Chi tiết bài viết

Nông dân thi đua sản xuất giỏi, xây dựng nông thôn mới

14:1, Thứ Năm, 8-6-2023

Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" ngày càng đi vào thực chất và đạt nhiều kết quả nổi bật. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh với mức thu nhập cao.
 

Sự phát triển cả về quy mô, chất lượng của phong trào đã góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ cấu lao động và xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh.
 
Ở xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch), chị Nguyễn Thị Ngân được xem là một nông dân (ND) điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi. Sau nhiều năm đầu tư phát triển, gia trại của gia đình chị đã trở thành trang trại chăn nuôi tổng hợp có quy mô lớn. Với mức đầu tư gần 1 tỷ đồng, hiện tại, trang trại của gia đình chị cho nguồn thu đạt 500-550 triệu đồng/năm.
 
Chị Ngân cho biết: “Sau nhiều năm bươn chải ở Thừa Thiên-Huế, tôi trở về quê hương để lập nghiệp. Nhận thấy tiềm năng vùng gò đồi của địa phương có thể phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gà, tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại trên diện tích đất gần 600m2 để chăn nuôi gà giống. Trung bình mỗi năm, tôi xuất bán khoảng 48.000 con gà con. Số gà này là nguồn cung cấp con giống chủ yếu cho người chăn nuôi trên địa bàn huyện và các xã lân cận ở huyện Tuyên Hóa”.

Nhiều nông dân điển hình trong phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới

Ngoài ra, chị còn đầu tư xây dựng thêm chuồng trại để mở rộng chăn nuôi lợn. Hiện tại, trang trại của gia đình chị đang chăn nuôi 8 con lợn nái, mỗi năm sinh sản 2 lứa, mỗi lứa chị nuôi khoảng 40- 50 con lợn thịt. Với quy mô chăn nuôi lớn, trang trại gia đình chị Ngân còn tạo việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương.
 
Sau một thời gian đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp, với mong muốn tìm đầu ra ổn định cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã, chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Quảng Lưu đã thành lập Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp sạch Nam Hồng Quảng và đầu tư máy móc để phát triển thêm mô hình chế biến các sản phẩm từ lợn và gà.
 
Với sự tìm tòi, học hỏi và nắm bắt nhanh nhạy thị hiếu của thị trường, từ việc chỉ cung cấp các sản phẩm từ thịt gà sơ chế, trứng gà, chị Hồng đã nghiên cứu và chế biến ra sản phẩm thịt gà xông khói.
 
“Nhằm phát triển đầu ra cho các sản phẩm từ chăn nuôi của trang trại và các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã, công ty chúng tôi đã nghiên cứu các công thức để đa dạng các sản phẩm chế biến. Đến nay, ngoài sản phẩm thịt gà xông khói đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đầu năm 2023 vừa qua, 2 sản phẩm mới của công ty là sản phẩm chân giò xông khói và gà ủ muối thuốc bắc tiếp tục được huyện công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao”, chị Nguyễn Thị Hồng cho hay. 
 
Hàng năm, có khoảng 125.500 hội viên ND trong tỉnh đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Qua bình xét, đến nay, Quảng Bình có 76.885 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi. Phong trào "ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã trở thành động lực quan trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương và phát huy nội lực của ND trong tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế, nâng cao đời sống.

Chủ tịch Hội ND tỉnh Trần Tiến Sỹ cho biết: Xác định phong trào "ND thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" là phong trào trọng tâm, xuyên suốt trong các phong trào thi đua của hội, thời gian qua, Hội ND tỉnh tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Các cấp hội đã ký kết, triển khai thực hiện chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp; thực hiện các hoạt động tạo nguồn vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho ND.

Bên cạnh đó, vận động ND thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với việc thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và xây dựng NTM. Khuyến khích ND tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
 
Nhờ đó, thời gian qua, phong trào đã phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, thu hút hàng chục nghìn hội viên, ND tham gia. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều hộ sản xuất quy mô lớn, có vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng, thu hút hàng chục lao động, doanh thu hàng trăm đến hàng chục tỷ đồng/năm.
 
Có thể nói, phong trào đã có sức lan tỏa trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, qua đó giải quyết việc làm tại chỗ; tạo ra những nhân tố mới, điển hình mới, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.
 
Ngoài ra, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn, các cấp hội đã chủ động phối hợp với các sở, ngành tuyên truyền, vận động ND tích cực tham gia các hình thức kinh tế tập thể. Thông qua các nguồn vốn do hội quản lý, các cấp hội đã vận động ND thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều hộ ND sản xuất kinh doanh giỏi đã thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Theo Báo Quảng Bình

 

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập