Chi tiết bài viết

Tỏa sáng giữa đời thường

15:50, Thứ Sáu, 13-6-2014

Không may mắn có được một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh như những người khác nhưng họ luôn tỏa sáng giữa đời thường bằng những hành động, việc làm có ích cho cộng đồng xã hội. Họ là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến xuất sắc của tỉnh trong thực hiện các phong trào thi đua làm theo lời Bác và họ xứng đáng được tôn vinh.

Hiệp sĩ tình nguyện Lê Quang Toán

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” là phương châm sống của Lê Quang Toán, chàng trai tật nguyền có trái tim nhân hậu được bạn bè yêu mến gọi là “hiệp sĩ tình nguyện” hiện đang công tác tại Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh. Dẫu mang trên mình một cơ thể không hoàn chỉnh nhưng ít ai ngờ rằng sau những bước đi tưởng chừng như rất dễ vấp ngã bởi đôi chân khập khiểng là một nghị lực sống mãnh liệt được nhen dần lên bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ...

Lê Quang Toán sinh năm 1979. Khi mới lọt lòng mẹ, Toán chỉ nặng 1kg, phải nằm trong lồng ấp suốt một thời gian dài. Ngày ấy, để cứu được mẹ con Toán, cả gia đình và bệnh viện đã hết sức cố gắng. Và sau thời gian nằm viện, mẹ con Toán được trở về nhà riêng trong niềm vui của gia đình, hàng xóm. Ai cũng hi vọng rằng, Toán sẽ lớn lên khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Ấy thế mà niềm hy vọng đó đã không thành sự thật vì Toán luôn ốm đau.

Trong suốt 2 năm đầu anh phải nằm một chỗ, đầu to nhưng chân tay thì cứ bé lại. Lo lắng cho Toán, bố mẹ anh chạy vạy khắp nơi, nghe ở đâu có thầy giỏi, thuốc hay là tìm đến để chữa trị bệnh cho anh. Lên 5 tuổi, Toán bắt đầu lẫm chẫm những bước đi đầu tiên dưới sự dìu dắt của bố và mẹ. Thấy con cười giòn tan khi lê những bước chân chậm chạp, bố mẹ Toán vừa mừng vừa thương con đến rơi nước mắt.

Thế giới riêng của Toán ngày ấy là chiếc xe gỗ 4 bánh mà bố Toán tự tay đóng để giúp cho anh đi lại hằng ngày. Lớn lên một chút, nhìn những đứa trẻ cùng trang lứa tung tăng đến trường Toán nằng nặc đòi bố mẹ cho đi học. Thương con, bố mẹ Toán quyết định tìm trường cho anh học để con mình có cơ hội hòa nhập cộng đồng. Thế nhưng chuyện đến trường của Toán cũng không bằng phẳng như những bước chân mệt nhọc của anh. Hết lần này đến lần khác bị các trường tiểu học ở thành phố Huế, nơi gia đình Toán sinh sống ngày ấy từ chối nhưng bố mẹ và bản thân Toán vẫn không nản lòng.

Rồi như Toán nói thì may mắn đã đến với anh khi một trường học ở Vĩ Dạ - Huế đã đồng ý cho Toán nhập học, lúc ấy Toán đã 10 tuổi. Thời gian đầu đến trường, Toán gặp rất nhiều khó khăn, chữ viết nguệch ngoạc, đọc không rõ tiếng... nhưng bù lại anh có trí nhớ rất tốt. Toán đã phát huy thế mạnh của mình bằng cách học thuộc lòng tất cả các bài giảng của thầy cô giáo, đêm đêm anh thức thật khuya để học bài với quan niệm là “người ta cố gắng một thì mình phải bằng hai, bằng ba”. Từ buổi ban đầu khó khăn trong học chữ, Toán đã có những bước trưởng thành vượt bậc đề rồi có một ngày Toán trở thành sinh viên của Trường đại học công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Ở đó, Toán say sưa khám phá biết bao điều mới lạ từ chiếc máy vi tính. Toán nhận ra rằng, cánh cửa tương lai đã mở đối với anh. Vì vậy anh phải không ngừng cố gắng để chiến thắng bản thân và phải làm được thật nhiều điều bổ ích cho những người cùng cảnh ngộ.

Xuất phát từ hoàn cảnh của bản thân, thấu hiểu nỗi vất vả của gia đình nên từ nhỏ Toán luôn đồng cảm với những người có cùng cảnh ngộ. Bắt gặp ở đâu có những hoàn cảnh tương tự như mình, trái tim Toán lại rung lên những cảm xúc khó tả. Toán luôn nghĩ rằng mình là người may mắn vì đã tự đi được trên đôi chân, được học hành trong khi rất nhiều người khuyết tật khác thì không thể. Không ít người khuyết tật còn thiếu cả cái ăn, cái mặc.

Lê Quang Toán, một trong những gương mặt trẻ điển hình của tỉnh trong thực hiện các phong trào thi đua làm theo lời Bác.

Mỗi lần chứng kiến những cảnh đời, những số phận như thế, Toán lại quên mất rằng mình cũng là người khuyết tật mà anh chỉ muốn làm người chở che, chia sẻ với họ. Toán gia nhập vào ngôi nhà chung mang tên QBO (Quảng Bình Online) nơi gặp gỡ của những người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, sống vì cộng đồng. Và cũng từ đó chàng trai tật nguyền Lê Quang Toán được làm những công việc mà mình tâm huyết là đến những nơi cần đến - nơi có những con người đang ngày đêm phải đối diện với cuộc sống đầy những khó khăn.

Dẫu bước thấp, bước cao nhưng hầu hết những làng quê thuộc vùng sâu, vùng xa như Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch), Dân Hóa, Trọng Hóa, Thượng Hóa, Tân Hóa, Yên Hóa (Minh Hóa)... Toán đều có mặt. Từ những chuyến đi như thế, Toán cùng các bạn trong diễn đàn QBO đã học hỏi được thật nhiều điều bổ ích, được hiểu hơn cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Toán tích cực kêu gọi, vận động từ các nguồn tài trợ để rồi lập nên nhiều chương trình cụ thể, thiết thực nhằm giúp đỡ những người nghèo, trẻ em khuyết tật.

Anh có mặt trong hầu hết các hoạt động từ thiện của diễn đàn QBO và là cầu nối trong việc tổ chức những hoạt động nhân đạo, từ thiện đến các địa phương trong tỉnh. Nhiều chương trình từ thiện của QBO đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng người như “Sách cho miền cát trắng”, “Áo ấm mùa đông”...

Ngoài ra, Toán cùng các thành viên của QBO đã huy động từ các tập đoàn kinh tế lớn trong nước để mua sách vở, áo quần, lương thực tặng cho học sinh và những hộ dân chịu hậu quả nặng nề do bão, lũ...

Trên suốt chặng đường làm từ thiện của Toán, “mùa quả ngọt” mà Toán nhận được là nụ cười hạnh phúc, những cái bắt tay thật chặt của những người cùng cảnh ngộ và nhiều giải thưởng cao quý do các tổ chức, các ngành trao tặng.

Trong các năm 2008-2010, Toán được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội biểu dương và tặng giấy khen tại Hội nghị biểu dương người khuyết tật toàn tỉnh. Năm 2011, Toán vinh dự lọt vào tốp 20 của giải thưởng tình nguyện Chim Én-giải thưởng tôn vinh những tấm gương xuất sắc đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng do Tập đoàn FPT bình chọn và tổ chức. Năm 2012, Toán là người được cộng đồng mạng bình chọn cao nhất cho giải thưởng Thiện nguyện Chim Én. Vinh dự lớn nhất đối với Toán là cuối năm 2012, được Liên Hợp Quốc trao tặng chứng nhận Tình nguyện viên Quốc tế và được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng bằng khen cùng giải thưởng tình nguyện viên quốc gia.

Tháng 4-2013, Toán được tham dự hội nghị biểu dương người tàn tật và trẻ mồ côi toàn quốc tại Hà Nội, được nhận bằng khen của Trung ương Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi và mới đây, Toán vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Với Toán, cuộc sống chính là tình nguyện và Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi chính là nơi mà anh đang tiếp tục với những cống hiến không mệt mỏi cho những con người không may mắn nhằm “góp chút hương cho đời”...

Sống là không thôi khát vọng

Đó là tâm sự của anh Lê Văn Vũ ở thôn Mỹ Trạch Hạ, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, một tấm gương người khuyết tật vượt khó vươn lên trên mọi lĩnh vực.

Vũ là con út trong một gia đình có bảy anh chị em, nhưng sự nghiệt ngã của số phận đến với anh quá sớm. Vũ ngậm ngùi: “Khi sinh tôi được một tuần tuổi, tôi quấy khóc nhiều, cả nhà nghĩ đó cũng là điều bình thường, nhưng tới lúc thấy đôi chân của tôi có dấu hiệu ửng đỏ và sưng tấy, cả nhà mới đưa tôi về bệnh viện thăm khám và gần như suy sụp khi bác sỹ kết luận tôi bị một căn bệnh hiếm gặp có tên là bệnh tạo xương bất toàn hay còn gọi là xương thủy tinh”. Anh lớn lên trong tình yêu thương, che chở và nỗi vất vả lớn lao của những người thân.

Đến tuổi đi học, hằng ngày Vũ vẫn đến trường đều đặn trên lưng của bạn bè, anh chị bất kể ngày nắng hay ngày mưa. Nhưng rồi khi lớn lên vì thương bố mẹ, người thân, Vũ quyết định thôi học và tìm việc làm mới phù hợp với sức khỏe, điều kiện của bản thân. Hành trình tự lập của Vũ cũng hết sức nan giải, từ đi bán vé số dạo rồi dành dụm tiền để học nghề sửa chữa đồng hồ, điện thoại và dần dần anh đã tự lo được cho cuộc sống của mình. Được bạn bè giới thiệu về Vũng Tàu làm việc, Vũ bắt đầu làm quen với bạn mới. Ở đó anh luôn nỗ lực trong công việc và hòa đồng với mọi người, trở thành thành viên tích cực trong Câu lạc bộ Người khuyết tật thành phố Vũng Tàu.

Anh đã nhận ra rằng, bản thân mình không phải là gánh nặng cho gia đình, xã hội khi anh cùng đoàn thể thao khuyết tật tỉnh Quảng Bình tham gia thi đấu giải thể thao toàn quốc dành cho người khuyết tật. Liên tục từ năm 2000 đến năm 2010 anh tham gia thi đấu môn bơi lội và giành được tổng cộng 25 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 5 huy chương đồng các cự ly. Và may mắn nữa là anh đã có được một người vợ hết mực yêu mình. Vợ anh từng là nữ sinh khoa Ngữ Văn, Trường đại học Đà Lạt nhưng sau một cơn sốt ác tính, chị bị bại liệt một chân. Cũng như anh, chị sống rất nghị lực và cũng là một vận động viên tích cực.

Trở về quê lập nghiệp, với đồng vốn dành dụm được sau bao ngày vất vả, cộng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, bà con lối xóm, vợ chồng Vũ dựng tạm căn nhà nhỏ để vừa ở vừa bán cà phê, nước giải khát... Đây cũng là nguồn thu nhập chính của anh chị để lo trang trải mọi sinh hoạt, nuôi con và đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Với vợ chồng Vũ thì chỉ cần có khát vọng, có nghị lực thì không có gì là khó khăn rào cản. Và họ đã tỏa sáng giữa đời thường bằng sự nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ.

Theo Báo Quảng bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập