Chi tiết bài viết

Người trưởng bản làm kinh tế giỏi

11:15, Thứ Ba, 1-4-2014


Sau những thành công về cây lúa nước ở cánh đồng Rục Làn, bà con đồng bào Rục đã thực sự thay đổi cách nghĩ, cách làm, tự lực cánh sinh, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Anh Trần Xuân Tư là một điển hình nơi đây đang được nhiều người học tập làm theo.

Anh Trần Xuân Tư sinh năm 1975, so với trong vùng, anh còn rất trẻ hơn nhiều người nhưng lại được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản. Cũng dễ hiểu bởi Trần Xuân Tư nói là làm, làm dứt khoát và hiệu quả, nhất là trong sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Cũng như bao người khác của vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây: đất sản xuất ít, khí hậu khắc nghiệt, đường sá bị chia cắt… Đời sống của người dân chủ yếu chỉ trông chờ vào sự bấp bênh của nương rẫy nên cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Để có cái ăn, cái mặc, thoát nghèo cho gia đình và cho bà con dân bản là điều làm Trần Xuân Tư trăn trở hàng đêm.

Ảnh: Mô hình nuôi lợn rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Trần Xuân Tư.

Trong cái khó ló cái khôn, vừa làm trưởng bản, Tư vừa tham gia tích cực công tác Hội Nông dân nên được tiếp cận và học hỏi nhiều về làm kinh tế, nhất là nắm vững chủ trương phát triển kinh tế của huyện theo hai đề án là trồng rừng và phát triển kinh tế, chăn nuôi. Năm 2012, trên diện tích 1.500m2 anh bố trí quay chuồng thả nuôi ban đầu 18 con heo rừng được nhập giống từ Quảng Trị về. Ban đầu anh gặp không ít khó khăn như: thiếu vốn, giá thành con giống cao, kinh nghiệm chăn nuôi chưa có… Nhưng với sự quyết tâm vươn lên xóa đói, làm giàu bằng chính đôi tay mình, dần dần học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, gia đình anh Trần Xuân Tư đã thành công với mô hình nuôi heo rừng.

Năm đầu tiên thực hiện mô hình, gia đình anh thu lãi từ nuôi heo rừng 40.000.000 đồng. Sang năm 2013, anh tiếp tục đầu tư thêm vốn để tăng đàn và có kinh nghiệm hơn trong chăm sóc nên chất lượng cũng như sản lượng thịt tăng hẳn. Nhờ đó, riêng năm 2013 gia đình anh thu lãi trên 80 triệu đồng từ nuôi lợn rừng.

Không chỉ nuôi heo rừng, Trần Xuân Tư còn đầu tư vốn trồng 10ha keo lai. Hiện tại đã có trên 7ha chuẩn bị cho thu hoạch. Đặc biệt, với lợi thế vùng có nhiều cỏ tranh và lau, gia đình anh đã đầu tư nuôi 9 con trâu, với giá thị trường như hiện tại đã có thương lái trả đến 200 triệu.

Từ chăn nuôi và trồng rừng, kinh tế ngày một khá lên, nhờ đó gia đình trưởng bản đã làm được nhà khang trang, vững chắc, mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền để phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày như: ti vi, tủ lạnh, xe máy, lo cho con cái ăn học đầy đủ. Đặc biệt, với cương vị là trưởng bản nên Trần Xuân Tư luôn tuyên truyền, vận động bà con dân bản tích cực phát triển chăn nuôi và trồng rừng để tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống gia đình. Anh luôn nhiệt tình hướng dẫn cách trồng cây, chăm sóc vật nuôi cho bà con và hỗ trợ vốn khi bà con cần.

Theo Đài PT-TH Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập