Chi tiết bài viết

Những nhà giáo tâm huyết, tận tâm với nghề

16:9, Thứ Năm, 19-11-2015

(Quang Binh Portal) - Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay, toàn ngành có 19.132 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, trong đó có trên 14.000 giáo viên. Trong những năm qua, thực hiện phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt", đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh đã không ngừng phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của địa phương. Từ phong trào ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo tâm huyết, tận tâm với nghề.

 

Tiêu biểu là cô giáo Phạm Thị Bích Hà, giáo viên Trường THPT Minh Hóa (huyện Minh Hóa). Ngay từ buổi đầu ra trường, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng kiến thức tiếp thu ở giảng đường, cô luôn nỗ lực tìm tòi phương pháp mới sinh động, có hiệu quả để vận dụng vào việc giảng dạy giúp học sinh tiếp thu bài, hiểu bài một cách nhanh nhất. Xác định làm giáo viên đã khó mà giáo viên môn Lịch sử càng khó hơn, nhất là trong thời gian gần đây, nhiều học sinh không thích học và nhàm chán với môn Sử. Với tâm niệm "Tất cả vì học sinh thân yêu" và lòng yêu nghề, cô đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, tích cực áp dụng phương pháp dạy học mới, thổi hồn vào các bài dạy lịch sử nhằm gây hứng thú cho học sinh, thay đổi suy nghĩ về môn Sử, để tiết học không còn nhàm chán, buồn tẻ mà trở nên lý thú, hiệu quả, góp phần xây dựng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, hình thành chí hướng, nhân cách của học sinh. Do đó, thành công bước đầu từ sự cố gắng của cô là số lượng học sinh thi đỗ vào các trường đại học khối C ngày càng tăng với điểm thi môn Lịch sử khá cao. Đặc biệt, năm 2012, em Đinh Thị Huyền đã đỗ thủ khoa Trường Đại học Quảng Bình với điểm môn Lịch sử gần như tuyệt đối. Bên cạnh đó, từ năm 2010-2015, cô đã bồi dưỡng 25 học sinh giỏi đạt giải cấp tỉnh, trong đó có 05 giải nhì, 15 giải ba và 05 giải khuyến khích.

Với cô giáo Thái Thị Lợi, giáo viên Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp (thành phố Đồng Hới), để đưa đến cho học sinh những giờ học Lịch sử thú vị, hấp dẫn, bên cạnh việc áp dụng công nghệ thông tin phục vụ đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo viên cần chú trọng đưa ra các hoạt động học tập ngoài giờ như hướng dẫn cho học sinh làm bài tập, sưu tầm tranh ảnh, chuyện kể về văn hóa dân tộc, nhân vật lịch sử... nhằm tạo hứng, giúp học sinh có điều kiện tìm hiểu sâu về lịch sử dân tộc.

Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ thông tin (CNTT) trong việc hỗ trợ đắc lực cho đổi mới phương pháp dạy học ở các môn học, thầy Trần Nam Cường, giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong (thị xã Ba Đồn) đã vận dụng các hình thức tổ chức lớp học kết hợp với phương pháp dạy học linh hoạt, sử dụng các thiết bị CNTT hiện đại để giúp học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo và lĩnh hội kiến thức, đồng thời phát hiện những học sinh có tư chất, năng khiếu và đam mê môn học. Thầy luôn đổi mới cách soạn bài giảng, phương pháp quản lý, kiểm tra đánh giá học sinh và tích cực tham gia phong trào thiết kế bài giảng E-learning. Bên cạnh đó, thầy còn chú trọng việc tạo cơ hội cho học sinh được tiếp cận, sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại, trực tiếp nghiên cứu các tài liệu, tư liệu, hình ảnh trực quan... để có được kiến thức, kỹ năng từ nhiều chiều, góp phần giúp học sinh nhận thức, hình thành ý thức và kỹ năng sống. Ngoài ra, thầy Cường đã tận dụng tối đa các trang mạng xã hội để nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của học sinh nhằm xây dựng giải pháp quản lý, định hướng thái độ, đạo đức lối sống cho học sinh.

Chia sẻ về phương pháp dạy học của mình, cô giáo Hoàng Thị Hạnh, giáo viên Trường THPT Phan Bội Châu (huyện Tuyên Hóa) cho biết, được phân công và điều động về giảng dạy tại ngôi trường có bề dày lịch sử nhưng cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trang thiết bị dạy học nghèo nàn song với sự nhiệt tình, yêu nghề, cô đã nỗ lực nghiên cứu, học hỏi để vận dụng các hình thức tổ chức lớp học và phương pháp dạy học một cách linh hoạt nhằm khơi dậy sự say mê học tập đối với học sinh. Do đó, chất lượng học tập bộ môn Địa lý ở trường được nâng cao, ngày càng có nhiều học sinh yêu thích môn học, tự tin lựa chọn tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đạt thành tích cao. Đây chính là động lực để cô Hoàng Thị Hạnh không ngừng cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người, trở thành "người dẫn đường tin cậy" cho học sinh, giúp các em có tri thức đóng góp cho mảnh đất vùng cao này.

Luôn trăn trở, băn khoăn về việc rèn luyện đạo đức để nâng cao chất lượng học tập của học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Quảng Trạch) chia sẻ: Là giáo viên ở trường có nhiều đặc điểm khác biệt như chất lượng học sinh tuyển vào thấp, ý thức chưa cao nên cô luôn chú trọng việc theo dõi sát tình hình lớp, quan tâm học sinh cá biệt và có biện pháp giáo dục thích hợp nhằm kịp thời động viên học sinh khắc phục khó khăn, chuyên tâm học tập. Bên cạnh đó, xác định công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là nhiệm vụ giáo dục trọng tâm, cô Hiền đã trăn trở từ việc lựa chọn học sinh đến nỗ lực soạn bài, nghiên cứu, tìm tòi các tư liệu chuyên sâu, lên kế hoạch ôn luyện ngay đầu năm học. Không những vậy, cô còn khuyến khích, khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh đối với các vấn đề xuất phát từ thực tế và được ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống... Do đó, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền đã được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam cấp Giấy chứng nhận "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" giai đoạn 2010-2015.

Đó là một số tấm gương giáo viên tiêu biểu, xuất sắc được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh vinh danh tại hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010-2015. Còn rất nhiều thầy, cô giáo đang ngày đêm nỗ lực vượt khó để nâng cao chất lượng dạy, học, đóng góp vào việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh, xứng đáng được xã hội tôn vinh...

Mai Anh

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập