻ việc cải tạo mặt bằng, tránh thất thu thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác và phí bảo vệ môi trường trong tận thu khoáng sản khi cải tạo mặt bằng, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công văn số 894/UBND-TNMT ngày 13/6/2016 về việc giao UBND các huyện, thị xã, thành phố cấp phép cho các hộ gia đình có nhu cầu thực hiện cải tạo mặt bằng kết hợp tận thu đất để làm vật liệu san lấp theo quy định của pháp luật nên đã góp phần hạn chế việc khai thác khoáng sản trái phép.

Trong thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân; thanh tra, kiểm tra nhằm hướng dẫn việc cấp phép cải tạo mặt bằng có tận thu đất của các địa phương, đồng thời xử lý theo quy định đối với các trường hợp có vi phạm.

1.4. Về vấn đề thu hồi đất, thu hồi giấy phép đầu tư đối với các dự án chậm tiến độ.

Sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2014), Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh thông báo chậm tiến độ đối với 52 dự án vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 262 ha, trong đó có 23 dự án đã thuê đất quá 12 tháng nhưng chưa triển khai sử dụng đất; 29 dự án sau khi thuê đất đã triển khai nhưng tiến độ chậm so với tiến độ ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư. Sau khi thông báo, có 38 đơn vị làm thủ tục xin gia hạn và đã được UBND tỉnh quyết định cho gia hạn sử dụng đất đến ngày 01/7/2016. Đồng thời, Sở đã tổ chức 2 cuộc thanh tra đối với 74 tổ chức được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh để làm rõ việc tuân thủ pháp luật đất đai của các đơn vị nhằm kịp thời đôn đốc các đơn vị khắc phục, chấn chỉnh và kiến nghị UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền.

Đến nay, có 5 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng; 3 dự án đã thu hồi đất do đơn vị không còn nhu cầu, trả lại đất hoặc ngân hàng bán phát mại tài sản; 29 dự án sau khi có thông báo, tiến độ vẫn không thay đổi, giữ nguyên hiện trạng; 15 dự án đã có xây dựng hoặc đang xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong đó, có nhiều đơn vị nợ tiền thuê đất, Cục thuế tỉnh đã thông báo xử lý.

Vừa qua, Sở tiếp tục phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát thống nhất phương án báo cáo UBND tỉnh xử lý dứt điểm đối với 29 dự án sau khi có thông báo chậm tiến độ vẫn giữ nguyên hiện trạng. Ban Cán sự Đảng ủy ban nhân dân tỉnh đã có Công văn số 103-CV/BCS ngày 14/7/2016 báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xử lý từng dự án, hiện Thường trực Tỉnh ủy đã cho ý kiến về xử lý 29 dự án chậm tiến độ cụ thể:

- Có 10 dự án yêu cầu UBND tỉnh thu hồi đất ngay gồm: Dự án xây dựng Nhà nghỉ cán bộ công nhân viên của Ngân hàng phát triển Việt Nam, dự án XD Khu khách sạn siêu thị H&C của Công ty TNHH XDTH Hoàng Hà, dự án XD Nhà máy gạch Tuynen của Công ty TNHH XDTH Đại Long, dự án XD cơ sở chế biến thức ăn gia súc của công ty TNHH Nam Bình Đạt, dự án XD nhà máy kết cấu thép của Công ty TNHH Địa Cầu Xanh, dự án XD Nhà máy chế biến sâu Titan của Công ty TNHH Thanh Bình, dự án XD KS và nhà hàng của Công ty CP PTĐT Phương Bắc, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Bang của Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương, dự án XD Nhà máy Block bê tông nhẹ của Công ty CP Việt Nam Tiến, dự án xây dựng Trung tâm thương mại và dịch vụ Hoài Thu của DNTN TM&DV Hoài Thu. Hiện nay Sở TN&MT đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định thu hồi đất 02 dự án gồm: Dự án xây dựng Nhà nghỉ cán bộ công nhân viên của Ngân hàng phát triển Việt Nam tại xã Bảo Ninh TP Đồng Hới và Dự án Khu Du lịch nghỉ dưỡng Bang của Công ty CP Tập Đoàn Đông Dương tại xã Kim Thủy huyện Lệ Thủy; các dự án còn lại Sở đang củng cố hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh thu hồi trong tháng 9/2016;

- 11 dự án có quy mô đầu tư lớn, vừa do tỉnh mời gọi đầu tư nên Thường trực yêu cầu UBND tỉnh làm việc với Nhà đầu tư để xem xét, thống nhất phương án giải quyết trước khi thu hồi hoặc cho phép giãn tiến độ. Hiện nay, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác và đang làm việc với các Nhà đầu tư để xem xét giải quyết.

- 7 dự án cho giãn tiến độ vì đã triển khai và điều chỉnh chủ trương đầu tư do nguyên nhân khách quan;

- 01 dự án đã chuyển sang hình thức thuê đất trả tiền thuê đất một lần (Công ty TNHH An Phát tại phường Nam Lý, TP Đồng Hới).

Đối với 15 dự án đã có xây dựng hoặc đang xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các đơn vị hoàn thành dự án sớm đưa vào sử dụng nếu đơn vị nào tiếp tục vi phạm sẽ kiến nghị UBND tỉnh thu hồi theo quy định.

Về việc thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án chậm tiến độ theo quy định của pháp luật thuộc trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư sau khi UBND tỉnh có Quyết định thu hồi đất của các đơn vị.

1.5. Về việc tiếp tục rà soát, bóc tách thêm diện tích đất rừng của các nông, lâm trường để giao cho các hộ dân sản xuất tại một số địa phương.

Trên cơ sở Đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh quyết định phê duyệt Phương án sử dụng đất của 04 công ty nông, lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp đổi mới theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ, bao gồm: Công ty TNHH MTV Lệ Ninh - Quảng Bình, Công ty TNHH MTV Việt Trung, Công ty TNHH MTV LCN Long Đại và Công ty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình. Đồng thời, đã tập trung chỉ đạo các đơn vị tư vấn phối hợp với địa phương và các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty theo đúng kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh. Đến nay, việc xác định ranh giới và đo đạc cắm mốc thực địa cho các công ty đạt khối lượng 81,87% so với phương án đã được phê duyệt. Phấn đấu trong năm 2016 hoàn thành việc xác định ranh giới, cắm mốc, đo đạc, lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cho các công ty. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2016 – 2020 theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp các địa phương xây dựng phương án sử dụng quỹ đất thu hồi từ các công ty nông, lâm nghiệp để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Thực hiện chủ trương, chính sách giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ dân sống gần rừng ổn định sản xuất. Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh thu hồi 8.326,77 ha đất của các nông, lâm trường giao về địa phương quản lý để xét giao đất ổn định sản xuất cho các hộ dân, kịp thời giải quyết tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất của người dân (trong đó: huyện Lệ Thuỷ 2.787,75 ha; huyện Quảng Ninh 3.817,5 ha, huyện Bố Trạch 1.498,4ha, huyện Tuyên Hoá 223,12 ha). Ngày 27/7/2016, thực hiện Kết luận của Chủ tọa kỳ họp tại phiên họp chất vấn, trả lời chất vấn và kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVII, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2230/QĐ-UBND thu hồi 64,2 ha đất của Công ty TNHH MTV LCN Long Đại tại bản Ploang giao UBND xã Trường Sơn để xét giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, kịp thời giải quyết nhu cầu bức thiết cho các hộ dân trong bản.

Sau khi có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các địa phương tổ chức bàn giao đất trên thực địa theo đúng quy định. Đến nay, toàn tỉnh đã giao được 2.872,90 ha/8.326,77 ha, đạt 35% về diện tích. Diện tích còn lại 5.452,87 ha chưa giao được thực địa do chưa xử lý hết phần tài sản trên đất của các nông, lâm trường, do một số xã chậm lập phương án giao đất cho người dân.

Văn phòng HĐND tỉnh

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập