Chi tiết bài viết

Bảo tồn và phát triển làng nghề nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống của làng nghề tỉnh Quảng Bình

10:0, Thứ Năm, 17-11-2022

(Quang Binh Portal) - Đó là mục tiêu đề ra tại Kế hoạch số 2160/KH-UBND ngày 15/11/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Quảng Bình đến năm 2030.

Theo đó, Kế hoạch hướng đến mục tiêu cụ thể đến năm 2030 khôi phục, bảo tồn 09 làng nghề, 03 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; phấn đấu công nhận mới thêm 07 nghề truyền thống, 03 làng nghề, 01 làng nghề truyền thống; phát triển ít nhất 01 làng nghề gắn với du lịch; có trên 50% làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận hoạt động có hiệu quả và đến năm 2030 có 16 cơ sở làng nghề có sản phẩm OCOP được phân hạng theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tốc độ tăng trưởng bình quân làng nghề đến năm 2030 đạt khoảng 03 - 05%/năm; thu nhập bình quân lao động tại làng nghề tăng từ 1,2 - 1,5 lần so với năm 2020...

Để đạt mục tiêu đề ra, các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục duy trì, phát triển đội ngũ thợ giỏi, thợ tay nghề cao ngành thủ công mỹ nghệ của tỉnh để thúc đẩy công tác đào tạo nghề, truyền nghề nhằm lan tỏa di sản văn hóa nghề truyền thống của địa phương, bảo tồn và phát triển kỹ năng nghề truyền thống, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm có giá trị; tư vấn, hỗ trợ cho thợ giỏi, thợ tay nghề cao tham gia hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam hàng năm nâng cao tay nghề, giới thiệu tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc đến với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh.

Đối với làng nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền, các sở, ngành, đơn vị và địa phương tổ chức điều tra, đánh giá tình hình hoạt động nhằm xây dựng kế hoạch khôi phục, bảo tồn đối với làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; tập trung vào một số làng nghề đan lát, mộc dân dụng, rèn đúc, sản xuất rượu, nón lá; khuyến khích nghệ nhân, thợ giỏi, thợ lành nghề tăng cường đào tạo nghề, truyền nghề cho tầng lớp lao động kế cận tại làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một. Đối với làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả, tập trung phát triển mạnh làng nghề sản xuất có giá trị kinh tế cao và tiềm năng xuất khẩu lớn; khuyến khích thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp huy động nguồn lực vào phát triển sản xuất; đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn cơ sở sản xuất làng nghề tham gia vào Chương trình OCOP; đầu tư hỗ trợ về ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường... Đối với làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động cầm chừng, không ổn định, khuyến khích, tạo điều kiện cho nghệ nhân, thợ giỏi và cơ sở làng nghề sản xuất ra sản phẩm đặc trưng nhằm bảo tồn một số bí quyết truyền thống, độc đáo, phù hợp với điều kiện sản xuất của làng nghề...

Cùng với đó, các sở, ngành, đơn vị, địa phương chú trọng phát triển làng nghề gắn với du lịch, xây dựng nông thôn mới; phát triển làng nghề mới đảm bảo giá trị văn hoá truyền thống, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững; phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề; xây dựng trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm làng nghề; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề; triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm làng nghề…

Kế hoạch nêu rõ, các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố xác định bảo tồn, phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Các địa phương chủ động bố trí từ ngân sách, chỉ đạo tốt công tác lồng ghép nguồn lực từ chương trình, dự án khác trên địa bàn để thực hiện có hiệu quả chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề cũng như tạo điều kiện thuận lợi, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển vào nông nghiệp, nông thôn. 

Kế hoạch nhằm bảo tồn, phát triển làng nghề để giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề tỉnh Quảng Bình, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho sản phẩm làng nghề, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

PV Minh Huyền

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập