Chi tiết bài viết

Gà đồi Thái Thủy

11:17, Thứ Năm, 10-8-2023

Phát huy lợi thế vùng gò đồi rộng lớn, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong xây dựng nhãn hiệu, chuỗi sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…, những năm gần đây, Hợp tác xã (HTX) Gà đồi Thái Thủy (xã Thái Thủy, Lệ Thủy) đã liên kết phát triển mô hình chăn nuôi gà đồi chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người tiêu dùng.
 

Liên kết chăn nuôi theo hướng hàng hóa
 
Gà đồi là vật nuôi truyền thống nhiều năm của người dân Thái Thủy nhưng phương thức chăn nuôi chủ yếu lâu nay vẫn là tự phát, nhỏ lẻ, ít đầu tư, chưa kiểm soát được dịch bệnh. Sản lượng gà đồi của địa phương vì thế còn ít, phần lớn mang tính tự cung, tự cấp.
 
Trước thực tế đó, nhằm tạo ra vùng sản xuất tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng và quy mô sản phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ của các nhà phân phối hiện đại, khắc phục những nhược điểm của kinh tế hộ nhỏ lẻ, năm 2020, HTX Gà đồi Thái Thủy đã được thành lập với 8 thành viên.

Gà đồi Thái Thủy được nuôi ở vùng gò đồi nên thịt gà có độ dai, chắc, thơm đặc trưng và cho tỷ lệ thịt cao.

Mặc dù mới thành lập và đi vào hoạt động nhưng HTX bước đầu đã khẳng định được vai trò “dẫn dắt” trong hoạt động chăn nuôi của các hộ thành viên; góp phần giảm chi phí sản xuất thông qua mua chung giống, thức ăn chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học và cùng tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiện, HTX có 3 trại nuôi tập trung gà kiến, gà lai chọi với khoảng 6.000 con/lứa, ngoài ra các hộ thành viên nuôi trong vườn nhà khoảng 7.000 con/lứa.
 
Giám đốc HTX Gà đồi Thái Thủy Nguyễn Thị Bích, cho biết: Từ khi thành lập đến nay, việc chăn nuôi của các thành viên thuận lợi hơn, chưa xảy ra dịch bệnh lớn hay gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Bên cạnh hỗ trợ nhau về kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi thì việc tham gia HTX đã giúp các thành viên nâng cao ý thức chăn nuôi, hạn chế tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh, chất kích thích.
 
Đặc biệt, gà đồi Thái Thủy từ lâu đã có tiếng thịt chắc, thơm ngon, rất được thị trường ưa chuộng nên đầu ra luôn bảo đảm. Các hộ liên kết chăn nuôi gà trong HTX phối hợp chặt chẽ với nhau, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để cùng tạo ra sản phẩm gà ngon, chất lượng cao, nuôi xen kẻ để gà có thể xuất bán quanh năm mà không sợ bị ép giá.
 
Ngoài cung cấp cho thị trường, hiện HTX Gà đồi Thái Thủy đã ký kết cung cấp gà thành phẩm cho bếp ăn của Trường tiểu học và THCS Chu Văn An (TP. Đồng Hới) và cung cấp từ 800-1.000 con gà đã làm sạch cho các nhà hàng ở Bàu Sen, xã Sen Thủy (Lệ Thủy) và các cửa hàng sạch, nhà hàng tiệc cưới trên địa bàn huyện...

Chị Nguyễn Thị Toan, thôn Xuân Sơn, thành viên của HTX cho biết: Bên cạnh nuôi tập trung theo HTX, hiện gia đình chị đang thả nuôi khoảng 2.000 con gà kiến/lứa. Mỗi năm nuôi gối vụ khoảng 3 lứa, trừ chi phí đem về cho gia đình khoảng 120 triệu đồng. Từ khi tham gia HTX, nhờ được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, cách lựa chọn con giống, quy trình chăn nuôi trên đệm lót sinh học kết hợp bảo vệ môi trường… nên việc chăn nuôi của gia đình chị ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, trong quá trình chăn nuôi, các thành viên luôn được HTX hỗ trợ về con giống, thức ăn, kiểm soát dịch bệnh, đầu ra sản phẩm nên yên tâm sản xuất.

Xây dựng thương hiệu
 
Hiện nay, sản phẩm gà đồi Thái Thủy đã có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận VietGAP… Đây là một trong những điều kiện cần thiết cho việc phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo cơ hội cho HTX tiếp cận thị trường và đặc biệt là xây dựng thương hiệu "Gà đồi Thái Thủy".

HTX đã xây dựng lò mổ, mua sắm các thiết bị hiện đại để làm gà thành phẩm bán ra thị trường.

Theo chị Bích, để có sản phẩm gà chất lượng cao, bên cạnh yếu tố con giống tốt thì các thành viên phải tuân thủ quy trình nuôi kết hợp bán chăn thả và thực hiện nghiêm những quy định về chuồng trại và kỹ thuật chăm sóc. Khác với chăn nuôi gà ở các vùng đồng bằng có diện tích đất nhỏ hẹp, gà đồi Thái Thủy được nuôi thả tự nhiên trên những vùng gò đồi rộng có bóng mát của cây cối. Khi gà được 2 tháng tuổi thì bắt đầu cho ăn kết hợp thức ăn công nghiệp và các loại cám gạo, ngô, cá tạp, rau…, tháng cuối xuất chuồng thì ngưng hoàn toàn thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, gà còn được thả rông trong vườn để tự do “chạy nhảy” đào bới kiếm mồi là giun dế và mối từ lá cây đã được ủ… Nhờ đó, thịt gà có độ dai, chắc, thơm đặc trưng và cho tỷ lệ thịt cao.
 
Không dừng lại ở việc chăn nuôi quy mô lớn, hiện HTX đã xây dựng lò mổ, mua sắm các thiết bị như máy vặt lông, đun nước sôi, hút chân không, tủ bảo quản… làm gà thành phẩm bán ra thị trường nhằm tạo việc làm cho người lao động cũng như nâng cao giá trị sản phẩm. Để bảo đảm việc cung cấp nguồn hàng sạch, an toàn và đủ về số lượng, thời gian tới, HTX sẽ mở rộng quy mô, kết nạp thêm các thành viên để nâng tổng số đàn gà lên đến 20.000 con/lứa theo tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp cho người tiêu dùng trên toàn quốc.

Gà thành phẩm của HTX được cung cấp cho trường học, nhà hàng, cửa hàng sạch tại huyện Lệ Thủy.

Thực tế cho thấy, việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ đã khắc phục được những khó khăn của ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay, như: Đầu mối tiêu thụ, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh…
 
Tuy nhiên, HTX vẫn còn gặp nhiều thách thức đó là giá thức ăn vẫn ở mức cao nên lợi nhuận bị giảm sâu, các thành viên HTX vẫn còn thiếu vốn để mở rộng sản xuất và mua sắm thiết bị hiện đại để chăn nuôi cũng như chế biến thành phẩm. Hiện, HTX đang tích cực tháo gỡ để phát triển quy mô và nâng cao hiệu quả theo hướng tăng tổng lợi nhuận bằng cách tăng tổng sản lượng sản phẩm.
 
Chủ tịch UBND xã Thái Thủy Lê Thuận Văn cho biết: Thái Thủy có hơn 4.000ha đất trồng rừng, rất thích hợp cho việc chăn nuôi gà đồi dưới tán cây trồng. Hàng năm, người dân địa phương cung cấp cho thị trường khoảng 60.000 con gà/lứa. UBND xã đang định hướng, hỗ trợ HTX hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh năm 2024, giới thiệu các nguồn vốn ưu đãi để HTX đầu tư các trang thiết bị hiện đại trong chăn nuôi cũng như trong việc chế biến thành phẩm, mở rộng sản xuất, nâng cao tổng đàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Cùng với đó là chương trình quảng cáo giới thiệu rộng rãi sản phẩm và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nhằm quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tạo thị trường ổn định, bền vững, tạo tâm lý yên tâm cho bà con chăn nuôi.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập