Chi tiết bài viết

Làm giàu từ nghề nuôi ong lấy mật

15:37, Thứ Tư, 4-6-2014

Không chỉ nuôi sống gia đình và làm giàu bằng nghề nuôi ong lấy mật, hơn 20 năm qua, nông dân Đinh Long ở thôn Minh Xuân, xã Xuân Hoá, huyện Minh Hoá còn giúp hàng trăm nông dân khác thoát nghèo bằng việc tư vấn kỹ thuật, truyền nghề cho họ.

Trước đây, gia đình ông Long thuộc dạng nghèo nhất nhì xã, cuộc sống gia đình quanh năm suốt tháng phụ thuộc vào những chuyến đi rừng của ông. Đến năm 1996, cơ may thực sự đến với ông Long khi Dự án “An toàn lương thực” do Chính phủ Đức tài trợ được triển khai ở huyện Minh Hoá. Một trong những chương trình nổi bật của Dự án là dạy nghề nuôi ong lấy mật cho người dân, mà ông Long là một trong những hộ được Dự án chọn để nuôi ong thí điểm.

Nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật cơ bản của Dự án, ông Long đã có cách “giữ” được đàn ong gắn bó với nhà mình và thu được sản lượng mật như ý. Chỉ một năm sau khi thực hiện Dự án, ông Long đã có trong tay hàng chục đàn ong. Tiếp nối thành công đó, ông Long tiếp tục tìm cách nhân đàn ong để bán giống cho người dân quanh vùng. Nhờ vậy, gia đình ông với 10 miệng ăn đã thoát khỏi cảnh bữa đói bữa no như trước đây, đồng thời bắt đầu có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Sau gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật, điều ông Long tự hào nhất là không chỉ đã đưa gia đình thoát nghèo, 5 người con lớn tốt nghiệp Đại học hiện đã có việc làm ổn định mà còn truyền dạy nghề nuôi ong cho hàng trăm hộ nông dân khác cùng thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Ảnh: Mô hình nuôi ong của ông Đinh Long đã mang lại thu nhập cao
cho gia đình.


Ông Đinh Long, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa cho biết: “Trong quá trình nuôi ong cũng có những thuận lợi và khó khăn. Minh Hóa là vùng rừng núi, đa dạng nhiều loại cây giúp cho ong lấy phấn, lấy mật rất thuận tiện, dễ dàng. Nhưng có khó khăn là trong quá trình nuôi thường có dịch bệnh xảy ra làm ảnh hưởng đến số lượng đàn ong. Tuy nhiên, nếu người nuôi ong nắm chắc được kỹ thuật nuôi, bên cạnh đó có thêm lòng nhiệt tình nữa thì tôi nghĩ chắc chắn sẽ thành công”.

Ông Đinh Long hiện đang là Chủ tịch Hội Nuôi ong huyện Minh Hoá. Theo ông Long, từ những đàn ong nuôi thí điểm ban đầu vào năm 1996, đến nay huyện Minh Hóa đã có trên 2.000 đàn ong với hơn 200 hộ nuôi, thu nhập hàng năm khoảng 2 đến 3 tỷ đồng. Những năm gần đây, dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông Long vẫn không quản ngại đường xa, chạy xe máy hàng trăm cây số đi “truyền nghề” cho những nông dân ở các huyện lân cận như Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch… Nhiều chương trình dự án hay tổ chức Hội có tập huấn về kỹ thuật nuôi ong, người đầu tiên họ mời đứng lớp giảng dạy chính là ông Long. Hiện nay, ông không chỉ là người dày dặn kinh nghiệm nuôi ong mà còn là “bậc thầy” về kỹ thuật tách đàn, tạo giống ong. Mỗi năm ông có thể nhân thành công hàng trăm đàn ong, với giá bán hiện tại từ 700.000 – 750.000 đồng/đàn. Ngoài nuôi ong, gia đình ông còn trồng thêm 3 ha cây keo tai tượng, 40 cây vải thiều, 100 cây chuối mốc cao sản, chăn nuôi trâu bò, hàng trăm con gà ri thả đồi. Ước tính ban đầu, mỗi năm gia đình ông thu nhập được khoảng 150 – 170 triệu đồng.

Ông Đinh Xuân Thanh, Chủ tịch UBND xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa cho biết: “Mô hình nuôi ong của gia đình đồng chí Long là mô hình nuôi hiệu quả. Ban đầu chỉ nuôi được vài đàn ong, đến nay đã nuôi lên đến hàng trăm đàn. Đặc biệt, đồng chí Long vừa lấy mật ong vừa nhân đàn để bán ong giống cho các huyện lân cận. Nhờ đó, từ một hộ gia đình rất nghèo, đến nay gia đình đồng chí Long không chỉ thoát nghèo mà còn là một trong những gia đình có thu nhập cao ở xã Xuân Hóa”.

Nhờ lòng quyết tâm và hăng say trong lao động, không cam chịu đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, nông dân Đinh Long đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen điển hình trong sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Ông Long là một gương làm kinh tế giỏi đáng để mọi người học tập và noi theo.

Theo Đài PT - TH Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập