Chi tiết bài viết

Chuyện những người bảo tồn nét chữ xưa

17:16, Thứ Năm, 7-1-2016

Tâm huyết với nét chữ xưa của dân tộc, những thành viên CLB Hán Nôm Quảng Bình, dẫu tuổi cao sức yếu vẫn miệt mài nỗ lực bảo tồn chữ xưa, níu giữ nét văn hóa truyền thống đang dần bị lãng quên.

 “Mỗi năm hoa đào nở / Lại thấy ông đồ già / Bày mực tàu, giấy đỏ / Bên phố đông người qua”... Hình ảnh tưởng chừng như chỉ có trong thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên vào thời kỳ đầu của thế kỷ XX, thì nay, ở thế kỷ XXI việc “cho chữ” vẫn được các thành viên CLB Hán Nôm cả nước nói chung, Quảng Bình nói riêng tổ chức mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Và, không chỉ có vậy, những thành viên của CLB dẫu tuổi cao sức yếu vẫn nỗ lực bảo tồn chữ xưa của dân tộc, níu giữ nét văn hóa truyền thống đang dần bị lãng quên.

Ông Mai Xuân Hải ở phường Bắc Nghĩa, năm nay gần 90 tuổi. Hơn 20 năm lại đây, ngày nào cũng như ngày nào, ông dành phần lớn thời gian để dịch tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du ra ngôn ngữ Hán tự, dịch 400 bài thơ Đường ra thể thơ lục bát bằng chữ Nôm, dịch tác phẩm “Ông già và biển cả” của Ernest Hemingway ra chữ Nôm và hoàn thành tác phẩm nghiên cứu “Hiện đại hóa cách viết chữ Nôm”. Dù đôi tai không nghe được, sức khỏe không còn dẻo dai nhưng ông vẫn đủ minh mẫn để dịch sách, viết chữ Nôm. Ông cần mẫn làm việc ngày đêm với mong muốn sau này thế hệ con cháu thông qua công trình nghiên cứu, dịch thuật của ông hiểu hơn về vốn chữ cổ xưa của dân tộc.

Đau đáu với vốn chữ của dân tộc, những người yêu thích chữ Hán Nôm trên địa bàn đã quy tụ tại CLB Hán Nôm Quảng Bình. Khởi xướng từ năm 2003, đến năm 2005, câu lạc bộ chính chức ra mắt và sinh hoạt thường xuyên tại Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình. Nhà thơ Văn Lợi, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình cho biết: “Hiện nay, Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình còn lưu giữ nhiều hiện vật, trong đó số lượng thư tịch và các hiện vật cổ là rất lớn. Hiện nay, trên các địa danh của tỉnh Quảng Bình còn rất nhiều di tích, câu đối; rất nhiều bức đại tự, hoành phi. Vì vậy, sự ra đời của CLB Hán Nôm là rất quan trọng. Qua đó, nhằm tập hợp các nhà Hán Nôm để bảo tồn, phát huy những giá trị vốn có của Quảng Bình; đào tạo, bồi dưỡng thế hệ mới”.


Hơn 10 năm nay, ông Trương Quang Phúc (thành viên CLB Hán Nôm Quảng Bình) vẫn miệt mài truyền dạy chữ Hán Nôm cho các em học sinh.

Sinh hoạt tại CLB là các thành viên có hiểu biết về chữ Hán, chữ Nôm và phần lớn là các cụ ở tuổi xưa nay hiếm. Hơn 10 năm hoạt động, nhiều cụ đã qua đời, nhưng các thành viên còn lại vẫn hăng say tìm tòi, cống hiến để sưu tầm, dịch thuật các tài liệu về chữa Hán, chữ Nôm.

Quảng Bình là vùng đất có truyền thống về văn hóa, lịch sử, là nơi giao thoa nhiều nét văn hóa của các vùng miền. Chính vì vậy, nhiều tư liệu lịch sử quý còn lưu giữ trong bảo tàng, thư viện cũng như trong dân gian nhưng hiếm người hiểu và dịch được. CLB ra đời đã phần nào đáp ứng yêu cầu bảo tồn và gìn giữ văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Trong thời gian qua, CLB Hán Nôm Quảng Bình đã dịch các mật lệnh, văn bia, 28 sắc phong của các triều vua, 70 tập gia phả các dòng họ ở trong và ngoài tỉnh. Với nỗ lực cố gắng của các thành viên CLB, hàng trăm tư liệu quý đã được sống lại, vẹn nguyên giá trị của bản dịch. Để làm được điều này, CLB thường xuyên giao lưu với các CLB Hán Nôm trong cả nước, đặc biệt là Viện nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội để học hỏi và trau dồi thêm kiến thức. Ông Trương Quang Phúc, Chủ nhiệm CLB Hán Nôm Quảng Bình cho biết: “Ở Quảng Bình, phong trào học chữ Hán Nôm còn rất ít. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục sưu tầm, dịch thuật và đào tạo lớp kế cận”.

Điều đáng ghi nhận ở CLB Hán Nôm Quảng Bình là dù các cụ tuổi cao sức yếu vẫn hăng say miệt mài với công việc mình yêu thích. Không phải tất cả các thành viên CLB đều được học bài bản về chuyên ngành Hán Nôm mà phần lớn là tự học. Khác với các môn học ngoại ngữ khác, học chữ Hán Nôm cần thời gian và sự tĩnh lặng uyên thâm. Phải mất 6 năm đến 7 năm người học chữ Hán Nôm mới có thể viết và đọc được loại chữ này.

Ông Trương Quang Phúc đến với chữ Hán Nôm là do yêu thích. Sau quãng thời gian dạy học trong ngành giáo dục, đến lúc về hưu, ông mới dành thời gian để vừa dạy chữ Nôm, vừa dịch thuật, vừa tự học nâng cao trình độ về chữ Hán Nôm. Tiếng lành đồn xa, nhiều tư liệu lịch sử, di chỉ Hán Nôm khó trong cả nước, người ta đều tìm đến nhờ ông dịch. Để mọi người tiếp cận dễ hơn với chữ Nôm, ông đã cho ra đời tập thơ “Chúc Xuân” bằng chữ Nôm được dịch nghĩa ra tiếng Việt. Ngoài ra, ông cùng với các thành viên CLB Hán Nôm Quảng Bình viết “Hòa Đồng thi tập”.

Điều ông Trương Quang Phúc cũng như các thành viên CLB mong muốn là làm sao bảo tồn được chữ Nôm của dân tộc, khi mà các thành viên CLB tuổi ngày càng cao sức yếu, việc gắn bó với chữ Nho giờ chỉ còn tính tháng, tính ngày. Ông Nguyễn Thanh Lương, thành viên CLB Hán Nôm Quảng Bình cho hay: “Tôi muốn có nhiều thời gian hơn nữa để sinh hoạt trong CLB Hán Nôm và cố gắng sống thật lâu để học và tìm cách truyền lại cho con cháu, để con cháu có thể khai thác được vốn quý của ông bà ta”.

Đau đáu với nét chữ của dân tộc, những thành viên CLB Hán Nôm Quảng Bình đã nỗ lực truyền ngọn lửa đam mê cho thế hệ sau. Ngoài vận động các bạn trẻ yêu thích bộ môn Hán Nôm vào sinh hoạt tại CLB thì việc dạy chữ Hán Nôm cho các em cũng được các thành viên CLB tích cực tham gia.

Hơn 10 năm nay, ông Trương Quang Phúc vẫn miệt mài truyền dạy chữ Hán Nôm cho các em học sinh, sinh viên muốn theo học bộ môn này. Với ông, đây là cách hữu hiệu nhất để chữ viết cha ông để lại không bị thất truyền. Em Hà Thị Vân Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Đào Duy Từ đã theo học ông Trương Quang Phúc hơn 6 năm. Theo em, học chữ Hán Nôm giúp em luyện được tâm và trí. Đối với chữ Hán Nôm, viết đẹp thôi chưa đủ mà phải hiểu rõ, hiểu đúng từng lớp nghĩa.

Rồi đây, không chỉ có những ông đồ già mà có thể còn có những người trẻ như cô bé Vân Anh sẽ “cho chữ” vào những dịp Tết đến, Xuân về. Những người trẻ sẽ kế tục sự nghiệp đang còn dang dở của những cụ đồ nho xưa để đọc lại lịch sử văn hóa dân tộc một cách chân thực qua tài liệu bằng chữ Hán Nôm. Và như vậy, cần lắm những tấm lòng, đam mê, trân trọng vốn chữ Hán Nôm của ông cha để lại.

Nguồn: Đài PT-TH Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập