Chi tiết bài viết

Quảng Bình trong thời kỳ của các triều đại Chiêm Thành

18:11, Thứ Sáu, 5-9-2014

Phong trào khởi nghĩa của nhân dân quận Nhật Nam mà nòng cốt là nhân dân ở huyện Tượng Lâm đã bền bỉ kiên cường suốt gần 70 năm và cuối cùng đã giành được độc lập, thành lập nước Lâm Ấp (sau này đổi tên là Hoàn Vương năm 749 và Chiêm Thành năm 875).

 

Sau khi lập quốc, người Chămpa lợi dụng việc phong kiến phương bắc thống trị lỏng lẻo, không thể vươn tới các địa phương xa xôi, nhất là ở quận xa như Nhật Nam, nên họ đã tiến hành nhiều cuộc tiến quân ra phía bắc để mở rộng lãnh thổ của mình.

Khoảng năm 226 - 230 thời Thuận Ngô, khi Lữ Đại làm Thứ sử Giao Châu, nước Lâm Ấp sai sứ ra giao hiếu, nhưng vẫn tìm cách phát triển ra bắc giành đất Nhật Nam còn lại từ Hải Vân trở ra.

Năm 248, bà Triệu Thị Trinh em gái Triệu Quốc Đạt, một thủ lĩnh ở huyện Quân An, quận Cửu Chân đã nổi dậy chống ách đô hộ nhà Ngô, giết viên thứ sử Châu Giao. Khắp nơi nhân dân hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân đều nổi dậy hưởng ứng mạnh mẽ, làm chấn động toàn thể Châu Giao. Nhân việc đó, nước Lâm Ấp cũng đưa quân ra đánh phá quân Ngô ở phía bắc quận Nhật Nam, vùng sông Gianh ngày nay và chiếm được vùng đất ấy.

Mất đất từ sông Gianh trở vào, nhà Ngô phải bỏ quận Nhật Nam, mãi đến đời Tấn năm 280, phong kiến Trung Quốc mới đặt lại quận Nhật Nam để chống lại Lâm Ấp.

Năm 337, Vua Lâm Ấp là Phạm Văn đem quân ra bắc, chiếm hết phần đất quận Nhật Nam, san bằng huyện thành Tây Quyển mở rộng biên giới Lâm Ấp ra tận Đèo Ngang. Mặc dù sau đó diễn ra nhiều cuộc chiến tranh giành giật vùng đất từ Đèo Ngang vào đến Hải Vân giữa các triều đại phong kiến đô hộ Trung Quốc với vương quốc Lâm Ấp, nhưng về cơ bản vùng đất Quảng Bình từ giữa thế kỷ thứ tư thuộc địa phận nước Lâm Ấp sau đổi tên Hoàn Vương và Chiêm Thành..

Sau khi mở rộng biên giới ra phía nam Đèo Ngang, nhận thấy đây là địa bàn xung yếu, địa đầu phía bắc của quốc thổ, các triều đại Chiêm thành đã lo xây dựng hệ thống đồn luỹ trên phần đất Quảng Bình ngày nay khá kiên cố. Chiêm thành cho xây dựng hệ thống hào lũy dưới chân núi Đèo Ngang gọi là luỹ Hoàn Vương từ phía tây sang phía đông để án ngữ đường tiến quân của các chính quyền đô hộ phong kiến Trung quốc. Nhiều thành luỹ còn để lại di tích trên đất Quảng Bình mà điển hình là thành Khu Túc và thành Nhà Ngo.

Thành Khu Túc, theo Thuỷ kinh chú có từ thời Phạm Hồ Đạt (340-413) là cháu nội của Phạm Văn. Sách Tấn thư nói rằng đời Thái - Khang (280-290) vua Lâm Ấp là Phạm Dật sang Trung Quốc tiến cống. "Dật có người nô bộc là Văn đi theo, rồi sau qua lại buôn bán, thấy được chế độ văn minh của thượng quốc, khi trở về Lâm Ấp, Dật bèn xây cung thất thành quách và chế tạo khí giới. Dật chết, Văn cướp ngôi. Khi Văn chiếm được miền bắc Nhật Nam thì đã xây thành trì ở Khu Túc, rồi đến đời Phạm Hồ đạt thì thành Khu Túc được xây dựng theo quy mô lớn hơn" .

Thành Khu Túc "xây giữa hai con sông Lô Dung và Thọ Linh, chu vi 6 dặm 170 bộ, xây gạch cao hai trượng, trên lại có tường cao một trượng, có nhiều lỗ rỗng, trên tường gạch có lát ván, trên ván dựng năm tầng gác, trên gác có nóc, trên nóc có lầu, lầu cao 7,8 trượng, tháp cũng 5,6 trượng, thành có 13 cửa, tất cả cung điện đều hướng về phía nam. Chung quanh thành có 21.000 ngôi nhà, dân chúng ở bao vây xung quanh".

Thành Khu Túc dân gian còn gọi là thành Lồi thuộc làng Cao Lao Hạ nay là xã Hạ Trạch thuộc huyện Bố Trạch.

Thành Nhà Ngo ở xã Uẩn Áo (nay thuộc xã Liên Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ) còn gọi là Ninh Viễn thành. Theo sách Ô châu cận lục của Dương Văn An thành "có sông Bình Giang chảy qua phía trước, sông Ngô Giang ôm phía sau, hai sông ấy chảy đến phía tây bắc thì hợp làm một". Thành Nhà Ngo - Ninh Viễn thành theo tên gọi của dân gian là thành Lồi (Chiêm Thành).

Sau khi mở rộng lãnh thổ ra đến Hoành Sơn, phần đất Quảng Bình trở thành địa đầu phía bắc của nước Lâm Ấp. Các triều đại phong kiến dưới các thời Hoàn Vương và Chiêm Thành đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh chống lại bọn phong kiến Trung Quốc đô hộ ở phía bắc là Giao Chỉ và Cửu Chân.

Năm 380, vua Chiêm là Phạm Hồ Đạt đưa quân ra bắc đánh chiếm Cửu Đức, Cửu Chân rồi tiến thẳng vây thành Long Biên. Thái Thú Giao chỉ là Đổ Viện đã chống cự phá tan quân Chiêm rồi đánh vào Nhật Nam giết hại nhiều dân chúng ở Lâm Ấp.

Năm 399 vua Lâm Ấp lại đánh ra Giao Châu, bắt sống Thái thú nhà Tấn là Quế Nguyên, đánh Cửu Đức bắt sống Thái thú Tào Bình.

Năm 420, ở Trung Quốc nhà Tấn bị phế bỏ, nhà Tống lên thay. Năm 421 Tống Vũ đế phong Phạm Dương Mại làm Lâm Ấp vương, nhưng nhà nước Lâm Ấp không chịu sự thống trị của nhà Tống, luôn nổi lên chống lại. Năm 446 Tống Văn Đế sai tướng Đàn Hoà Chi và Thứ sử Giao Châu tiến đánh Lâm Ấp. Cuộc chiến đã xẩy ra ác liệt ở thành Khu Túc và hai bên bờ sông Gianh.

Năm 528, Phạm Phàn Chi lên làm vua Lâm Ấp đoạn tuyệt mọi quan hệ với Trung Quốc. Sau khi nhà Tuỳ ở Trung Quốc lên ngôi năm 605 lại cho quân đánh Lâm Ấp buộc vua Lâm Ấp phải triều cống.

Năm 749, vua Lân Ấp là Chư Cát Địa đổi tên nước thành Hoàn Vương, tiếp tục đánh phá Giao Châu, có lúc chiếm cứ cả miền Châu Hoan, Châu Ái.

Trong các cuộc chiến tranh giữa các triều đại phong kiến của người Chăm và các triều đại phong kiến Trung Quốc, mảnh đất Quảng Bình luôn là chiến trường đẫm máu. Đời sống nhân dân vô cùng khổ cực và phải chịu nhiều mất mát hy sinh. Đó là giai đoạn để lại dấu ấn lịch sử đầy biến động đau thương của một thời Quảng Bình thuộc Chiêm Thành.

Theo Địa chí Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập