Chi tiết bài viết

Trưởng bản Đinh Xức không ngừng nỗ lực giúp đồng bào dân tộc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển rừng

15:29, Thứ Sáu, 15-11-2019

(Quang Binh Portal) - Nhắc đến Đinh Xức ở Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) là nhắc đến một Trưởng bản có uy tín, là người sớm ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển rừng và đã vận động có hiệu quả bà con dân bản phát triển rừng để phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Thượng Trạch là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Bố Trạch, tiếp giáp với nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào, cách trung tâm thị trấn Hoàn Lão khoảng 100 km về phía Tây Nam. Diện tích tự nhiên toàn xã là 74.151,83 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp 73.384,95 ha, rừng phòng hộ 6.563,94 ha, rừng đặc dụng 54.060,84 ha; rừng sản xuất 12.583,65 ha.

Là trưởng bản ở xã miền núi đặc biệt khó khăn, anh luôn ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với cán bộ xã và các đồng chí kiểm lâm địa bàn, anh đã tích cực tham gia phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng đối với đời sống của Nhân dân, từ đó giúp người dân tích cực, tự giác tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Tại các buổi họp bản, anh đã cùng Ban cán sự bản thường xuyên lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nội dung văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng của lãnh đạo các cấp; vận động Nhân dân tham gia bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng… Bên cạnh đó, anh là người luôn tham gia đầy đủ các hội nghị đánh giá công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm và triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng năm tiếp theo do UBND xã tổ chức; chủ động vận động các gia đình và người thân tham gia bảo vệ rừng, không khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, thực hiện các hình vi xâm hại rừng trái phép. Anh cũng đã gặp trực tiếp các đối tượng thường xuyên vào rừng khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng để tuyên truyền, vận động, làm bản cam kết để các đối tượng dần từ bỏ phương thức sống phụ thuộc vào rừng.
Được sự hỗ trợ của cán bộ xã, kiểm lâm địa bàn, Ban cán sự bản đã thành lập các tổ đội, quần chúng bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng trong các cộng đồng dân bản; tích cực vận động người dân trong bản, tham gia phối hợp với lực lượng kiểm lâm, công an và lực lượng dân quân tự vệ xã trong công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng; chủ động lấy ý kiến của dân bản, tham gia góp ý, xây dựng quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và phương án bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm; đưa việc bảo vệ và phát triển rừng vào hương ước, quy ước của bản.

Đặc biệt, gần đây, anh cùng với Ban cán sự bản cũng đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chuyển cách thức làm nhà bằng vật liệu mới không ảnh hưởng đến việc bảo vệ và phát triển rừng; tham gia hỗ trợ bản Nịu thực hiện dự án trồng keo tại bản Nịu và hướng dẫn tổ chức công tác quản lý, bảo vệ diện tích đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý; thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng vào những tháng cao điểm nắng nóng; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện phương án phòng, chống cháy rừng; đẩy mạnh việc quản lý lửa rừng, cấm đốt nương rẫy, xử lý thực bì trong những ngày nắng nóng dễ xảy ra cháy rừng; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện sẵn sàng chữa cháy; báo cáo kịp thời khi có dấu hiệu cháy rừng xảy ra cho chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, nhằm giúp bà con dân bản phát triển kinh tế từ rừng, để giảm thiểu tình trạng chặt phá rừng, được sự cho phép của các ban, ngành chức năng, bà con được tiến hành khai thác lâm sản ngoài gỗ (cây Huyết Đằng), anh đã tích cực kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng khai thác sai vị trí, chủng loại lâm sản. Đốt nương rẫy là công việc thường xuyên và là tập quán của bà con Nhân dân, chủ yếu được thực hiện ở mùa nắng nóng. Vì vậy, nếu không có các biện pháp vén thực bì, theo dõi khi đốt rẫy thì nguy cơ cháy rừng rất lớn. Trước vấn đề đó, Ban cán sự bản thường xuyên họp, quán triệt bà con về cách thức đốt nương rẫy và theo dõi việc đốt nương rẫy đúng, không để tình huống xấu xảy ra. Với trách nhiệm là Trưởng bản, anh luôn là hạt nhân tích cực, giúp các ngành chức năng theo dõi, nắm tình hình, vận động ký cam kết đối với các hộ có máy cưa xăng trên địa bàn; đảm bảo không sử dụng máy cưa xăng vào các công việc vi phạm pháp luật; yêu cầu bà con đề cao ý thức cảnh giác, báo cáo kịp thời những trường hợp, đối tượng lạ mặt vào địa bàn để phá rừng…

Cùng với đó, Tổ bảo vệ rừng của bản cũng thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, trao đổi, phối hợp với các lực lượng kiểm lâm định kỳ tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng tận gốc, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm bảo vệ rừng; báo cáo kịp thời những biến động về rừng đến cơ quan chức năng để nhanh chóng có biện pháp xử lý; phối hợp với các ban, ngành chức năng đốc thúc đối tượng vi phạm tự giác chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính…

Bằng những việc làm và hành động thiết thực, Trưởng bản Đinh Xức đã góp phần quan trọng giúp bà con dân bản nhận thức về lợi ích của việc phát triển rừng không những bảo vệ môi trường sinh thái mà còn đem lại lợi ích kinh tế, xóa đói giảm nghèo nên đã từ bỏ tập tục đốt rừng làm rẫy, hăng hái tham gia nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tạo sự thống nhất cao trong cộng đồng về trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia các dự án bảo vệ, bảo tồn và phát triển rừng…

Hồng Lựu

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập