Chi tiết bài viết

Chung tay giúp người mù thoát nghèo

16:8, Thứ Tư, 17-5-2023

Giúp đỡ người mù phát triển sản xuất, giải quyết việc làm trong độ tuổi lao động là việc làm thường niên của Hội Người mù (HNM) tỉnh. Cùng với sự chung tay của toàn xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ số hội viên mù nghèo từ 72% (năm 2001) xuống còn 19,8% (năm 2022).

HNM tỉnh đang quản lý 7 cơ sở sản xuất tập trung và 12 cơ sở xoa bóp tẩm quất. Nhờ đó tạo việc làm ổn định cho hơn 100 hội viên với mức thu nhập bình quân 3,2-3,7 triệu đồng/người/tháng.
 
Chủ tịch HNM tỉnh Nguyễn Thế Hùng cho biết: Việc thiết lập và tạo dựng mô hình sinh kế bền vững cho người mù gặp rất nhiều khó khăn. Các nguồn hỗ trợ vốn vay cũng rất hạn chế, vì các đơn vị tín dụng lo lắng rủi ro không hoàn lại cao. Chính vì vậy, tìm hướng đi giảm nghèo bền vững cho người mù luôn là bài toán khó. Trước thực trạng đó, trong gần 23 năm qua, HNM tỉnh đã đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
 
Năm 2003, với nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm ban đầu được Trung ương HNM Việt Nam phân bổ là 160 triệu đồng đã giải quyết cho 81 hội viên vay. Đến nay, hội đã lập được 87 dự án với doanh số cho vay hơn 5 tỷ đồng, cho 816 lượt người vay. Nhờ được vay vốn cùng với sự cần cù, sáng tạo, chịu khó, nhiều người mù đã xóa được đói, giảm được nghèo.
 
Nhiều hội viên được học chữ, học nghề, có việc làm và thu nhập ổn định. Đến nay, 8/8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có tổ chức hội với 1.370 hội viên tham gia sinh hoạt ở 48 chi hội và 4 hội cấp xã, 17 tổ nhóm.

Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, anh Trần Đông ở thôn Giữa, xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) đã phát triển mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập.

Chị Trần Thị Hà, Chủ tịch HNM huyện Quảng Ninh cho hay: Năm 2022, tổng số hội viên toàn huyện 107 hội viên; sinh hoạt tại 8 chi hội, trong đó hội viên nữ chiếm tỷ lệ gần 52%, hội viên hộ nghèo và cận nghèo 19,5%.
 
Trong năm 2022, để giúp đỡ hội viên mù nghèo vượt qua những khó khăn về kinh tế, hội đã tổ chức sản xuất và tiêu thụ tăm tre, chổi đót cho hội viên. Nhờ sự đồng hành của các đơn vị tại địa phương, năm 2022 đã có 41.083 gói tăm tre và 1.342 chổi đót được tiêu thụ tại các trường học trên địa bàn huyện.
 
Ngoài ra, nhờ có khoản vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hội viên đầu tư nuôi lợn nái, ngan, gà, vịt và bò sinh sản, đầu tư mở rộng dịch vụ kinh doanh thức ăn chăn nuôi, chuyển đổi kinh tế, làm thêm một số nghề thủ công truyền thống. Một trong những điển hình làm kinh tế giỏi có anh Trần Đông (29 tuổi) ở thôn Giữa, xã Vạn Ninh (Quảng Ninh).
 
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, bị khuyết tật về mắt, nên cuộc sống của anh Đông rất khó khăn. Anh Trần Đông tâm sự, biết có nhiều tấm gương người mù bằng ý chí và nghị lực đã vượt lên số phận, chăn nuôi sản xuất, vươn lên làm giàu, bản thân anh cũng mong muốn thử sức. Được sự quan tâm của các cấp hội, anh được tham gia học nghề, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm.
 
Sau khi được tập huấn và học hỏi thêm kinh nghiệm, anh đã mạnh dạn vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm của Trung ương Hội và mở trang trại chăn nuôi. Với người bình thường làm kinh tế đã khó, đối với người khiếm thị lại càng khó gấp trăm lần. Do vốn còn ít nên anh thử nghiệm nuôi 100 con gà, 3 con lợn thịt. Năm đầu tiên mới bắt tay vào chăn nuôi, anh gặp rất nhiều khó khăn, kinh nghiệm chưa có, vì vậy gà, lợn thường bị dịch bệnh, kết quả không được như mong muốn. Không nản chí, anh tiếp tục mở lại đợt nuôi khác, dần dần chăn nuôi có hiệu quả hơn.
 
Năm 2009, anh Đông lập gia đình. Hai vợ chồng chung tay mở rộng thêm trang trại với ao nuôi cá và nuôi ngan, ngỗng, gà, lợn, mua máy xay xát tạo việc làm ổn định cho 2 lao động. Mỗi năm trang trại xuất 3 lứa gà, mỗi lứa 1.500 con, dao động khoảng 100 con lợn thịt, 3 con bò… từ đó đem lại thu nhập bình quân khoảng từ 180-200 triệu đồng/năm. Nhờ được tham gia vào HNM, được sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ cho vay vốn, học nghề... cùng với sự nỗ lực cố gắng của 2 vợ chồng, giờ đây gia đình anh đã thoát nghèo, xây dựng được ngôi nhà khang trang nuôi các con ăn học.
 
Nhờ được vay vốn, có thêm việc làm nên đời sống của hội viên HNM huyện Quảng Ninh có những cải thiện rõ rệt, không còn hội viên phải ở nhà dột nát, 100% có phương tiện nghe nhìn, nhà ở khang trang sạch sẽ, mua sắm được những tiện nghi sinh hoạt thiết yếu, có điều kiện cho con cháu ăn học.
 
Không riêng gì Quảng Ninh, nhiều hội viên HNM các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy… đã biết vượt lên số phận, làm ăn kinh tế giỏi.
 
“Việc giúp hội viên được vay vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, qua đó xóa được đói, giảm được nghèo, góp phần gắn kết hội viên với tổ chức hội. Đó cũng chính là mong muốn để tất cả cùng có cơ hội tạo lập cuộc sống, dần xóa nghèo và ổn định lâu dài”, ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch HNM tỉnh chia sẻ.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập