Chi tiết bài viết

Người Chi hội trưởng Hội Nông dân thành công với mô hình nuôi cá lồng trên sông Son phục vụ du lịch Tin có hình

16:38, Thứ Năm, 26-7-2018

Được thiên nhiên ưu đãi, nằm trong vùng đệm của khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng với dòng sông Son quanh năm nước trong xanh chảy qua, bên cạnh tham gia các hoạt động phục vụ du lịch, nhiều người dân trên địa bàn thôn Xuân Tiến (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch) đã biết phát huy lợi thế, tập trung phát triển nghề nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó không thể không nhắc đến vai trò của ông Hoàng Văn Thái, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Xuân Tiến, đại biểu HĐND huyện Bố Trạch nhiệm kỳ 2016 - 2021 và là một trong những tấm gương điển hình trong việc nuôi cá lồng trên sông Son.

Được biết, nghề nuôi cá lồng trên sông Son bắt đầu xuất hiện vào khoảng thập niên 90 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, chỉ đến năm 2000, khi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và hoạt động du lịch địa phương phát triển mạnh thì nghề nuôi cá lồng trên sông Son mới thực sự phát triển. Ngoài cá chình là một loại cá đặc sản ở vùng Di sản, các loại cá khác, đặc biệt là cá trắm nuôi trong lồng, được thả trên sông Son và ăn các loại rong, tảo, phù du lấy từ lòng sông, thịt cá sau khi chế biến dai và thơm ngon đã trở thành đặc sản, mang thương hiệu của vùng sông nước Phong Nha - Kẻ Bàng khiến khách du lịch nhớ mãi.

Từ năm 2005 - 2008, xã Sơn Trạch thực hiện kế hoạch chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, trong đó mục tiêu chủ yếu là vận động Nhân dân chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, ưu tiên phát triển sản xuất theo hướng thành lập các trang trại, gia trại. Xác định đây là chủ trương đúng đắn, có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2006 gia đình ông Hoàng Văn Thái quyết định đầu tư thêm 02 lồng cá trắm cỏ, nâng số lượng lồng cá của gia đình lên 03 lồng. Nhờ mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất như chuyển đổi con giống đã mang lại hiệu quả kinh tế cao với 03 tấn/năm. Cá của gia đình ông đã được nhiều nhà hàng, khách sạn trong vùng tìm tới mua, nhất là trong các dịp Lễ, Tết. Lợi nhuận mà gia đình ông Thái thu được từ nuôi cá trắm là 280 triệu đồng/năm.
Thấy gia đình ông làm ăn hiệu quả, người dân trong xã và các xã lân cận đến tham gia học hỏi. Ông Thái đã không ngần ngại, tích cực hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh cho mọi người cùng áp dụng, nhất là giới thiệu nguồn giống chất lượng, kỹ thuật, thức ăn giá rẻ và nơi tiêu thụ sản phẩm đầu ra, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với các hộ trong vùng để cùng nhau nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, số lượng lồng cá trên địa bàn ngày càng phát triển.

Năm 2012, mạnh dạn đề nghị với Đảng ủy, UBND xã Sơn Trạch thành lập Câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản và được lãnh đạo xã đồng ý, ông Thái đã vinh dự được Hội Nông dân xã cử làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ nuôi trồng cá nước ngọt. Hội sinh hoạt định kỳ có hiệu quả trong công tác trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tạo cho hội viên tham gia học hỏi kỹ thuật, giúp hội viên trong công tác phòng và chữa bệnh cho cá, tìm đầu vào và đầu ra cho hội viên. Đến nay, Hội có 420 hội viên với 630 lồng cá.

Năm 2013, ông Thái tiếp tục đề nghị với UBND xã cho chuyển đổi mô hình thay thế một phần của cá trắm cỏ đó là nuôi cá chình - loại cá da trơn ngon nổi tiếng của vùng Phong Nha - Kẻ Bàng (tuy nhiên, do khai thác và đánh bắt quá mức nên trong tự nhiên hiện còn rất ít). Ý tưởng của ông đã được UBND xã hết sức đồng tình và tổ chức đoàn đi tham quan học hỏi kinh nghiệm tại một số mô hình nuôi cá chình ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Sau chuyến tham quan, ông đã tiến hành nuôi thử nghiệm cá chình. Hiện nay, cho năng suất 01 tấn/lồng/năm. Hội viên trong Chi hội cũng đã áp dụng nuôi cá Chình trên Sông Son rất hiệu quả, nâng tổng số lồng cá chình toàn xã lên 25 lồng, đem lại thu nhập cao cho người nuôi. Thời gian đầu mới bước vào xây dựng mô hình gặp rất nhiều khó khăn. Vừa thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, lại chưa tiếp cận được với các cơ sở cung giống và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, hàng năm trên địa bàn xã thường xảy ra 02 - 03 lần lũ lụt. Năm 2010, gia đình ông Thái đã bị cuối trôi 01 lồng, 02 lồng hư hỏng nặng toàn bộ cá trong lồng ra hết. Mặc dù phải trải qua rất nhiều khó khăn như vậy nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của bản thân, cũng như sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp, các ngành, ông đã từng bước khắc phục và vượt qua khó khăn để ổn định và mở rộng sản xuất. Mấy năm lại đây do sự cố môi trường biển nên ngành chăn nuôi cá nước ngọt ổn định giá cao hơn. Từ đó, gia đình ông Thái tiếp tục mạnh dạn vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Đặc biệt, ngoài công tác chăn nuôi, ông còn đầu tư thêm 02 thuyền phục vụ khách du lịch, trong đó 01 phục vụ tại Phong Nha, 01 thuyền phục vụ tại Hang Tối. Trong năm 2017, lợi nhuận mà gia đình ông thu được từ nuôi 03 lồng cá trắm cỏ, 01 lồng cá chình, 02 thuyền phục vụ khách du lịch, đánh bắt tự nhiên và trồng trọt là 630 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 08 lao động với thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh sự tích cực trong sản xuất, kinh doanh để tăng thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế gia đình, ông Hoàng Văn Thái luôn phát huy vai trò Chi hội trưởng Hội Nông dân, hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, đặc biệt là thường xuyên hỗ trợ về vốn, con giống, hướng dẫn cách thức làm ăn cho các hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Bản thân là người công giáo, lại sinh sống trên địa bàn có hơn 95% đồng bào công giáo, vì vậy ông luôn tích cực tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình, đồng bào công giáo sống “ Tốt đời - Đẹp đạo”, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chăm lo phát triển sản xuất kinh doanh, làm giàu cho gia đình và quê hương. Bên cạnh đó, ông cũng tiên phong trong việc phòng, chống bão lũ, tích cực cứu người, cứu tài sản của người dân và của các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn; vận động người dân nuôi cá lồng gắn với bảo vệ môi trường...

Với tinh thần nỗ lực vượt khó, vươn lên trong lao động, là Chi hội trưởng gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế, nhiều năm liền ông Hoàng Văn Thái đều được công nhận đạt Danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện; UBND xã khen ngợi, biểu dương. Và đặc biệt, hiện Hội Nông dân tỉnh đang trình lên Thủ tướng Chính phủ công nhận ông là nông dân tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2017.

Hồng Mến

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập