Chi tiết bài viết

Người "đồng hành" cùng Phong Nha-Kẻ Bàng

11:7, Thứ Hai, 3-7-2023

Ngày 5/7/2003, tại Hội nghị thường niên lần thứ 27 diễn ra tại Paris (Pháp), Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí giá trị ngoại hạng về địa chất, địa mạo. Đã 20 năm nay, cứ mỗi lần nhớ về PN-KB, GS.TS. Trần Nghi, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, người có công lớn trong việc xây dựng hồ sơ để VQG PN-KB được UNESCO xem xét, công nhận Di sản thiên nhiên thế giới lại bồi hồi xúc động.
 

Việc rất khó nhưng luôn tự tin thành công
 
Để góp phần đưa VQG PN-KB trở thành Di sản thiên nhiên thế giới là chuyện rất khó, bởi cần có hồ sơ đủ sức thuyết phục được UNESCO.
 
Chia sẻ về điều này, GS.TS. Trần Nghi cho biết: “Vào năm 1998, tôi được Trường đại học Khoa học tự nhiên giao nhiệm vụ xây dựng hồ sơ cho VQG PN-KB theo đề nghị của tỉnh Quảng Bình để Việt Nam trình lên UNESCO xem xét, công nhận Di sản thiên nhiên thế giới. Là người con Quảng Bình, tôi rất muốn nhận công việc này để đóng góp cho đất nước và quê hương của mình, nhưng tôi cũng rất lo lắng. Tôi lo lắng bởi vì hồ sơ lần trước do những người khác xây dựng đã bị UNESCO đánh trượt do thiếu kiến thức về địa chất, đặc biệt là địa chất hang động. Họ không chứng minh được tính đa dạng địa chất và lịch sử phát triển lâu dài của vỏ trái đất khu vực PN-KB là từ trên 400 triệu năm và tuổi cổ của hang động... Khi lần đầu đã bị đánh trượt, hồ sơ lần thứ hai gửi lên sẽ được nghiên cứu rất kỹ các minh chứng so với những tiêu chí yêu cầu. Tuy nhiên, tôi vẫn tự tin là mình sẽ thành công vì tôi là chuyên gia về lĩnh vực này”.
 
Là nhà khoa học hàng đầu Việt Nam về lĩnh vực địa chất, lại là con em Quảng Bình, yêu quê hương, mang khát vọng cháy bỏng muốn đóng góp được điều gì đó có ý nghĩa góp phần làm giàu cho quê hương, GS.TS. Trần Nghi vui vẻ nhận lời và hứa với Hiệu trưởng nhà trường nhất định sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

GS.TS. Trần Nghi

Thực hiện nhiệm vụ được giao, GS.TS. Trần Nghi đã cùng các cộng sự gồm GS.TS. Tạ Hòa Phương, PGS.TS. Đặng Văn Bào và các nhà lâm nghiệp thuộc Trung tâm Tài nguyên và Môi trường lâm nghiệp, Viện Điều tra, Quy hoạch rừng khẩn trương triển khai công việc. Trong các năm từ 1999-2001, họ đã tiến hành nhiều chuyến khảo sát thực địa, nghiên cứu và chứng minh được 4 vấn đề quan trọng, gồm: (1) Đa dạng địa chất, địa mạo và lịch sử phát triển lâu dài của vỏ trái đất khu vực PN-KB và toàn tỉnh Quảng Bình; (2) Chứng minh hang động có tuổi cổ; (3) Tính độc đáo của hệ thống hang động; (4) Đa dạng sinh học và những loài động thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng.
 
Trong đó, khi viết báo cáo tổng kết của hồ sơ, GS.TS. Trần Nghi đã miệt mài dành cả 1 tháng để phân tích và chứng minh các luận cứ khoa học. Với việc chứng minh được các tiêu chí đề ra của UNESCO, hồ sơ của VQG PN-KB do GS.TS. Trần Nghi cùng các cộng sự xây dựng đã được UNESCO đánh giá cao và qua đó, công nhận VQG PN-KB là Di sản thiên nhiên thế giới.
 
Mong giữ gìn và phát huy tốt giá trị di sản
 
Là nhà khoa học có công lớn giúp VQG PN-KB được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, GS.TS. Trần Nghi khẳng định VQG PN-KB có nhiều giá trị nổi bật toàn cầu.
Trước hết, PN-KB là vùng karst cổ có cấu trúc địa chất phức tạp, thành phần thạch học và quy luật phân bổ đa dạng.
 
Đây là vùng có lịch sử phát triển vỏ trái đất lâu dài, từ kỷ Ordovic (450 triệu năm) đến nay, trải qua 5 chu kỳ kiến tạo lớn. Đặc trưng của địa hình karst PN-KB là có tuổi cổ, bắt đầu hình thành từ giai đoạn tạo núi Mesozoi (Trias, Jura, Creta). Quá trình karst để lại các dấu ấn rõ nét và độc đáo, như: “hang sông”, “hang khô”, “hang dạng bậc”, “hang treo”, “hang dạng cành cây” và “hang cắt nhau”… liên quan đến các pha tạo núi và đứt gãy kiến tạo trong Kainozoi từ Oligocen (36 triệu năm) đến nay.
 
GS.TS. Trần Nghi cùng các cộng sự cũng chỉ ra rằng, VQG PN-KB còn gồm nhiều sinh cảnh quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học và là nơi có nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm đang bị đe dọa. Lớp che phủ rừng trên vùng PN-KB có nhiều kiểu thảm thực vật phong phú và đa dạng. Đây là mẫu hình của thảm thực vật trên núi đá vôi và hầu như không thấy ở các nước khác trong khu vực. PN-KB cũng là vùng karst nhiệt đới ẩm điển hình không giống với các vùng karst ôn đới ở các nước châu Âu.
 
Đặc thù của khu vực PN-KB là có sông ngầm (hang sông) dài; đá vôi liền một dải dạng khối rộng lớn còn bảo tồn được các kiểu cấu trúc địa chất, địa hình, địa mạo và rừng nguyên sinh nhiệt đới. Hang động phát triển trong đá vôi dạng khối tinh khiết nên hình thành nhiều hệ thống cắt nhau cùng tuổi và nhiều thế hệ. Hệ thống thạch nhũ đẹp, kỳ ảo, có nhiều thế hệ thạch nhũ chồng gối lên nhau, có tuổi tương ứng với tuổi các bậc hang động…
 
Theo GS.TS. Trần Nghi, bất cứ quốc gia nào cũng đều tự hào khi có di sản được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Ở nước ta, quá trình thành lập khu di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB được chính quyền địa phương và Chính phủ rất ủng hộ. Việc thành lập VQG và Ban Quản lý trực thuộc UBND tỉnh Quảng Bình cùng với việc xây dựng đường Hồ Chí Minh chạy theo đường 15 và 12A cũ dọc ranh giới phía Đông không cắt VQG thể hiện quyết tâm giữ gìn nguyên vẹn cho khu di sản thiên nhiên thế giới; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuần tra, bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới này.
 
Theo GS.TS. Trần Nghi, Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB là một chỉnh thể gắn liền với nhau giữa hệ thống hang động kỳ vĩ, độc đáo với rừng nguyên sinh và đa dạng sinh học. Bởi vậy, ông mong rằng, giải pháp bảo vệ di sản này là phải bảo vệ nghiêm ngặt tất cả hệ thống thạch nhũ, mảng đá, vú đá và những phong cảnh độc đáo mà thiên nhiên đã tạo ra trong hang động. Cần cấm sửa sang, chế tác lại hoặc tùy tiện. Cấm khai thác trộm gỗ quý và săn bắt động vật quý hiếm, làm ảnh hưởng đến VQG.
 
Việc khai thác, phát triển du lịch nơi đây không ảnh hưởng gì đến tính nguyên bản của VQG và phong cảnh đẹp, độc đáo của hang động. Nó có tác động qua lại làm tôn vinh giá trị hang động và VQG nhưng vẫn giữ môi trường trong sạch. Điều quan trọng là trách nhiệm người quản lý phải thực hiện nghiêm ngặt chế tài quản lý theo nguyên tắc phát triển bền vững.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập