Chi tiết bài viết

Kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

21:48, Thứ Năm, 26-10-2023

(Quang Binh Portal) - Ngày 20/10/2023, UBND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng chủ trì; đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm đồng chủ trì. Tham dự cuộc họp có Giám đốc các Sở: Tài chính, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc, các Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trưởng các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở. 

Sau khi nghe Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình sản xuất nông nghiệp 10 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ giải pháp các tháng còn lại năm 2023; ý kiến tham gia thảo luận của các thành viên dự họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kết luận:

1. Đến năm 2022, ngành nông nghiệp Quảng Bình đóng góp 20,12% trong cơ cấu GRDP. Nông nghiệp tiếp tục được xác định là một trong bốn trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Do đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo, cùng với đó là sự đoàn kết, thống nhất, chủ động, tích cực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bám sát nhiệm vụ, quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham mưu lãnh đạo tỉnh chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các chiến lược, định hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo báo cáo của ngành, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng năm 2023 ước tăng 2,87% so với cùng kỳ. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng và bền vững tiếp tục được triển khai có hiệu quả; khai thác, phát huy tốt tiềm năng lợi thế địa phương; các cơ sở, người sản xuất đã quan tâm liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm của mình, nhiều sản phẩm đạt tiêu chí OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; công tác phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi được triển khai quyết liệt, góp phần bảo vệ sản xuất; khai thác, nuôi trồng thủy sản có bước phát triển, bước đầu hình thành 02 khu đồng quản lý; công tác chống khai thác IUU được triển khai đồng bộ, quyết liệt; công tác quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục giữ vững, duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 68%; hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt tiếp tục được hoàn thiện nâng cấp; nhiều tiến bộ kỹ thuật gắn với chuyển đổi số tiếp tục chuyển giao, nhân rộng trong sản xuất; hợp tác xã nông nghiệp có bước tăng về số lượng và chất lượng.

 Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, ngành nông nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Sản xuất theo hướng hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tuy đã hình thành nhưng quy mô nhỏ; các chuỗi liên kết sản xuất trên địa bàn chưa thực sự chặt chẽ và phát triển; chưa có sản phẩm OCOP thực sự trở thành sản phẩm đặc trưng, mang thương hiệu của tỉnh có sức cạnh tranh trên thị trường. Phần lớn hợp tác xã, trang trại, ngành nghề nông thôn quy mô nhỏ, thiếu các mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Vẫn còn tình trạng nông dân không sản xuất trong vụ Hè Thu trên những cánh đồng đủ điều kiện sản xuất; vi phạm quy định về chống khai thác IUU, quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ đê điều… vẫn chưa xử lý triệt để. Nhiều địa phương không giữ được tiêu chí Nông thôn mới đã đạt trước đây. Nguồn lực để thúc đẩy nông nghiệp phát triển chưa đáp ứng nhu cầu, tiềm năng. 

 2. Trước thách thức biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng, ngày càng cực đoan; tình hình thế giới biến động khó lường; dịch bệnh cây trồng, vật nuôi vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, giá vật tư đầu vào biến động mạnh theo hướng tăng cao tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp; hội nhập kinh tế, yêu cầu kỹ thuật của các thị trường trong nước và nước ngoài ngày càng cao; vì vậy, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương để tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh định hướng, chiến lược tạo bước phát triển trong từng lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp để tiếp tục khẳng định là một trong bốn trụ cột, là bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực; phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng cao, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, gắn với chuyển đổi số; chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo hiệu quả đầu tư và kết quả phát triển, tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp phải gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới. Lưu ý một số nội dung trọng tâm như sau:

- Tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng tỷ trọng các loại cây trồng có giá trị, nhất là chuyển đổi trên đất lúa, đất vùng gò đồi kém hiệu quả; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải gắn chặt với thị trường và xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung, cấp mã số vùng trồng. Phát triển nông nghiệp nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với ứng dụng công nghệ cao; trước mắt, chuẩn bị thật tốt cho sản xuất vụ Đông Xuân năm 2023 - 2024; sớm xây dựng kế hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ Hè Thu năm 2024, trong đó có tính đến khả năng hạn hán có thể xảy ra, hạn chế tối đa tình trạng người dân bỏ ruộng không sản xuất. Tiếp tục cơ cấu lại chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, trang trại, tăng cường áp dụng quy trình chăn nuôi toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn đối với các đối tượng vật nuôi phù hợp và có lợi thế, trong đó chú trọng lợn, bò, gia cầm, để đảm bảo chủ động nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng dịp cuối năm và tết Nguyên Đán. Chủ động phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi kịp thời, có hiệu quả, đặc biệt là bệnh Cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục, dịch lở mồm long móng trên gia súc...

- Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý chuyên ngành, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử, hệ thống siêu thị, các nền tảng kỹ thuật số…

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương nghiên cứu giải pháp kết nối các cơ sở trong tỉnh có cùng sản phẩm OCOP để thống nhất quy trình, chất lượng sản phẩm, có chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, nhận diện thương hiệu từ đó nâng tầm về quy mô sản xuất, sức cạnh tranh tiến tới hình thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Lựa chọn sản phẩm OCOP có tiềm năng hỗ trợ, củng cố, phát triển sản phẩm phấn đấu đạt chứng nhận 5 sao.

- Triển khai đồng bộ, quyết liệt, thực chất các giải pháp chống khai thác IUU. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong quản lý tàu cá, trong khai thác thủy sản; tiếp tục duy trì, phát triển các tổ đội đoàn kết, khai thác thủy sản trên biển; tổ chức tốt 02 mô hình đồng quản lý trong khai thác, nuôi trồng, trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ của tỉnh; nghiên cứu thực hiện cấm đánh bắt thủy sản có thời hạn, nhất là trong mùa sinh sản. Tiếp tục khuyến khích phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển, ven đảo tại vùng biển ven bờ. Triển khai tốt kế hoạch nuôi trồng thủy sản năm 2024, tăng cường ứng dụng công nghệ nuôi an toàn sinh học, nuôi thân thiện với môi trường. 

- Tập trung chỉ đạo các chủ rừng hoàn thành việc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững trong năm 2024 làm cơ sở bảo vệ, phát triển bền vững diện tích rừng hiện có gắn với phát triển du lịch sinh thái. Tiếp tục thúc đẩy phát triển rừng trồng gỗ lớn, rừng được cấp chứng chỉ FSC, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần giám sát chặt chẽ những diện tích được nhà nước hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, đảm bảo việc trồng, chăm sóc, thu hoạch đúng quy trình gỗ lớn. Triển khai kịp thời, đúng quy định thí điểm về chi trả cho các đối tượng hưởng lợi từ nguồn chuyển nhượng kết quả giảm phát thải do Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Trung ương điều phối. Chủ động tham mưu tỉnh triển khai các hành động thích ứng với Quy định không gây mất rừng của Châu Âu. Thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng ngay từ đầu năm góp phần ổn định, giữ vững độ che phủ rừng. Khẩn trương tham mưu ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ đặc thù cho lực lượng Kiểm lâm, bảo vệ rừng đảm bảo thu nhập tương đương với ngành nghề khác cùng khu vực, địa bàn.

- Thực hiện phương án tưới tiết kiệm ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2023 - 2024, đảm bảo nước cho sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô 2024. Tích cực triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ đập, công trình thủy lợi, đê kè. Kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực thi nghiêm Luật Thủy lợi, Luật Đê điều, Luật phòng tránh thiên tai. Chủ động, kịp thời tham mưu giải pháp tập trung huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình, nhất là công trình cấp bách, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Chủ động tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm BCH PTDS tỉnh triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, thích ứng biến đổi khí hậu.

- Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án, công trình do Sở, các đơn vị thuộc Sở làm chủ đầu tư. 

- Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Đề án nâng cao hiệu quả các công trình nước sạch nông thôn tập trung và Kế hoạch đảm bảo an toàn cấp nước sạch khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác cả về số lượng và chất lượng, hình thành các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đủ mạnh, gắn với thị trường để thực sự là điểm tựa vững chắc cho người sản xuất trong thống nhất quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, xúc tiến, tiêu thụ nông sản. 

- Với trách nhiệm là cơ quan chủ trì tham mưu chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trước mắt là hoàn thành mục tiêu năm 2023; tích cực, chủ động tham mưu kịp thời, có hiệu quả UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới Trung ương giao và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

- Tăng cường phối hợp với các Sở, ngành, địa phương kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tăng cường mở rộng liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu; học tập kinh nghiệm các tỉnh bạn có cùng lợi thế để thúc đẩy phát triển nông, lâm, thủy sản trên địa bàn. Căn cứ Chương trình MTQG  phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tình hình thực tế phối hợp với Ban Dân tộc và các địa phương vùng DTTS và MN thực hiện, hướng dẫn các địa phương xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp (trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm , nuôi trồng thủy sản…) tạo sinh kế lâu dài cho đồng bào.

3. Về các kiến nghị, đề xuất 

3.1. Về tăng mức kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn hàng năm (trong năm 2024 - 2025) lên 35 tỷ đồng/năm: UBND tỉnh thống nhất chủ trương. Giao Sở Tài chính cân đối ngân sách, tham mưu UBND tỉnh.

3.2. Về ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua: Giao Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh để đảm bảo tính khả thi của các nghị quyết được thông qua.

3.3. Về xem xét, hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh còn thiếu năm 2021, cả năm 2022: Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đối với thiệt hại do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục (Công văn số 8108/VPCP-NN ngày 18/10/2023 của Văn phòng Chính phủ). Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tham mưu hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng bị thiệt hại đúng quy định.

3.4. Về đề xuất: (i) Hỗ trợ kinh phí xây dựng 30km hệ thống kênh mương nội đồng trên địa bàn huyện Quảng Ninh để đưa nước Rào Đá về các xã An Ninh, Vạn Ninh, Gia Ninh; (ii) Hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa hệ thống kênh mương tại các xã: Mỹ Trạch, Cự Nẫm, Lâm Trạch tại huyện Bố Trạch; (iii) Hỗ trợ kinh phí nâng cấp tuyến kênh chính Rào Nan để phát huy hiệu quả của công trình; (iv) Bố trí kinh phí để nâng cấp, sửa chữa các công trình hồ chứa nước đã xuống cấp, hư hỏng (trước mắt ưu tiên hồ Eo Hụ, Khe Cái, Troóc Vực, Trung Thuần…): Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc cụ thể với Sở Kế hoạch và Đầu tư để xác định thứ tự ưu tiên, trên cơ sở đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.

3.5. Về đề nghị: (i) Cấp kinh phí xây dựng trụ sở làm việc và một số hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá của cảng cá Nhật Lệ mới đảm bảo điều kiện cho BQL Cảng cá hoạt động với kinh phí khoảng 21,5 tỷ đồng; (ii) Bố trí kinh phí để nâng cấp, sửa chữa các công trình hồ chứa nước đã xuống cấp, hư hỏng (hồ Dạ Lam): UBND tỉnh đã báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xem xét chủ trương.

3.6. Về đề nghị UBND tỉnh xem xét, báo cáo HĐND tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 cho dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Bắc sông Gianh thị xã Ba Đồn: Để tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh bố trí kinh phí đối ứng theo quy định.

3.7. Về đề nghị chỉ đạo các Sở, ngành liên quan xem xét, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án kè Đức Hóa, kè Phú Vinh để có cơ sở thu hồi 32,43 tỷ đồng hoàn tạm ứng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc cụ thể với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh và Sở, ngành liên quan thống nhất phương án xử lý, báo cáo UBND tỉnh.

3.8. Về đề nghị xem xét, báo cáo HĐND tỉnh có văn bản cam kết bố trí vốn đối ứng còn thiếu của dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) khoảng 554 triệu đồng: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu theo quy định.

3.9. Về đề nghị hỗ trợ một số mô hình chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu cân đối trong nguồn sự nghiệp khuyến nông, chính sách nông nghiệp để thực hiện.

3.10. Về đề nghị phân bổ xe ô tô chuyên dụng phục vụ công tác chuyên môn cho Ban quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc cụ thể với Sở Tài chính tham mưu, báo cáo UBND tỉnh.

3.11. Về đề nghị điều chỉnh mức độ tự chủ tài chính của đơn vị giai đoạn 2024 - 2025 của BQL Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong: Giao Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu vừa đảm bảo phù hợp với tình hình của đơn vị vừa đảm bảo tiến độ cải cách hành chính của tỉnh.

3.12. Về đề nghị bố trí kinh phí để thuê tư vấn xây dựng phương án di dời Cảng cá Nhật Lệ: Ban Quản lý Cảng cá Nhật Lệ làm việc cụ thể với Sở Tài chính, báo cáo UBND tỉnh xem xét.

3.13. Về tái thành lập Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện: Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh tổ chức cuộc họp trong tháng 11/2023.

3.14. Về đề nghị cung cấp file bản đồ phương án Quy hoạch sử dụng đất theo Quyết định 377/QĐ-UBND dạng số được tổng hợp từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp file mềm cho các sở ngành liên quan phục vụ công tác quản lý nhà nước.

3.15. Về đề nghị UBND tỉnh có văn bản kiến nghị với Trung ương ban hành các văn bản liên quan đến xây dựng Nông thôn mới (Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Văn phòng Điều phối; điều chỉnh tiêu chí xây dựng nông thôn mới): Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tham mưu UBND tỉnh văn bản kiến nghị Trung ương.

3.16. Về các kiến nghị liên quan đến vướng mắc trong giao quản lý diện tích đất, rừng giữa các địa phương, đơn vị: Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh tổ chức các buổi làm việc chuyên đề. Giao đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo.

Văn phòng UBND tỉnh thông báo để các sở, ngành, địa phương, đơn vị biết, triển khai thực hiện./.
 

Nguồn: Thông báo số 4645/VPUBND-KT ngày 26/10/2023

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập