Chi tiết bài viết

Người tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tâm huyết

11:9, Thứ Ba, 14-3-2023

“Với phụ cấp hàng tháng chỉ được vài trăm nghìn đồng, trong khi thời gian dành cho công việc khá nhiều. Nếu không có niềm đam mê với tín dụng chính sách thì tôi không thể gắn bó với công việc này suốt 20 năm qua”, đó là lời chia sẻ của bà Trần Thị Trúc (SN 1954) khi nói về trách nhiệm của tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) mà bà đang đảm nhiệm.

Năm 2002, khi tín dụng chính sách ra đời, bà Trần Thị Trúc được người dân tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ TK-VV thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh (Quảng Ninh). Từ đó đến nay, hơn 20 năm gắn bó với vai trò tổ trưởng, bà đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thôn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi để phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo.
 
Bà Trúc cho biết, Xuân Dục là thôn thuần nông nhưng do diện tích đất trồng lúa ít nên ngoài làm nông nghiệp, nhiều hộ còn phát triển nghề buôn bán. Mặc dù kinh tế người dân phát triển khá, tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ gặp khó khăn. Để giúp người dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, trong những năm qua, bà đã tích cực phổ biến các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hộ nghèo và những hộ gia đình khó khăn. Thực hiện bình xét cho vay và lập hồ sơ vay vốn cho các hộ gia đình thuộc địa bàn quản lý. Đến nay, tổng dư nợ do tổ TK-VV thôn Xuân Dục quản lý là 3,1 tỷ đồng, 41 hộ vay, với 5 chương trình cho vay.
 
Bà Trúc cho biết: “Với trách nhiệm tổ trưởng tổ TK-VV, tôi luôn thực hiện tốt hợp đồng ủy nhiệm đã ký với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện và thực hiện bình xét cho vay công khai dân chủ, đúng đối tượng vay. Thường xuyên đôn đốc tổ viên thực hiện trả nợ đến hạn, trả lãi đầy đủ, kịp thời. Vì vậy trong những năm qua, tổ vay vốn do tôi phụ trách không có nợ quá hạn, tỷ lệ thu lãi đạt 100% kế hoạch. Song song với việc bình xét cho vay, tôi cũng thường xuyên gần gũi động viên hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của tổ viên để có biện pháp tương trợ, giúp đỡ. Vì vậy, 100% hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả”. 

 

Hơn 20 năm, bà Trần Thị Trúc (bên trái) luôn đồng hành với những hộ nghèo

Gắn bó với nghề từ khi quỹ tín dụng chính sách ra đời, hàng ngày bà thường xuyên đi cơ sở, khảo sát nhu cầu vay vốn của người dân. Chính vì vậy mà bà nắm bắt rõ từng hoàn cảnh hộ nghèo, hộ cận nghèo và những hộ muốn khởi nghiệp. Hơn 20 năm làm tổ trưởng, bà nắm bắt rõ quá trình thoát nghèo từng hộ. Bởi vậy mà nhiều hộ khi được vay vốn làm ăn và đã thoát nghèo, bà tiếp tục đến tư vấn các chương trình vay để giúp họ vươn lên phát triển kinh tế, trở thành hộ khá giả trong vùng.
 
“Niềm vui lớn nhất với người làm nghề như tôi là chứng kiến hành trình thoát nghèo của các hộ vốn trước đây còn nhiều khó khăn. Từ nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp họ từ một hộ nghèo, trở thành hộ cận nghèo và hộ phát triển khá có nhà cửa khang trang, kinh tế ổn định”, bà Trúc cười chia sẻ.
 
Chị Nguyễn Thị Phương, thôn Xuân Dục-người được bà Trúc hướng dẫn vay vốn-cho biết: “Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo của thôn. Cuộc sống nghèo khổ, quanh năm làm việc chỉ mong đủ ăn. Được sự quan tâm, động viên và tuyên truyền của chị Trúc cùng tổ TK-VV, tôi đã biết đến chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo nên đã mạnh dạn vay vốn để bắt đầu chăn nuôi và có thêm nguồn thu nhập. Sau khi thoát hộ nghèo, tôi được chị Trúc tư vấn vay vốn giải quyết việc làm để đầu tư tiếp chăn nuôi và thêm nghề kinh doanh. Hiện tại, gia đình tôi đã trở thành hộ thu nhập khá và xây được nhà mới khang trang, vững chãi”.
 
Có thể nói, thông qua vai trò của người tổ trưởng Trần Thị Trúc, nguồn vốn NHCSXH đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Nhờ nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH, đến nay thôn Xuân Dục có 33 lao động được tạo thêm việc làm mới, 45 hộ đã chuyển biến nhận thức và cách thức làm ăn, 41 hộ có đời sống được cải thiện, 27 hộ đã thoát nghèo.
 
Không chỉ là tổ trưởng tổ TK-VV nhiệt tình với công việc, trong gia đình, bà Trúc còn là người biết làm kinh tế. Tư vấn vốn vay giúp nhiều hộ đầu tư phát triển sản xuất, khát vọng làm giàu cũng xuất hiện trong bà. Năm 2018, thông qua chương trình giải quyết việc làm, bà được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Quảng Ninh cho vay số tiền 35 triệu đồng. Ngoài thời gian dành cho công việc, bà cùng chồng chăn nuôi bò, nhờ đó có thêm nguồn thu nhập. Thấy đất vườn rộng và nhà gần rừng, gia đình bà tiếp tục đầu tư chăn nuôi ong lấy mật. Từ 5 tổ ong, sau nhiều năm chăm sóc, gia đình bà đã nhân lên được 41 tổ, mang lại nguồn thu nhập khá.  
 
“Làm tổ trưởng tổ TK-VV có nhiều khó khăn, vất vả, nhiều khi nản chí nhưng nó như cái nghiệp đã ngấm người. Còn được tín nhiệm làm tổ trưởng ngày nào, tôi vẫn sẽ giúp các hộ nghèo và chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế”, bà Trúc chia sẻ.
 
Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Quảng Ninh Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết: Hơn 20 năm gắn bó với nghề tín dụng, với trách nhiệm, sự nhiệt huyết với công việc, bà Trần Thị Trúc được đánh giá là một trong những tổ trưởng tiêu biểu của huyện. Với những thành tích đóng góp của mình, bà được Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong triển khai tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập