Chi tiết bài viết

Gương sáng người khuyết tật

11:22, Thứ Năm, 13-2-2014

Gặp những tấm gương người khuyết tật vượt khó, tôi thật sự rất ngưỡng mộ và khâm phục. Mang những thiệt thòi, bất hạnh do tật nguyền nhưng họ đã vượt lên trên nỗi bất hạnh đó để khẳng định chính mình.

 
Nói đến những người khuyết tật, người ta thường nghĩ rằng họ là những người không đủ sức khoẻ, những người phải sống phụ thuộc vào người khác, là gánh nặng cho gia đình và cộng đồng, họ không thể tham gia vào các hoạt động học tập, lao động và sinh hoạt xã hội. Nhưng thực tế lại khác, có rất nhiều người khuyết tật không đầu hàng số phận, họ phấn đấu không ngừng với nghị lực phi thường, vượt qua số phận, tự vươn lên để kiếm sống, tự nuôi mình, nuôi gia đình và tạo nhiều việc làm cho người cùng cảnh ngộ. Họ là những tấm gương sáng, được nhiều người khâm phục và yêu mến. 

Chúng tôi gặp chị Cao Thị Mến, ở thôn 4, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch trong hội thảo xây dựng kế hoạch trợ giúp người khuyết tật. Chị là một trong những nạn nhân bị thương tật do bom, mìn. Năm 6 tuổi khi còn chưa kịp cắp sách đến trường, chị Mến bị một viên đạn lạc rơi gây thương tích vùng xương sống và bị liệt từ đó. 

Vì bị bại liệt từ nhỏ nên chị sống trong mặc cảm, tự ti, không giao tiếp với ai. Được AEPD (Hội vì sự phát triển của người khuyết tật Quảng Bình) giúp đỡ bằng cách tìm kiếm nhà tài trợ giúp chị phẫu thuật sống lưng và lấy ra viên đạn, đồng thời hỗ trợ học nghề làm mây tre đan xuất khẩu, sức khỏe chị Mến dần hồi phục. Có nghề làm, chị vui vẻ tự tin, chủ động chia sẻ, tâm sự với chị em khuyết tật, động viên mọi người cùng vươn lên. Hiện chị Mến đang giúp đỡ 10 chị em khuyết tật cùng học nghề mây tre đan.
 
Sản phẩm mây tre đan lát của chị Mến được trưng bày
tại hội thảo Xây dựng kế hoạch trợ giúp người khuyết tật năm 2013.
 
Chị Mến cười rạng rỡ nói với chúng tôi rằng, cuộc đời của chị đã sang trang mới. Căn nhà nhỏ của chị bây giờ được tu sửa vững chải. Nơi đây là điểm sản xuất mây tre xuất khẩu của 8 thành viên trong thôn. Căn nhà cô đơn của chị ngày nào bây giờ luôn rộn tiếng cười. Sản phẩm sản xuất của cơ sở không những được thị trường địa phương ghi nhận mà còn được các tỉnh lận cận tiêu thụ mạnh. Nhiều lô hàng từ nhóm của chị xuất sang Lào. 

Cùng hoàn cảnh của chị Mến, anh Lê Văn Anh, ở thôn 1, Lý Trạch (Bố Trạch) bị khuyết tật từ nhỏ. Khi đã trưởng thành nhưng anh vẫn mang chiều cao của em bé 8 tuổi, nặng 35 kg. Nhiều lần anh giấu tiếng khóc, tủi hờn và đau khổ vào trong để sống. Sinh ra trong một gia đình nghèo, cuộc sống quá khó khăn nên anh phải nghỉ học năm lớp 11. Sau khi bỏ học anh xin cha mẹ vào Huế làm nghề đóng giày da. Nhưng sau đó cũng đành bỏ. 

Năm 2005, anh theo một người chú đi học nghề mộc. Với sức vóc nhỏ bé và việc đi lại gặp nhiều khó khăn, theo đuổi nghề mộc, anh luôn phải đánh vật với từng khúc gỗ. Anh kể: "Thời gian đầu chưa quen công việc, tôi tưởng mình không đủ sức để làm nổi. Hai tay cầm dùi, đục liên tục bị sưng, xây xước, có khi còn bị đóng cả đinh vào tay. Nhưng giờ đây, sức khoẻ tôi bảo đảm để làm được công việc mà tôi yêu thích”. 

Sau hơn hai năm cố gắng cần mẫn học nghề, anh đã được nhận làm công và có thu nhập để tự trang trải cuộc sống cho mình và giúp đỡ một phần cho gia đình. Trong những lúc khó khăn và chán nản nhất, các thành viên gia đình luôn ở bên cạnh động viên và tiếp thêm cho anh nghị lực sống. Anh tâm sự: "Biết tôi đam mê với nghề, gia đình đã không quản khó khăn, đầu tư cho tôi đi học. Nhất là bố mẹ và người chú ruột đã giúp đỡ tôi rất nhiều". 

Không ai có thể tin rằng nơi thân hình nhỏ bé như anh có thể nâng những cánh cửa nặng 40 đến 50 kg lên ráp tận tầng 2. Bằng nghị lực của mình, anh đã chứng minh cho mọi người thấy rằng, dù bị tật nguyền nhưng anh cũng có thể làm được mọi việc. Hiện nay, xưởng mộc của anh phát triển, anh còn mời thêm được 4 người thợ về làm cùng, trong đó có hai người bị khuyết tật. Những người này trước đây đều chưa có việc làm ổn định được anh giúp đỡ, mỗi ngày thu nhập từ 130 đến 170 nghìn đồng. Riêng bản thân anh, mỗi tháng bình quân thu nhập cũng được từ 6 đến 7 triệu đồng. 

Anh Trương Công Dũng, Giám đốc Trung tâm sản xuất và đào tạo nghề của người khuyết tật tỉnh cho hay: “Rào cản lớn nhất của người khuyết tật chính là sự mặc cảm, tự ti của bản thân. Nếu nỗ lực vượt qua mặc cảm, người khuyết tật hoàn toàn có thể làm được ít nhất một công việc có ích cho đời và sẽ nhận được phần thưởng lớn lao mà cuộc đời đem tới. Hãy như cây hương nhỏ bé, đốt cháy hết mình sẽ toả hương thơm ngát”. Anh cũng là một người khuyết tật nhưng bằng nghị lực phi thường, không chỉ làm giàu cho bản thân mà hàng năm anh còn đào tạo cho gần 100 người khuyết tật trong tỉnh học nghề sản xuất hương. Ngoài ra, anh còn tư vấn khởi nghiệp sản xuất kinh doanh để cho họ có cuộc sống tự lập, không phải phụ thuộc vào người thân. 

Trong hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi toàn tỉnh năm 2013, đã có 70 người khuyết tật và 40 trẻ mồ côi tiêu biểu, vượt qua tật nguyền, số phận éo le để khẳng định bản thân, sống có ích cho gia đình và xã hôi... đã được biểu dương tại hội nghị. 

Còn rất nhiều người khuyết tật ở nhiều nơi, nhiều tỉnh khác cũng đang tự mình vươn lên, họ không mặc cảm với số phận, họ sống và hoà nhập với cộng đồng. Người khuyết tật cũng đang đóng góp sức mình trong công cuộc đổi mới của đất nước.
Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập