Chi tiết bài viết

Tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển ngành tôm trên địa bàn

14:21, Thứ Năm, 15-12-2022

(Quang Binh Portal) - Thực hiện Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia phát triển ngành tôm đến năm 2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 803/KH-UBND ngày 29/5/2018 về hành động phát triển ngành tôm tỉnh Quảng Bình đến năm 2025 và đã triển khai đạt những kết quả tích cực.

Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, giai đoạn 2018 - 2020, tổng diện tích, sản lượng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh năm 2020 đạt 1.475 ha và 5.806 tấn (đạt 106,5% về diện tích và 116,6% về sản lượng so với mục tiêu đến năm 2020 của Kế hoạch đề ra). Cùng với đó, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới được từng cơ sở, địa phương đẩy mạnh áp dụng vào sản xuất; các tổ chức quản lý cộng đồng trong nuôi tôm được thành lập; công tác quan trắc, cảnh báo môi trường tại từng vùng nuôi tôm tập trung được quan tâm; cơ sở hạ tầng một số vùng nuôi được đầu tư nâng cấp đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế của nghề nuôi tôm.

Tuy nhiên, việc thực hiện Kế hoạch phát triển ngành tôm vẫn còn một số khó khăn tồn tại như: Đến nay, các địa phương có hoạt động nuôi tôm nước lợ chưa thực hiện xây dựng kế hoạch triển khai tại địa bàn; diện tích nuôi tôm thâm canh đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC.BAP hoặc công nghệ cao chưa đạt kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2018 - 2020; tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặt nước nuôi tôm tại các vùng nuôi tôm tập trung còn hạn chế; diện tích nuôi tôm ngày càng thu hẹp; một số ngành nghề phụ trợ (sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường...) phục vụ cho ngành tôm của tỉnh chưa phát triển...

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, ngày 14/12/2022, UBND tỉnh đã có Công văn yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã ven biển khẩn trương xây dựng kế hoạch giai đoạn, hàng năm phát triển ngành tôm của địa phương trên cơ sở Kế hoạch phát triển ngành tôm của tỉnh và phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. 

Bên cạnh đó, các địa phương trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất, cập nhật vùng nuôi tôm vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện để đảm bảo thuận lợi cho việc giao đất, cho thuê đất mặt nước ven biển để nuôi trồng thủy sản; xem xét, tổ chức cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặt nước nuôi tôm cho hộ nuôi theo thẩm quyền tại vùng nuôi tôm nằm trong vùng quy hoạch, đủ điều kiện, đảm bảo quy định; nhân rộng mô hình đồng quản lý trong nuôi tôm tại địa phương (đặc biệt là vùng nuôi tập trung), tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn, tôm giống, thuốc và chất cải tạo môi trường trong sản xuất tôm và xử lý nghiêm vi phạm tại địa phương quản lý theo quy định; chủ động đề xuất những dự án nuôi tôm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, định hướng phát triển của tỉnh; hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển ngành tôm hợp lý; đồng thời kêu gọi, khuyến khích cơ sở đầu tư nuôi tôm, chuyển đổi các vùng nuôi tôm quảng canh, bán thâm canh hiệu quả thấp trên địa bàn, sang nuôi thâm canh, nuôi tôm công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt VietGAP, GlobalGAP, ASC.BAP trong quá trình sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng và hiệu quả kinh tế.

Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, đôn đốc từng địa phương thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan chuyên môn về thời vụ nuôi, quan trắc cảnh báo môi trường...; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên tôm nuôi, kiểm soát chất lượng con giống, vật tư đầu vào, cơ sở sản xuất kinh doanh, thu gom, chế biến sản phẩm tôm theo thẩm quyền, ngăn chặn hành vi bơm tạp chất vào nuôi tôm và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong hoạt động ngành tôm; tổng kết, đánh giá các mô hình sản xuất tôm hiệu quả để làm cơ sở nhân rộng; tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư trong nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm và các ngành nghề phụ trợ trong chuỗi sản xuất tôm nước lợ…

Ngoài ra, các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh có liên quan căn cứ chức năng và nhiệm vụ được giao tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản về phát triển ngành tôm của UBND tỉnh ban hành.

PV Minh Huyền

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập