Chi tiết bài viết

Đánh thức kinh tế vườn rừng

8:6, Thứ Ba, 18-7-2023

Với diện tích tự nhiên rộng hơn 3.315ha, mật độ dân cư khá thưa thớt, trước năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Hóa Thanh (Minh Hóa) chiếm khoảng 75%. Tuy nhiên, kể từ khi mạnh dạn mở hướng phát triển kinh tế đa ngành nghề, đặc biệt là chú trọng đột phá từ kinh tế vườn rừng khoa học và hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm mạnh xuống còn 18,3% (năm 2022), rất nhiều hộ nơi đây đã thực sự vươn lên khá giả.

Nhớ về thời "nghèo lâu" của nhiều hộ dân địa phương, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Thanh chia sẻ: Đa số người dân địa phương sống dựa vào nghề nông, ngành nghề phụ hầu như không có, thế nhưng toàn xã Hóa Thanh chỉ có chừng 80ha đất trồng màu (không có diện tích lúa nước) 1 vụ trong năm, vụ mùa tiếp theo gần như bỏ hoang trên 50% vì thiếu nước tưới nghiêm trọng.

Nhờ chú trọng phát triển kinh tế vườn rừng kết hợp chăn nuôi, nhiều hộ dân ở xã Hóa Thanh đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu.

Trước đây, do an ninh lương thực không bảo đảm nên nhiều hộ dân trong xã cứ đến thời gian nông nhàn là kéo nhau đi làm thuê khắp nơi và săn lùng các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ bán kiếm tiền mưu sinh, không ít người đã trở thành lâm tặc. Thời điểm đó, rất nhiều diện tích rừng tự nhiên ở xã Hóa Thanh đã bị tàn phá vô tội vạ, một phần từ sự "tiếp tay" của các lâm tặc người bản địa. Do rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp chưa được "đánh thức" đúng hướng nên cái khó, cái nghèo cứ bám riết người dân nơi đây trong suốt một quãng thời gian dài...

Mô hình vườn cây ăn quả của hộ ông Cao Thanh Sơn, thôn Thanh Tân, xã Hóa Thanh

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn rừng rộng chừng 4ha, ông Cao Thanh Sơn, thôn Thanh Tân cho hay: "Cách đây chừng 15 năm, cả khu vực này chỉ toàn cây bụi, lau lách, không một hộ dân nào dám đến ở vì gần với nghĩa địa, không có đường giao thông. Với xuất phát điểm gần như tay trắng, buổi đầu vào khai hoang tại đây, để lấy ngắn nuôi dài tôi vừa trồng sắn, ngô, chuối, cây ăn quả, hồ tiêu, vừa kết hợp đào ao nuôi cá và nuôi tằm, ong lấy mật, gà, ngan, lợn. Nhờ biết tận dụng nguồn phân động vật để bón cho cây trồng và dùng chuối, ngô, lá sắn cung cấp thức ăn trở lại cho đàn vật nuôi nên chi phí đầu tư cho khu vườn rừng này được giảm tối đa, hiệu quả kinh tế tăng lên đáng kể. Khi tích lũy được một số vốn nhất định, gia đình lại tiếp tục mua thêm giống keo lai để trồng rừng kinh tế và nuôi thêm trâu, bò. Nhận thấy hiệu quả, nhiều hộ dân cũng lần lượt kéo nhau vào khai hoang rồi định cư hẳn tại đây. Từ việc bán gỗ rừng trồng và một ít trâu, bò, gia đình tôi còn mua sắm thêm máy làm đất, xe vận tải để giảm thiểu tối đa về sức người, gia tăng hiệu quả lao động trên cùng một đơn vị diện tích. Những năm gần đây, khu vườn rừng tổng hợp của gia đình cũng mang lại nguồn lãi ròng từ 200-400 triệu đồng/năm...".
 
"Có thể khẳng định, kinh tế vườn rừng đã và đang tạo ra những đột phá mới trong công tác giảm nghèo nhanh, bền vững ở địa phương, góp phần tăng thêm nhiều cơ hội việc làm, thu nhập để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới mà xã Hóa Thanh đã đề ra...", Chủ tịch UBND xã Hóa Thanh Phạm Hồng Sơn cho biết. 

Ông Sơn là một dẫn chứng tiêu biểu cho hàng chục trường hợp khác biết "đánh thức" kinh tế vườn rừng để thoát nghèo và vươn lên khá giàu ngay tại vùng đất rẻo cao xã Hóa Thanh. Ngoài ông Sơn, nhiều điển hình trong phát triển kinh tế vườn rừng hiệu quả ở địa phương, như: Cao Huy Phú, Võ Nhật Luận (thôn Thanh Long), Trương Quang Hòa (thôn Thanh Lâm), Cao Thị Dương (thôn Thanh Sơn)...

Mô hình nuôi ong lấy mật cạnh vườn rừng của hộ ông Cao Thanh Sơn, thôn Thanh Tân, xã Hóa Thanh.

Ông Phạm Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Hóa Thanh cho biết, xã hiện có 399 hộ, với 1.574 nhân khẩu, sống phân bố tại 4 thôn. Trong 2 nhiệm kỳ gần đây, Đảng bộ xã Hóa Thanh đã đưa việc phát triển kinh tế vườn rừng kết hợp chăn nuôi vào nghị quyết để làm cơ sở chỉ đạo, xem đây là mũi nhọn chủ lực nhằm đẩy lùi tỷ lệ hộ nghèo, tạo sự đột phá cho bức tranh kinh tế của địa phương.

Nhờ đó, toàn xã Hóa Thanh đã trồng mới khoảng 800ha rừng cây keo lai (trong đó có gần 100ha rừng cây gỗ lớn) và hàng chục ha tre lấy măng, cây ăn quả có giá trị, như: Cam, bưởi, ổi, mít...; phát triển được khoảng 550 con trâu, bò, trên 350 lợn, khoảng 3.000 con gia cầm, hơn 200 đàn ong lấy mật.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập