CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG BÌNH
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG BÌNH
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG BÌNH

Huyện Tuyên Hóa: Triển khai có hiệu quả các giải pháp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động

17:20, Thứ Sáu, 26-4-2024

(Quang Binh Portal) - Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tuyên Hóa, năm 2023, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 3.598 lao động, đạt 102,8% kế hoạch. Số người lao động được đào tạo chiếm 60,1%, trong đó người được đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ đạt 36,34%.

Để có được kết quả đó, ngay từ đầu năm, cấp ủy, chính quyền huyện đã chú trọng công tác tuyên truyền các chính sách của Trung ương, của tỉnh về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững tới người dân, giúp người lao động nắm được thông tin và có định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Huyện cũng chủ động rà soát số lượng lao động nông thôn đã, đang và chưa qua đào tạo, tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động để tổ chức mở các khóa dạy nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm sau khi học nghề; chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) thực hiện tốt đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, gắn với nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường và doanh nghiệp sử dụng lao động. 

Bên cạnh đó, để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm tại địa phương, huyện đã chủ động áp dụng các mô hình dạy nghề có hiệu quả gắn với nghề có thế mạnh tại địa bàn để kịp thời đưa ra giải pháp có tính khả thi, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo. Nhờ đó, công tác đào tạo nghề đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương và đông đảo người dân trên địa bàn. Số lượng người học nghề ngày càng tăng, chất lượng đào tạo ngày càng đổi mới. Người lao động sau khi được đào tạo nghề cơ bản có việc làm ổn định…

Năm 2023, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Tuyên Hóa đã mở 21 lớp đào tạo nghề cho 701 học viên là lao động nông thôn với tổng kinh phí được phân bổ trên 2,5 tỷ đồng đối với các nghề sơ cấp, gồm: Chế biến món ăn, may công nghiệp, thú y, nuôi ong, trồng cây ăn quả, tin học văn phòng. Ngoài ra, Trung tâm còn liên kết với Trường Cao đẳng kỹ thuật Công - Nông nghiệp Quảng Bình, Trường Cao đẳng Nghề Quảng Bình đào tạo hệ trung cấp nghề chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, hàn công nghệ cao, lái xe hạng A1, B1, B2, C... cho người dân trên địa bàn. Các học viên sau khi học nghề cơ bản đã có việc làm ổn định, góp phần tăng thu nhập trong gia đình. Nhiều học viên sau khi đào tạo đã được Trung tâm liên kết với các doanh nghiệp cho học viên vào làm. Không ít học viên học chăn nuôi, trồng trọt đã áp dụng vào thực tế sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao… Điển hình như Anh Trần Đức Dũng, ở thị trấn Đồng Lê và một số học viên được đào tạo nghề hàn công nghệ cao và đã tìm được việc làm ổn định có mức thu nhập từ 08 - 09 triệu đồng/tháng. Một số học viên khác cũng tự mở xưởng hàn riêng, tạo thêm nhiều việc làm, đồng thời đào tạo nghề lại cho lao động địa phương.

Ngoài ra, nhằm giải quyết việc làm cho người lao động, huyện cũng đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp, trong đó trọng tâm là kết nối cung - cầu lao động; tăng cường thông tin thị trường lao động trên Trang thông tin điện tử huyện, hệ thống loa truyền thanh và trang mạng xã hội của các hội, đoàn thể; đồng thời phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Trung tâm GDNN - GDTX huyện tổ chức phiên giao dịch việc làm tại các xã, thị trấn, trường học trên địa bàn huyện để cung cấp thông tin về tình hình lao động, việc làm của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; thị trường lao động trong nước và nước ngoài... Đây là cơ hội tốt để các em học sinh và người lao động có cơ hội tìm kiếm được việc làm phù hợp và định hướng nghề nghiệp trong tương lai, nhằm tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống gia đình.

Đặc biệt, để tạo việc làm tại chỗ cho người lao động, huyện cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội vận động, tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Tính đến cuối năm 2023, tổng nguồn vốn cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn huyện là 74,2 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 là 52,1 tỷ đồng, vốn uỷ thác địa phương 14,3 tỷ đồng. Tổng dư nợ 67,4 tỷ đồng. Vốn vay đã hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 501 lao động, góp phần duy trì, phát triển kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.

Có thể thấy, với các giải pháp trong công tác giải quyết việc làm đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương. Nhờ đó, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,61%, hộ cận nghèo giảm 1,47% so với đầu năm... 

Thời gian tới, huyện Tuyên Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác giải quyết việc làm, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận vốn vay phát triển kinh tế gia đình; tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần tích cực vào mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, huyện cũng sẽ phối hợp với các ngành, đoàn thể, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tư vấn cho người lao động trên địa bàn; giới thiệu các doanh nghiệp có năng lực trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lao động về tuyển dụng và tư vấn cho lao động của địa phương; phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, thanh niên đến tuổi lao động ngoài nhà trường và học sinh tốt nghiệp THPT học nghề, tham gia các chương trình đào tạo nghề...

PV:NQ

Các tin khác