Chi tiết bài viết

Làm giàu từ mô hình nuôi lợn nái sinh sản

9:13, Thứ Tư, 14-11-2018

(Quang Binh Portal) - Xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, nhờ chịu thương, chịu khó nên chỉ sau vài năm bắt tay vào làm mô hình nuôi lợn nái sinh sản, đến nay, trong chuồng nuôi của gia chị Cao Thị Lập ở thôn Cầu Lợi 1, xã Xuân Hóa luôn có 20 con lợn nái, mỗi năm cho từ 70 - 100 con lợn giống, lợi nhuận thu về trên 300 triệu đồng/năm.

 

Chị Lập đang chăm sóc lứa lợn đến kỳ xuất chuồng

Mạnh dạn vay vốn, chịu khó tìm hiểu và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên từ hai bàn tay trắng, gia đình chị Cao Thị Lập ở thôn Cầu Lợi 1, xã Xuân Hóa (huyện Minh Hóa) đã sở hữu một trang trại nuôi lợn nái sinh sản cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm, lợi nhuận thu về hơn 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí, vươn lên trở thành hộ thoát nghèo của xã. Tìm hiểu cách làm trang trại nuôi lợn nái sinh sản của gia đình hội viên phụ nữ Cao Thị Lập mới thấy hết sự chịu thương, chịu khó của gia đình. Nuôi lợn gần 10 năm, nhưng bắt đầu từ năm 2016, chị Lập mới dám đầu tư nuôi lợn nái sinh sản. Nhờ có nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội do Hội Phụ nữ nhận ủy thác, chị đã vay 45 triệu đồng, ban đầu chị mua 10 con lợn giống, khoảng 02 triệu/con, sau 03 năm chăn nuôi, đến nay, chị đã có 20 con lợn nái đẻ, trong chuồng duy trì từ 70 - 100 con lợn thịt.

Để việc chăn nuôi của gia đình phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại, chị Lập cho biết: Gia đình đã đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố với quy mô rộng gần 1.000 m2 chia làm các khu vực, nuôi lợn nái sinh sản, khu nuôi lợn con sau khi tách mẹ, nuôi gia súc và nuôi gia cầm. Việc phân khu vừa đảm bảo cho đàn lợn nuôi được phát triển đồng đều, lại vừa thuận tiện trong việc cho ăn, dọn vệ sinh. Trong quá trình nuôi lợn nái sinh sản, gia đình chị luôn chú trọng phòng, chống dịch bệnh cho lợn như dịch tai xanh, dịch tả, thương hàn, tụ huyết trùng, Ecoli… Quan trọng nhất là khâu khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, giữ nhiệt độ phù hợp, đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn của lợn mẹ, lợn con lúc mới sinh.

Để việc chăn nuôi, sản xuất của gia đình không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hộ xung quanh, ngoài việc chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại, vợ chồng chị Lập còn xây bể kín Biogas tận dụng chất thải của vật nuôi, tạo chất đốt, tiết kiệm 100% chi phí tiêu thụ điện, gas của gia đình.

Chị Đinh Thị Của, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Hóa cho biết: Mô hình chăn nuôi của gia đình chị Lập là một điển hình về phát triển kinh tế của xã. Để hỗ trợ những mô hình như thế này phát triển bền vững, UBND xã Xuân Hóa đã làm hồ sơ để gia đình chị Lập được nhận 50 triệu đồng theo chính sách khuyến khích hộ gia đình phát triển kinh tế theo hướng trang trại.

Từ đầu năm đến nay, gia đình chị Lập đã xuất chuồng trên 70 con lợn thịt, bình quân mỗi con trên 4 - 5 triệu đồng, thu về hơn 300 triệu. Từ nay đến tết chị còn 50 con chuẩn bị xuất chuồng, sau khi trừ chi phí sẽ lãi trên 300 triệu đồng từ nuôi lợn nái. Ngoài ra, chị còn nuôi gà, đào ao thả cá... Không chỉ làm giàu cho gia đình, vợ chồng chị còn giúp đỡ cho nhiều gia đình hội viên phụ nữ của xã Xuân Hóa trong diện khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống bằng lợn giống và kinh nghiệm chăn nuôi để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho quê hương.

Dương Thùy Linh (Đài TT - TH Minh Hóa)

 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập