Chi tiết bài viết

Kết luận của đồng chí Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2022 và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2023

15:27, Thứ Năm, 2-3-2023

(Quang Binh Portal) - Ngày 15/2/2023, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2022 và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2023, do đồng chí Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh chủ trì. Tham dự cuộc họp có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo và lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh. 

Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh báo cáo tình hình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn năm 2022 và nhiệm vụ, kế hoạch, giải pháp thực hiện năm 2023; ý kiến tham gia của các thành viên dự họp, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận:

I. Về đánh giá tình hình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2022:

Năm 2022, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta được các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện, đạt được những kết quả đáng khích lệ: Hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình cơ bản đầy đủ; kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được giao cho các địa phương; công tác tuyên truyền được duy trì thường xuyên ở các cấp, với nhiều hình thức cụ thể, thiết thực; các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo cả về điểm và diện; các địa phương đã chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là cụ thể hóa các quy định, cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh để triển khai tại cơ sở...

Đến nay, toàn tỉnh đạt trung bình 15,8 tiêu chí/xã; có 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 66,4% số xã; dự kiến có thêm 03 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 88 xã, chiếm 68,8%; 02 đơn vị cấp huyện là Thị xã Ba Đồn và Thành phố Đồng Hới đang rà soát, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; toàn tỉnh có 36 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 44 vườn mẫu nông thôn mới; đã tập trung chỉ đạo các tiêu chí về chất như phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm hộ nghèo. Tổng nguồn vốn huy động cho Chương trình đạt 18.420,4 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới thời gian qua còn có một số tồn tại, hạn chế, cụ thể như: Có 02 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới không đạt kế hoạch đề ra; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu còn nhiều khó khăn; hơn 60% số xã đã đạt chuẩn giai đoạn trước chưa đáp ứng yêu cầu Bộ tiêu chí mới; việc huy động nguồn lực từ xã hội hóa còn hạn chế; cơ sở hạ tầng giao thông, kênh mương thủy lợi, văn hóa, trường học còn nhiều khó khăn, công tác duy tu, bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức; nhiều tiêu chí đã đạt nhưng chưa bền vững; môi trường nông thôn, đặc biệt là rác thải sinh hoạt chưa được quan tâm xử lý; tình hình an ninh trật tự cơ bản ổn định, tệ nạn xã hội được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân chưa thực sự bền vững; còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới…

II. Nhiệm vụ trọng tâm năm 2023:

Xây dựng nông thôn mới là một trong ba Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, có tác động trực tiếp đến sản xuất, đời sống, an ninh trật tự, an toàn xã hội của nhân dân vùng nông thôn. Để đạt được các mục tiêu đề ra, ngoài những nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch đã đề ra, các ngành, các địa phương cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nội dung sau:

2.1. Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, cần chú trọng tuyên truyền để cán bộ, người dân hiểu và nhận thức được xây dựng nông thôn mới là sản phẩm trực tiếp của người dân, người dân là chủ thể, đối tượng thụ hưởng và cũng là nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, qua đó động viên người dân tích cực ủng hộ, chung tay tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. 

Tổ chức thực hiện Chương trình đảm bảo chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích, không làm theo phong trào, không xây dựng nông thôn mới bằng mọi giá, xây dựng nông thôn phải thực sự trở thành nơi “đáng sống”.

Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung, coi trọng hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở. 

2.2. Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa để họ vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Đây là một tiêu chí hết sức quan trọng, là hạt nhân trong việc thực hiện Chương trình. Làm tốt được nội dung này là thể hiện sự thay đổi về chất, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Chú trọng hỗ trợ phát triển hợp tác xã một cách thực chất trên cơ sở phát triển mạnh các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; tập trung phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP.

2.3. Đối với các xã đã đạt chuẩn: Rà soát, đánh giá lại mức độ đạt các tiêu chí; xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để sớm đáp ứng yêu cầu của Bộ tiêu chí mới; tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu. 

2.4. Đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2023: Phấn đấu trong năm 2023 có thêm 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã NTM nâng cao và 01 xã NTM kiểu mẫu. Trong thời gian tới, UBND các huyện, thị, xã, thành phố và các sở, ngành được phân công phụ trách căn cứ Công văn số 132/UBND-KT ngày 07/2/2023 của UBND tỉnh để tập trung chỉ đạo. Ưu tiên phê duyệt các thủ tục liên quan để các xã sớm hoàn thành các tiêu chí, về đích theo mục tiêu đề ra. 

Các xã phấn đấu đạt chuẩn chủ động rà soát, đánh giá thực trạng; xây dựng lộ trình và khẩn trương triển khai các tiêu chí chưa đạt; đối với hạng mục có khối lượng công việc lớn, thời gian thi công dài cần khẩn trương triển khai sớm. 

UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong đăng ký và tổ chức thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã đăng ký trong năm 2023. Giao UBND huyện Tuyên Hóa, UBND huyện Bố Trạch lựa chọn, đăng ký thêm 01 xã/huyện để phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2023.

2.5. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí thêm nguồn lực hỗ trợ các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2023 và các năm tiếp theo.

2.6. Các sở, ngành, đơn vị liên quan:

- Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các nội dung trong các Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh hoặc kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

- Rà soát lại các cơ chế, chính sách đã ban hành, nghiên cứu các quy định liên quan để tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp và hiệu quả. Tăng cường trách nhiệm trong thực hiện các tiêu chí có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của sở, ngành mình; phối hợp với các địa phương, chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện các nội dung công việc, tiêu chí liên quan đến ngành mình đảm bảo tiến độ đề ra.

2.7. Các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho các đồng chí trong cấp ủy phụ trách, chỉ đạo cụ thể từng xã trong xây dựng nông thôn mới. Khẩn trương phân bổ vốn 2023 (nếu chưa phân bổ). Thường xuyên đôn đốc giải ngân, phấn đấu giải ngân đạt tỷ lệ cao nhất. Chỉ đạo, nhắc nhở các xã tuyệt đối không để xảy ra nợ đọng XDCB trong thực hiện Chương trình.

2.8. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ, tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới; tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát phản biện xã hội. 

2.9. Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh phát huy vai trò, trách nhiệm tiếp tục theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, tham mưu kịp thời UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự, hoàn chỉnh báo cáo trình UBND tỉnh ký ban hành.

Văn phòng UBND tỉnh thông báo để các sở, ban, ngành, địa phương liên quan biết, triển khai thực hiện.

Nguồn: Thông báo số 653/TB-VPUBND ngày 02/03/2023

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập