Chi tiết bài viết

Công điện về chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn

8:27, Thứ Hai, 15-7-2024

(Quang Binh Portal) - Ngày 14/7/2024, UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 8/CĐ-UBND về chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn với nội dung cụ thể như sau:

Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Bình, hồi 07 giờ ngày 14/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam của quần đảo Hoàng Sa, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8; di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/h. Đến 07 giờ ngày 15/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, di chuyển hướng Tây Bắc với tốc độ 10-15km/h, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, 7 giật cấp 9. Từ đêm 14/7 đến ngày 17/7 tại khu vực Quảng Bình khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, rải rác mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa từ đêm 14/7 đến ngày 17/7 phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN kiêm BCH Phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu:

1. Các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 4978/CĐ- NN-ĐĐ ngày 13/7/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; văn bản số 42/BCH ngày 13/7/2024 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN kiêm BCH Phòng thủ dân sự tỉnh; tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, kịp thời chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS tỉnh (qua Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS tỉnh).

2. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: Từ vĩ tuyến 13,0-17,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114 độ Kinh Đông (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo). Tổ chức, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn, đề phòng ATNĐ, lốc xoáy; thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; chỉ đạo các tổ, đội đánh bắt trên biển duy trì liên lạc và hỗ trợ nhau khi có sự cố. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. 

3. UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương kiểm tra các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất, chủ động sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn (đặc biệt lưu ý đối với khu vực sạt lở có nguy cơ cao như thôn 1 Thanh Long, thôn 3 Thanh Long, Tiểu khu 4 và TDP3 Thị trấn Quy Đạt; thôn Liên Sơn, bản Đá Chát, Thượng Sơn, xã Trường Sơn; công trường thi công đường dây 500KV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đoạn qua Quảng Bình...). Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò, khu vực có nguy cơ sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; chủ động các phương án tiêu úng, bảo vệ sản xuất vụ Hè Thu; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Chỉ đạo hệ thống thuyền thanh cơ sở cập nhật về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn để người dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó.

4. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành các huyện, thành phố, thị xã và các sở, ngành có liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình đang thi công và người lao động, đặc biệt là công trình đê kè, hồ chứa nước, công trình ven sông, suối, vùng ven biển.

5. Sở Giao thông Vận tải kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, khu vực giao thông có nguy cơ sạt lở; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

7. Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Bình dự báo, cảnh báo kịp thời diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lớn để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

8. Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Bình thường xuyên cập nhật về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn để các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương thực hiện.

Nguồn: Công điện số 8/CĐ-UBND ngày 14/7/2024

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập