Chi tiết bài viết

“Thủ lĩnh” nuôi ong ở xã Trường Xuân

10:28, Thứ Năm, 4-9-2014

(Website Quảng Bình) - Xuất phát từ suy nghĩ "Trong thời chiến, rừng đã từng “che bộ đội, vây quân thù”, thì ở thời bình rừng là vàng, bạc nguồn tài nguyên vô giá giúp dân phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Ngọc Lãnh 64 tuổi ở thôn Kim Sen, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh đã trăn trở trong việc tìm ngành nghề phát triển phù hợp với lợi thế của một địa phương miền núi có hơn 12.300 ha đất rừng, nghề nuôi ong lấy mật đến với ông như một cơ duyên, giúp ông tạo nên một nghề mới cho bà con, đồng bào nơi đây.

Ông Nguyễn Ngọc Lãnh tại đại hội biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi huyện Quảng Ninh

Gặp ông Nguyễn Ngọc Lãnh tại đại hội biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi huyện Quảng Ninh giai đoạn 2009 - 2014, tôi không khỏi ấn tượng bởi vẻ rắn rỏi pha chút hóm hỉnh, dân dã của cụ ông quyết làm giàu từ nghề nuôi ong lấy mật. Khởi nghiệp với nhiều nghề từ làm nông, trồng rừng, chăn nuôi, ông Nguyễn Ngọc Lãnh biết đến nghề nuôi ong lấy mật qua các phương tiện thông tin đại chúng từ năm 2000. Ngay từ đầu, ông đã bị cuốn hút bởi hiệu quả mà nghề nuôi ong mang lại và mạnh dạn tìm đến các địa phương đang phát triển nghề này để tìm mua giống. Ban đầu, ông thử nghiệm nuôi 2 đàn ong và tự tìm tòi kỹ thuật nuôi. Với lợi thế vùng đồi, diện tích rừng rộng lớn, 02 đàn ong dễ dàng thích nghi và phát triển khá nhanh vào mùa Xuân - Hè đầu tiên, khi cây cối đang vào mùa cho hoa rộ. Trước những giọt mật đầu tiên thu được, ông Nguyễn Ngọc Lãnh đã tự tin chọn cho mình nghề sản xuất bền vững từ nuôi ong. Ông quyết định bán đàn bò của gia đình để đầu tư vốn phát triển trên nhiều đàn ong. Từ 02 - 10 đàn... ông say mê với những đàn ong trong việc nghiên cứu các tập tính, theo dõi những loài hoa chúng thích hút mật, thời gian thích hợp để tách đàn, ảnh hưởng của con ong chúa đối với sự tồn tại của đàn… 15 năm gắn bó với nghề, lúc cao điểm đàn ong trong vườn nhà ông Nguyễn Ngọc Lãnh lên đến 60 đàn.

Để nâng cao chất lượng mật, con giống, ngoài kỹ năng, kinh nghiệm thu được từ thực tế, ông say mê nghiên cứu kỹ thuật nuôi ong qua sách vở. Năm 2006, ông đăng ký tham gia khóa tập huấn kỹ thuật nuôi ong tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Ong Việt Nam. Ông cho biết: “Thời gian ong cho mật từ tháng 01 đến tháng 6 hàng năm, một đàn cho khoảng 7kg mật trong một năm. Nghề này tuy thấy dễ nhưng lại khó làm nếu mình không hiểu được đặc tính hoang dã của loài ong. Khi đã nắm vững được các kiến thức cơ bản thì sẽ kiếm được tiền triệu mỗi tháng từ thu gom mật ong. Nuôi ong không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải chịu khó"…

Là địa phương có tổng diện tích đất tự nhiên 15.590 ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm hơn 12.300 ha, đây là điều kiện thuận lợi để xã Trường Xuân làm giàu từ rừng. Nắm vững được điều kiện tự nhiên của địa phương, ông Nguyễn Ngọc Lãnh đã vận động bà con trong xã phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Ban đầu, bà con còn e ngại với nghề mới nhưng khi được nghe ông say sưa nói về nghề này, thấy hiệu quả thực tế mang lại cho gia đình ông và được ông tận tình chuyển giao kỹ thuật nuôi lẫn đàn ong giống thì nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn nuôi. Hiện nay, trên địa bàn xã Trường Xuân đã thành lập câu lạc bộ ong gồm 60 hội viên do ông Nguyễn Ngọc Lãnh làm chủ nhiệm câu lạc bộ với tổng số nuôi trên 400 đàn ong. Nhiều hộ gia đình như Nguyễn Thị Rành, Võ Thị Hòe (thôn Quyết Thắng), Nguyễn Thị Cơ (thôn Bắc Kim Sen), Võ Thị Quế (bản Hang Chuồn), Trần Thị Hồng (thôn Rào Đá), Trần Thị Chiến (thôn Nam Kim Sen)… đã tham gia có hiệu quả và làm giàu từ nuôi ong lấy mật.

Với những người dân nghèo ở xã Trường Xuân, từ nhiều năm qua, việc bán vài chục chai mật ong trong một năm có thể mang lại cho họ một số tiền kha khá để trang trãi cuộc sống, góp phần nuôi con ăn học. Không giống như việc canh tác lúa, ngô đòi hỏi phải có diện tích rộng để trồng trọt, nuôi ong không cần nhiều đất. Thực tế, một số người nuôi ong ở đây có thể nuôi hàng chục đàn ong ngay trong vườn nhà. Nuôi ong đã mang lại lợi ích cho cây trồng nông nghiệp ở địa phương khi con ong lấy mật, phấn từ cây trồng đồng thời sẽ thụ phấn cho cây trong bán kính 01 km, đây là điều kiện thuận lợi để các loại cây trồng, đặc biệt là cây ăn quả lâu năm cho năng suất cao. Việc nuôi ong vừa đảm bảo vệ sinh môi trường vừa là hướng làm ăn hiệu quả, phù hợp với địa phương. Có thể nói, nhờ nghề nuôi ong lấy mật mà nhiều hộ dân ở xã miền núi Trường Xuân đã thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng.

Chọn cho mình hướng đi riêng từ nghề nuôi ong lấy mật, Ông Nguyễn Ngọc Lãnh đã làm giàu từ nghề này khi những đàn ong mang lại cho ông trên 120 triệu/năm. Trãi qua quảng thời gian dài vất vả nhưng những cố gắng của ông trong nghề nuôi ong đã được nghi nhận, nhiều năm liền ông là hộ sản xuất kinh doanh, gương điển hình làm kinh tế giỏi cấp xã, huyện, được bà con trong vùng trìu mến gọi là “Thủ lĩnh nuôi ong” như một cách biết ơn công sức mà ông đem lại cho bà con ở vùng đất miền núi còn lắm khó khăn này.

Duy Hiền (Đài TT-TH Quảng Ninh)

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập