Chi tiết bài viết

Mạnh Thường Quân ở Cồn Sẻ

14:59, Thứ Năm, 1-4-2010

Thấy người dân đi chợ cách trở đò giang rất nguy hiểm ông đã bàn với vợ vay tiền san ủi hố bom ngay tại nhà mở chợ cho bà con vào bán. Ông còn là người luôn có mặt ở những vụ tai nạn sông nước để giúp thân nhân tìm thi thể người chết mà không lấy một đồng tiền công. Ông là Nguyễn Thành Tâm (55 tuổi) ở làng Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).

Vay tiền mở chợ cho dân nghèo

Cồn Sẻ như một ốc đảo chẻ đôi sông Gianh ở phía hạ lưu, cách cầu Gianh khoảng 7km. Cây cầu gỗ nhỏ bắc qua một nhánh sông Gianh là con đường chính nối trung tâm xã Quảng Lộc với ốc đảo này. Nhà ông Tâm nằm ngay đầu cầu bên kia. Muốn tìm nhà ông hỏi ai cũng biết.

Mới 5h sáng, nhà ông đã đông đúc người. Cứ tưởng nhà có việc, hỏi ra mới biết đó là những người tới họp chợ. Ngôi chợ quê huyên náo với đầy đủ các mặt hàng: trong cùng một số người đang hối hả dọn cá với đủ các loại cá biển, cá sông; tiếp đó là chỗ dành cho khoảng 5-6 người bán thịt heo; đối diện có vài ba người đang nhóm lửa nướng bánh tráng. Ở mặt tiền “ngôi chợ” có khoảng chục người dọn rau, củ, quả ra sạp. Trong chợ cũng có vài người bán chè, đồ ăn sáng, áo quần, giày dép, chăn màn… Khoảng 6 giờ chợ đã tấp nập người mua kẻ bán. Trẻ em tới mua xôi, chè, cháo về ăn sáng. Một số bà đi chợ mua thịt, cá, rau về chuẫn bị thức ăn cho cả ngày.

Sau khi mua xong thức ăn, chị Cao Thị Hảo (ở đội 2) ghé qua hàng áo quần lựa mua mấy bộ cho con. “Có chợ ở đây dân cũng mừng lắm. Được đi chợ gần, không vất vả đi đò như trước nữa. Người buôn kẻ bán đều ở trong làng, trong xã nên mua bán dễ lắm”. Còn chị Mai Thị Hoa, một người bán chè nói mỗi ngày thu nhập cũng được khoảng 15.000-20.000đ. Vợ chồng ông Tâm cũng mở sạp bán thịt heo ngay tại chợ này. Mỗi ngày họ bán hết một con heo, vào lễ tết bán được 2-3 con.

Khoảng 7h, chợ thưa dần. Hầu như người bán cũng hết hàng, người mua cũng đã mua đủ nên khoảng 8 giờ là chợ không còn một ai. Lúc đó người nhà ông Tâm mới bắt đầu dọn dẹp vệ sinh chợ. Rác được quét dọn và chở đi đỗ ở bãi rác của làng, nước dội lên làm sạch chợ.

Ở xã Quảng Lộc không có chợ, người dân muốn đi chợ phải lên Quảng Tân. Ở Cồn Sẻ có hơn 3.000 người dân nhưng chỉ có "chợ ông Tâm", rất thuận tiện cho bà con. Ông Tâm nói chợ này bắt đầu họp từ năm 2006, đến nay có hơn 30 người vào bán. “Lúc trước tui làm nghề chạy ghe chở bà con đi chợ, còn vợ đi buôn bán. Thấy bà con đi chợ xa, ghe nhỏ mà luôn đông người rất nguy hiểm. Rứa là hai vợ chồng quyết định vay tiền mở chợ để có chỗ cho vợ buôn bán vừa giúp bà con thuận tiện việc chợ búa”, ông Tâm bộc bạch. Người bán đầu tiên là vợ ông với quầy thịt heo, tiếp đó là chị Mai Thị Trần tới bán rau, chị Hiên bán bánh tráng, xôi chè. Thấy làm ăn được, bà con ủng hộ nên bà Mông, bà Hoa… tới bán cá, thịt heo. Ngay những người ở xã Quảng Hoà, Quảng Hải cũng qua đăng ký bán cá.

Lúc trước đây vốn là hố bom có nước sâu gần 1m. Ông Tâm bàn với vợ vay mượn gần 20 triệu đồng mua đất về san lấp mặt bằng, xuống chợ Ba Đồn mua nợ xi măng, cát sạn về lát nền chợ cho sạch sẽ. Rồi vợ chồng ông vay tiếp gần 10 triệu mua vật liệu, chặt cây bạch đàn sẵn có về làm tấm lợp cho bà mua bán không bị mưa nắng. Vợ chồng ông có đến 10 đứa con, trong thời gian đó hai đứa đang học ĐH, CĐ tại TP.HCM và một đứa học trung cấp ở Vinh (Nghệ An). “Một tháng vợ chồng cũng chỉ gửi cho ba đứa 2 triệu thôi. Hai đứa TP.HCM luôn thiếu tiền, phải thường xuyên ăn mì tôm. Đến ni vẫn còn nợ hơn 10 triệu tiền mua vật liệu, nhưng chủ nợ biết vợ chồng tui mượn tiền làm chợ nên cũng thông cảm”, ông Tâm cho biết.

Người ngăn hà bá sông Gianh

Ông Tâm sinh ra tại làng Cồn Sẻ, sống bằng nghiệp chài lưới, chạy đò ngang nên rành chuyện sông nước cộng thêm gần 10 năm đi bộ đội trong thời chiến đã rèn cho ông tính gan lỳ .

Bà Mai Thị Định, vợ ông nói với vẻ tự hào: “Chừ mà trong 9 xã vùng nam huyện Quảng Trạch ni chỗ mô có người chết đuối không tìm ra xác, không cần ai nhờ ông cũng chạy tới giúp”. Nghe vợ nói, ông Tâm cười xuề: “Thì mình quen sông nước, biết cách lặn nên giúp người ta”.

Ông bắt đầu lặn tìm thi thể người chết đuối từ khi thanh niên, lúc đó gia đình đang sống trên đò ngang. Ông nhớ như in lần đầu ông lặn ở gần cầu sông Gianh. Nước ở đó khá sâu, ít ai lặn tới đáy, nhưng với tài lặn của mình thì ông đã giúp thân nhân tìm ra xác người xấu số. “Cảm giác lần đầu chạm vào người chết cũng rờn rợn, ớn lắm”, ông Tâm nhớ lại. Từ đó, hễ chỗ nào có người chết đuối là ông có mặt, không cần nhờ vả.

Gần 10 năm về trước, khi ông mới nổ máy chạy đò rời bến chở bà con đi chợ thì một chiếc đò ngang chạy từ hạ nguồn lên chở hơn 10 người bất ngờ bị chìm. Ngay lập tức ông bẻ ngược tay lái đưa bà con vào bờ rồi ngược đò ra ứng cứu người bị nạn. Không áo phao, không kịp cởi áo quần, ông liền nhảy tủm xuống nước. Nhưng vì số người trên thuyền bị nạn khá đông nên có khoảng 4-5 người chết. Suốt ngày hôm đó ông ngụp lặn cùng với những người khác mới đưa hết thi thể người chết lên bờ.

Đưa bộ “đồ nghề” gồm lưới và lưỡi câu dùng tìm thi thể người chết, ông kể: “Anh em đi biển kiếm cho đó. Họ biết tui làm việc thiện nên mỗi lần gỡ được lưỡi câu mô là gói kỹ về cho tui”. Bà Định thêm vào: “Mỗi khi tàu mô đi biển là ông chạy ra nhắn gửi nếu có lưỡi câu vướng vô lưới thì đừng có vất mà gỡ đem về cho ông”.

“Kinh hoàng nhất trong đời tui là vụ chìm đò Quảng Hải. Hôm đó không chỉ tui mà tất cả ai ở đó đều bỏ qua cơn đói khát và mệt để tìm thi thể người chết”, ông nhớ lại. Sáng đó, ông đang ra chiếc ghe tát nước thì nghe tin Quảng Hải có chìm đò. Đúng lúc đó có một vị lãnh đạo huyện Quảng Trạch chạy ghe qua, ông chỉ kịp xác định thông tin liền chạy ghe về nhà lấy móc câu rồi chạy ghe qua Quảng Hải. Bà Định kể: “Ông đi không nói một tiếng. Sáng đó cận Tết, tui bán thịt heo cũng không có người làm. Đặt cọc tiền mua 6 con heo ra tết bán nhưng không có ai đi chở, rứa là ra Tết không có heo bán”. Nhiều người chết, nước chảy xiết, trời lại lạnh rét, nhưng ông với các anh em cứu hộ ra sức dùng câu tìm thi thể người chết đến tối mịt mới về nhà. Bà Định nói hôm đó ông sốt ghê lắm, người cứ mê man. Đến 3g sáng mới ăn được bát cháo mới tỉnh lại.

Hỏi ông đã tham gia bao nhiều lần vớt thi thể người chết, ông cười cười: “Tui làm việc ni cũng xuất phát từ cái tâm của mình, công trạng không tính mần chi. Rứa nên tui cũng không cần nhớ mấy lần nữa, nhiều lắm rồi”.

Dù cuộc sống gia đình nghèo khó, nhưng trong 10 đứa con thì có một đứa tốt nghiệp ĐH, một CĐ, một trung cấp, số còn lại đang đi học. Đó là thành quả rất hiếm hoi ở làng Cồn Sẻ còn nhiều khó khăn vất vả này. Ông Tâm bộc bạch: “Dù mình nghèo khó nhưng cũng phải cho tụi nhỏ đi học để biết cái chữ để sau này bớt đi cực khổ”. Ở Cồn Sẻ hai vợ chồng ông như tấm gương được mọi người kính nể và noi theo.

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập