Chi tiết bài viết

Người cựu chiến binh làm giàu từ nghề nón lá truyền thống

11:1, Thứ Ba, 22-4-2014

(Website Quảng Bình) - Vượt qua bao gian khó từ thời cơ chế thị trường chưa mở cửa, ông đã mạnh dạn đầu từ vốn vào làm ăn, kinh doanh phát triển kinh tế từ nghề nón lá truyền thống quê ông. Được mệnh danh là người khôi phục lại làng nghề nón lá Hạ Thôn (xã Quảng Tân - thị xã Ba Đồn – tỉnh Quảng Bình), góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương, giúp nhiều gia đình xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Ông là cựu chiến binh - thương binh Hoàng Hữu Tố.

Sinh năm 1952, lớn lên trong lúc đất nước còn chiến tranh, cũng như bao người con của quê hương Quảng Bình, năm 1969, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông xung phong lên đường tòng quân nhập ngũ. Năm 1975, ông hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, với thương tật mang trong mình, mất sức lao động 29%. Ông cho biết: "Hoàn cảnh gia đình tôi lúc mới phục viên về địa phương rất vất vả, lấy vợ rồi ra riêng với hai bàn tay trắng, bản thân vợ chồng tôi là những thương binh 4/4, mang trong mình thương tật do hậu quả chiến tranh để lại. Trong điều kiện bấy giờ, kinh tế chung của xã nhà gặp rất nhiều khó khăn, nhận thấy rằng Quảng Tân có nghề nón lá truyền thống nhưng đã bị mai một, tôi quyết tâm khôi phục lại làng nghề".

Quảng Tân là một xã thuần nông, tuy nhiên đất canh tác rất ít, người dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn không đủ ăn, thu nhập thấp. Bên cạnh nghề nông, xã còn có thêm nghề nón lá truyền thống được thịnh hành từ những năm 1950, tuy nhiên, đến thời điểm năm 1979 - 1980, nghề nón lá đã dần mai một, tiểu thương buôn bán nón lá lời lãi không đáng bao nhiêu nên dần quay lưng tìm kiếm nghề khác, người dân thì không mấy mặn mà bởi giá cả sản phẩm làm ra quá thấp. Trước tình hình đó, ông quyết tâm vượt lên khó khăn, khôi phục lại ngành nghề truyền thống của ông cha. Nghĩ là làm, ông bắt tay vào việc tìm hiểu thị trường tiêu thụ nón lá ở Huế và một số nơi khác có nghề nón lá phát triển. Qua tìm hiểu ông nhận ra rằng, nón lá không chỉ che mưa, che nắng như những sản phẩm nón quê ông mà còn cần phải đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Từ đó, ông quyết tâm đưa nón lá từ một nghề cho thu nhập phụ trở thành nguồn thu nhập chính của bà con trong xã.

Trên cơ sở mẫu sản phẩm sẵn có, vợ chồng ông bắt tay vào sáng tạo, cải tiến ra mẫu mã mới rồi bỏ ra rất nhiều thời gian để tạo khuôn mẫu phù hợp, kỹ thuật làm lá đẹp, khâu chằm nón nhanh, chất lượng từ đường kim mũi chỉ kết hợp với trang trí bên trong để cho ra một sản phẩm mới. Với mong muốn sản phẩm của mình sáng tạo ra được người dân đồng tình, hưởng ứng, ông động viên bà con tham gia lớp tập huấn, đứng ra cung ứng vật liệu ban đầu và bao tiêu sản phẩm sau khi hoàn thành. Chỉ trong một thời gian ngắn, sản phẩm mới đã có mặt trên thị trường. Nhờ mẫu hàng mới có tính ưu việt nên rất được khách hàng gần xa ưa chuộng. Nón làm ra bán được giá thành cao nên bà con ai cũng phấn khởi, từ đó, mẫu hàng nón mới nhanh chóng phát triển mạnh, nghề nón lá truyền thống làng Hạ Thôn được hồi sinh. Không dừng lại ở đó, ông liên tiếp tạo ra nhiều mẫu hàng nón mới, mẫu hàng sau bao giờ cũng ưu việt hơn mẫu hàng trước, với tính năng đẹp, hấp dẫn hơn, nhiều chủng loại, nhất là với nón lá dừa ông phân loại và hướng dẫn bà con chằm các loại nón dày, đều, nón thưa để đem đi tiêu thụ rộng khắp ở các tỉnh Miền Trung và Miền Bắc.

Với những thành quả đạt được từ nghề kinh doanh nón lá không những xóa được đói, giảm được nghèo, vươn lên làm giàu cho gia đình mà ông còn nhân rộng nghề nón ra cho 11 hộ kinh doanh trong toàn xã. Từ việc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật để giúp họ biết cách kinh doanh, ông còn muốn thông qua họ để góp phần tạo ra hàng ngàn công ăn, việc làm cho bà con trong xã và phát triển nghề nón lá rộng khắp ở các xã lân cận như: Quảng Tiên, Quảng Trung, Quảng Hải, Quảng Thủy, Quảng Lộc, Quảng Hòa, Quảng Văn....

Hiện, gia đình ông đã tạo công ăn việc làm cho hơn 700 lao động có mức thu nhập khá ổn định, khoảng từ 01 - 1,5 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi tháng sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 25 - 30 triệu đồng.

Nhờ kinh doanh buôn bán thuận lợi, vợ chồng ông đã nuôi 4 đứa con ăn học thành người, trong đó 3 đứa đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định ở cơ quan Nhà nước, người con trai đầu nối nghiệp gia đình, tiếp tục kinh doanh nghề nón lá truyền thống của địa phương.

Ghi nhận những thành tích mà bản thân ông đã đóng góp cho quê hương, các cấp, ngành, đoàn thể từ xã đến huyện, tỉnh cũng đã tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen và trao thưởng nhiều hiện vật có ý nghĩa.

Với phẩm chất cao quý, luôn giữ vững truyền thống quý báu của người lính cụ Hồ, bản thân ông thường xuyên rèn luyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng hành động và việc làm cụ thể, luôn thực hiện theo lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, cố gắng tiến lên trong cơ chế hội nhập theo định hướng phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chung sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới giàu mạnh, văn minh.

Minh Ánh (Đài TTTH huyện Quảng Trạch).

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập