Chi tiết bài viết

Thủ khoa tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm học môn Hóa

16:5, Thứ Năm, 11-9-2014

Là cựu sinh viên chuyên Hóa, Trường THPT Chuyên Quảng Bình, tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại học Dược Hà Nội - Phạm Thị Linh Giang - chia sẻ kinh nghiệm để học tốt môn Hóa học. 

Lắng nghe thầy cô giảng bài và hỏi ngay khi không hiểu.

Đó là phương pháp học đem lại kết quả cao nhất. Bởi khi không hiểu vấn đề, cứ để cho qua thì không làm bài được, kéo theo cả những bài sau cũng không hiểu. Tốt nhất, nên hỏi thầy cô giáo ngay khi không hiểu bài hoặc tranh thủ sự giúp đỡ của thầy cô trong những giờ ra chơi.

Thời gian học trên lớp là rất ít nên cần tận dụng tối đa. Muốn vậy, điều quan trọng khi học trên lớp là tập trung nghe thầy cô giảng bài để nắm vững kiến thức cơ bản.

Làm nhiều bài tập để không bị quên đi lý thuyết

Nhiều bạn vẫn thường ngại học lý thuyết, đặc biệt là đối với “dân” khối tự nhiên. Nhưng học lý thuyết cũng phải kết hợp với thực hành và để không bị quên những lý thuyết đã học thì cần làm nhiều bài tập để vừa nhớ kiến thức lý thuyết vừa chắc kiến thức thực hành và cách làm bài tập.

Việc kết hợp này sẽ làm cho các phần học không bị nhàm chán và dễ “vào” hơn.

Học nhóm cùng bạn bè

Để hoàn thiện và tránh nhầm lẫn, cũng như học thêm được nhiều cách giải hay, nhanh gọn, học nhóm cần có những kĩ năng và quyết tâm nhất định.

Học nhóm cần có thái độ nghiêm túc, cùng nhau trao đổi cách làm bài và tập trung cao độ, học ra học chơi ra chơi, có như vậy thì việc học sẽ đem lại kết quả rất cao.

Nhiều bạn trẻ thích học nhóm nhưng trong giờ học chỉ cần phân tâm, mải nói chuyện riêng sẽ làm cho giờ học không đem lại kết quả như ý muốn.

Tập ghi nhớ

Thực tế, việc học Hóa rất khó với nhiều bạn vì nó gồm nhiều công thức khó nhớ, khối lượng kiến thức học thuộc nhiều mà bài tập ứng dụng hạn chế.

Chính vì vậy, khi học Hóa phải chăm chỉ, làm đi làm lại cho thành kĩ năng và quan trọng nên viết ra chứ không nên đọc nhớ theo kiểu học thuộc, học vẹt.

Tập ghi nhớ bằng hình ảnh và viết hết tất cả những gì cần viết ra giấy. Mỗi người học cũng cần tư duy theo cách riêng mình và nắm chắc mối liên hệ giữa các phần trong công thức để có thể viết lại được khi cần thiết.

Làm bạn với sổ tay

Đây là phương pháp học được nhiều người chọn lựa và áp dụng được cho nhiều môn học khác nhau.

Trong học Hóa, việc ghi chép các công thức ra cuốn sổ tay sẽ dễ làm bài tập hơn và nhớ lâu hơn.

Luôn giữ thói quen học tập nghiêm túc

Với niềm yêu thích môn học này, Giang đã thi vào ĐH Dược Hà Nội. Suốt thời gian 5 năm là sinh viên trong Trường, cô đã lại tiếp tục được học môn Hóa học với những kiến thức chuyên ngành thú vị.

Được nghe những thầy cô có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu và bào chế thuốc giảng bài là một niềm hạnh phúc với cô.

Vẫn giữ được thói quen học tập khoa học, Giang cho rằng dù là học sinh hay sinh viên thì luôn chăm chú nghe giảng, cố gắng chuẩn bị bài thực hành thật kĩ, tìm hiểu kĩ lí thuyết và đọc kĩ các kĩ năng cần thiết trong bài thực hành sẽ đạt hiệu quả học tập cao nhất.

Nếu có gì không hiểu trao đổi thầy cô và bạn bè để hiểu rõ vấn đề. Riêng với môn học này, thực hành rất quan trọng, học đi đôi với hành làm khóa luận nghiên cứu khoa học là một việc rất hữu ích giúp tăng kinh nghiệm và kiến thức của bản thân.

Ngoài ra nên đọc nhiều báo và tạp chí khoa học về lĩnh vực bào chế cũng là một cách nâng cao hiệu quả của việc học và lĩnh hội trọn vẹn cũng như tiếp cận được với xu hướng nghiên cứu tiến bộ của quốc tế.

Theo Đài PT-TH Quảng Bình 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập