Chi tiết bài viết

Thông báo kết luận của đồng chí Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị bàn các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023

8:57, Thứ Năm, 24-8-2023

(Quang Binh Portal) - Ngày 17/8/2023, UBND tỉnh tổ chức hội nghị bàn các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023, do đồng chí Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Phan Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Tham dự có đại diện Lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ, Du lịch, Văn hoá và Thể thao, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Ban Dân tộc, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình, Ban Quản lý Khu kinh tế, BQL Dự án Môi trường và biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới, BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, BQL SRDP, Ban QLDA ĐTXD ngành NN&PTNT, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã. Giám đốc Công ty Quản lý Khai thác công trình thủy lợi; Giám đốc Bệnh viện Đa khoa các huyện, thành phố: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Đồng Hới, Lệ Thủy và chủ đầu tư các dự án đầu tư công trên địa bàn.

Sau khi đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân các dự án kế hoạch đầu tư công năm 2023 (báo cáo đã chỉ rõ các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án và giải ngân tốt; những dự án mặc dù đã triển khai thi công nhưng không thực hiện thanh toán, giải ngân và các dự án đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư..., đồng thời phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề xuất giải pháp trong thời gian tới); các Chủ đầu tư báo cáo về tiến độ triển khai thực hiện các dự án, các khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị và cam kết tỷ lệ giải ngân với UBND tỉnh đến 30/9/2023 và 31/12/2023; ý kiến của đồng chí đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kết luận: 

1. Về tình hình thực hiện và giải ngân đầu tư công 07 tháng đầu năm 2023

Ngay từ đầu năm 2023, xác định việc thực hiện và giải ngân đầu công có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, là nguồn vốn mồi để dẫn dắt, thu hút các nguồn lực đầu tư khác, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh; UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện, chủ động phân bổ vốn sớm nguồn vốn đầu tư công; cùng với đó đã ban nhiều văn bản, đã thành lập Tổ công tác của UBND tỉnh do các đ/c Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng nhằm để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, giải quyết khó khăn, vướng mắc; các sở, ngành, đơn vị, địa phương, chủ đầu tư đã có văn bản cam kết và tập trung triển khai thực hiện và giải ngân đầu tư công đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Giá cả nguyên, nhiên vật liệu biến động; công tác giao kế hoạch một số nguồn vốn còn chậm (như nguồn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội); quy trình thủ tục thực hiện các dự án ODA phức tạp hơn so với dự án trong nước; tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn Chương trình MTQG chưa đồng bộ, kịp thời, chưa phù hợp với thực tiễn. Công tác khảo sát, thiết kế một số dự án chưa tốt, chưa kỹ, một số dự án kéo dài quá lâu dẫn đến phải điều chỉnh mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ dự án; một số dự án thời gian thẩm định hồ sơ kéo dài, nhất là thủ tục bổ sung danh mục đầu nối vào quốc lộ, đường BOT, thẩm định giá, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy... Cấp ủy, chính quyền tại một số địa phương còn chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo giải ngân vốn đâu tư công, công tác giải phóng mặt bằng... Nên tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đến đến 31/7/2023 chỉ đạt đạt 28,3% (bao gồm cả kế hoạch vốn kéo dài) trong đó trong đó NSTW đạt 22,4%, ngân sách địa phương đạt 31,4%; tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2023 đạt 28,2%, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn kéo dài đạt 28,7%. Tỷ lệ giải ngân theo số Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023 là 33,2% (tỷ lệ giải ngân cả nước theo số Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023 là 37,8%).

2. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện những tháng cuối năm 2023

Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ về giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ở mức cao nhất theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trong điều kiện thời gian còn lại không nhiều mà khối lượng cần phải thực hiện lớn, UBND tỉnh yêu cầu: 

Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã; các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án xác định việc đẩy mạnh giải ngân gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, là trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị; cần bám sát tình hình thực tế triển khai của từng dự án để tập trung chỉ đạo, điều hành kịp thời, đúng hướng, khả thi và hiệu quả; tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 749/CĐ-TTg ngày 18/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023 và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, như: Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 14/3/2023, các Văn bản chỉ đạo số: 580/UBND-TH ngày 04/4/2023, số 840/UBND-TH ngày 08/5/2023 và số 1285/UBND-TH ngày 28/6/2023; đồng thời, tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau: 

Thứ nhất: Đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu, khởi công xây dựng các công trình khởi công mới

a) Đối với các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án: 

- Khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư, đấu thầu, khởi công các công trình khởi công mới; đặc biệt là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (với tổng số tiền 150 tỷ đồng), Các dự án di dân như: (Dự án di dân khẩn cấp vùng ngập lụt xã Tân Hóa, huyện Minh Hòa và Dự án di dân khẩn cấp vùng sạt lở núi thôn Thanh Xuân, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch)  từ nguồn dự phòng Ngân sách trung ương năm 2022 với số tiền 35 tỷ đồng và các dự án đã được giao kế hoạch vốn từ đầu năm. Chậm nhất đến ngày 30/9/2023 phải hoàn thành công tác đấu thầu và khởi công tất cả các công trình, dự án đầu tư công trên địa bàn. 

- Phân công cán bộ chuyên môn bám sát quá trình tổ chức lập, thẩm định hồ sơ dự án; kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng chất lượng hồ sơ trước khi trình cơ quan thẩm định; giảm thiểu việc chỉnh sửa hồ sơ do không đạt yêu cầu. 

- Áp dụng hình thức đấu thầu phù hợp với tính chất dự án, đúng quy định pháp luật, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực thi công, lựa chọn hình thức hợp đồng phù hợp theo quy định, tránh để tình trạng các nhà thầu chờ điều chỉnh giá. 

b) Đối với các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành: 

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các phòng chuyên môn thực hiện hướng dẫn, xử lý hồ sơ liên quan đến công tác giải ngân, tham mưu xử lý đảm bảo chất lượng và tiến độ; phối hợp hiệu quả với các sở, ngành, địa phương, Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án để xử lý nhanh các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến giải ngân. 

- Tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian thẩm định dự án, thiết kế cơ sở…, đảm bảo tối đa không quá 05 ngày/khâu thẩm định; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng... theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 1941/TB-VPUBND ngày 01/6/2022 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. 

Thứ hai: Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến giá vật nguyên, nhiên vật liệu, đất đai, tài nguyên. 

a) Đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định công tác bồi thường, GPMB là nút thắt quan trọng trong triển khai dự án; cần huy động cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, thực hiện nhanh công tác bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai dự án trên địa bàn; không được để tình trạng dự án chờ mặt bằng, nhất là các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh.

- Chủ động rà soát tình hình thực hiện của từng dự án trên địa bàn, từ đó phân nhóm vướng mắc (thủ tục đầu tư xây dựng, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục giải ngân....) để kịp thời giải quyết, tháo gỡ. Lập danh mục dự án trọng điểm, phân công cụ thể lãnh đạo theo dõi, đôn đốc và trực tiếp chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh có phương án xử lý kịp thời. 

b) Đối với các đơn vị, chủ đầu tư: 

- Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương vùng thực hiện dự án trong tổ chức công bố quy hoạch, cắm mốc phạm vi bồi thường, giải phóng mặt bằng; cung cấp kịp thời các hồ sơ, tài liệu liên quan cho chính quyền địa phương để thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan. 
          - Ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện; phần vốn còn lại mới bố trí cho xây lắp và chi phí khác; tuyệt đối không cho nhà thầu tạm ứng vốn khi chưa bàn giao mặt bằng hoặc chưa đảm bảo các điều kiện khởi công công trình theo quy định của Pháp luật về xây dựng.

c) Sở Xây dựng cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định của Chính phủ, làm cơ sở lập, thẩm định, phê duyệt/điều chỉnh dự án; xử lý nghiêm tình trạng khan hiếm giả, liên kết giữa các chủ mỏ vật liệu để nâng giá, làm ảnh hưởng đến việc thi công dự án.

d) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động, kịp thời hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã về các cơ chế, chính sách, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng theo thẩm quyền. Chủ động tham mưu UBND tỉnh đối với các trường hợp vượt thẩm quyền. 

Thứ ba: Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với việc đảm bảo chất lượng công trình; tổ chức nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng:

a) Đối với Giám đốc các sở ngành được giao làm chủ đầu tư, Chủ tịch UBND các huyện thị xã, thành phố và giám đốc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án: 

- Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả giải ngân và đây cũng là tiêu chí đánh giá xét thi đua, đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân người đứng đầu trong năm 2023, phấn đấu đến 30/9/2023 giải ngân đạt tỷ lệ trên 50% và đến 31/12/2023 đạt 100% kế hoạch vốn như các Chủ đầu tư đã cam kết với UBND tỉnh tại Hội nghị hôm nay (có các Phụ lục chi tiết từng công trình, dự án kèm theo).

- Tăng cường kiểm tra, đốn đốc; phối hợp với đơn vị thi công lập đường găng tiến độ chi tiết cho từng dự án để chỉ đạo, theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình thi công; yêu cầu nhà thầu phải có văn bản cam kết tiến độ thực hiện đối với từng hạng mục công trình, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm việc vi phạm về tiến độ cũng như chất lượng công trình; trường hợp cần thiết, chấm dứt hợp đồng và thay thế ngay các nhà thầu khác. 

- Khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước và hoàn ứng theo quy định; không để dồn thanh toán vào cuối năm. 

- Rà soát, báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân các dự án; báo cáo rõ nguyên nhân chậm giải ngân, nhất là các dự án chưa giải ngân; các vướng mắc về thủ tục đầu tư, thủ tục đấu thầu, giải phóng mặt bằng… (nếu có); đề xuất các giải pháp cụ thể; định kỳ 20 hàng tháng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định. 

b) Sở Kế hoạch và đầu tư và các sở quản lý công trình chuyên ngành:

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng, tiến độ công trình; kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm (nếu có); trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh phương án xử lý theo quy định. 

c) Kho bạc Nhà nước tỉnh: 

- Phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư để xử lý các vướng mắc phát sinh, rút ngắn thời gian kiểm soát chi; thực hiện thanh toán cho các dự án trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ ngày chủ đầu tư cung cấp đủ hồ sơ đề nghị giải ngân theo quy định.

- Cập nhật số liệu giải ngân nguồn vốn đầu tư công hàng tháng, quý, năm và đột xuất khi có yêu cầu. Trước ngày mồng 05 hàng tháng gửi báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính (Ngoài các biểu đang báo cáo, hàng tháng bổ sung thêm biểu danh sách các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao và giải ngân thấp để công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh) để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo UBND tỉnh. 

Thứ tư: Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn: 

a) Đối với các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án: 
Chủ động rà soát, dự kiến khả năng giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của từng dự án. Trường hợp dự kiến không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, gửi báo cáo bằng văn bản về Sở Kế hoạch và Đầu tư chậm nhất trước ngày 25/8/2023 để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, điều chuyển vốn cho các dự án khác.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh và các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh rút kế hoạch vốn của các dự án có tiến độ thực hiện chậm, tỷ lệ giải ngân không đạt yêu cầu để bố trí cho các dự án có tiến độ triển khai tốt, giải ngân nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm 2023 nhưng chưa được bố trí đủ vốn; chủ động tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công tại kỳ họp thứ 11 (dự kiến tổ chức vào tháng 9/2023).

- Cần chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu nội dung làm việc của Tổ Công tác giải ngân vốn đầu tư công của UBND tỉnh do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023.

Thứ năm: Đẩy mạnh quyết toán dự án đầu tư hoàn thành.

a) Các đơn vị, chủ đầu tư tập trung hoàn thành hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt quyết toán đối với các dự án hoàn thành, đặc biệt là các dự án lớn, dự án trọng điểm. 

b) Sở Tài chính tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các chủ đầu tư hoàn thành hồ sơ, thủ tục theo quy định; rút ngắn thời gian thẩm định, trình duyệt quyết toán đối với các dự án hoàn thành; tổng hợp danh sách các chủ đầu tư có dự án chậm nộp hồ sơ quyết toán, gửi về UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ theo dõi) trước ngày 15/9/2023. 

Thứ sáu. Khen thưởng, kỷ luật trong triển khai, giải ngân vốn đầu tư công 

a) Các sở, ban, ngành, địa phương: Phát động phong trào thi đua ở từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị để tập trung đẩy mạnh giải ngân; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 đạt trên 100% kế hoạch vốn được giao. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023, là căn cứ để đánh giá năng lực cán bộ, bình xét thi đua khen thưởng, kỷ luật đối với cá nhân, tổ chức. 

b) Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan nghiêm túc triển khai Kế hoạch số 398/KH-UBND ngày 15/3/2023 của UBND tỉnh Kế hoạch phát động phong trào thi đua “Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” năm 2023; để đánh giá, xếp loại hình thức thi đua, khen thưởng năm 2023 của các địa phương, đơn vị và cá nhân, người đứng đầu.

Văn phòng UBND tỉnh thông báo để các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương liên quan biết và triển khai thực hiện.

Nguồn: Thông báo Kết luận số 3535/TB-VPUBND ngày 22/8/2023 của Văn phòng UBND tỉnh

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập