Chi tiết bài viết

Ước mơ vùng nguyên liệu cây ăn quả

15:10, Thứ Hai, 19-6-2023

Từ khi những loại cây ăn quả có múi, như: Bưởi, cam… dần phát triển, lan rộng và trở thành loại cây mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn, đã có lúc huyện Tuyên Hóa kỳ vọng lợi thế vùng gò đồi rồi đây sẽ được “đánh thức”, trở thành vùng nguyên liệu cây ăn quả lớn trên địa bàn tỉnh. Nhưng rồi vì nhiều lý do khác nhau, kỳ vọng đó đang vấp phải những “lực cản” vô hình.

Từ chuyện cây bưởi

Ở Tuyên Hóa, nói đến chuyện trồng bưởi, không ai không biết ông Nguyễn Văn Minh (thôn Kim Lũ 1, xã Kim Hóa), bởi ông được mệnh danh là “ông Minh… bưởi” và là “tỷ phú bưởi đầu tiên ở Tuyên Hóa”.
 
Không quá lời khi nói rằng, sức lan tỏa của cây bưởi trên vùng gò đồi huyện Tuyên Hóa cũng bắt đầu từ chính vườn bưởi của ông. 3 năm sau chuyến đến tìm hiểu mô hình của ông “tỷ phú… bưởi” này, ngôi nhà nhỏ 3 gian của ông vẫn lọt thỏm giữa vườn bưởi xanh um, với hàng trăm gốc bưởi. Chỉ khác là vườn bưởi hơn 640 gốc của ông giờ đây đã cho thu hoạch quả, chứ trước năm 2020, ông chỉ mới thu hoạch hơn 2/3 gốc.
 
Ít ai biết được rằng, hành trình để cây bưởi đứng vững và khẳng định giá trị trong khu vườn của người nông dân này đã phải vượt qua biết bao khó khăn, nhọc nhằn. Trước khi lựa chọn cây bưởi, ông Minh đã phải mất hơn 20 năm trồng tất tật các loại cây từ cây vải, cam và có cả cây bưởi… mà ông cho là sẽ phù hợp để mò mầm, tìm kiếm một con đường đi cho riêng mình, hầu mong thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Giờ đây, hơn ai hết, ông Minh biết được rằng, không có sự thành công nào là dễ dàng. Với riêng cây bưởi, hơn một lần, ông Minh đã nghĩ đến việc chặt bỏ nó, vì có cây mà không có quả. Giờ đây, đứng dưới vườn bưởi lúc lỉu quả, ông Minh quả quyết: “Làm việc gì cũng phải học, phải hiểu và phải làm đến nơi đến chốn, chứ không thể làm theo kiểu “thấy người ta ăn khoai, cũng vác mai đi đào”. Nói đơn giản trồng bưởi thì phải hiểu được đặc tính của cây bưởi. Thất bại trước đó là do mình chưa biết cách chăm sóc và kỹ thuật thụ phấn”.
 
Tìm được nguyên nhân, ngay sau đó, ông liền mời 3 kỹ sư nông nghiệp chuyên về cây bưởi về nhà hướng dẫn. Như một phép màu, năm 2016, vườn bưởi nhà ông đã sai trĩu cành. Năm đó cũng là năm đầu tiên, gia đình ông “hái được tiền” từ bưởi, với hơn 400 triệu đồng. Và giờ đây, mỗi năm vườn bưởi của ông mang đến nguồn thu từ 500-700 triệu đồng, một khoản thu nhập đáng mơ ước của bất kỳ người nông dân nào nơi đây.
 
Năm 2019, ông Nguyễn Văn Minh đã xây dựng nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc và chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn VietGAP cho vườn bưởi Phúc Trạch của mình. Vườn bưởi đã đưa tên tuổi của ông nổi tiếng và lan tỏa đến mức tạo nên phong trào trồng bưởi không chỉ trên địa bàn xã Kim Hóa, mà còn ở nhiều xã của huyện Tuyên Hóa.Không chỉ có cây bưởi, mà các loại cây ăn quả khác, như: Cam, chanh cũng được nhiều người dân Tuyên Hóa đưa vào trồng.
 
Có người đã cắt cả cánh rừng thông, cao su, keo tràm để trồng bưởi, cam, chanh. Đó là vườn cây ăn quả của anh Trương Quốc Việt ở thôn Kim Lũ 2, xã Kim Hóa. Không thể gọi là vườn mà là rừng cây ăn quả, với diện tích gần 14ha khoảng 4.500 gốc cam, 2.000 gốc bưởi Phúc Trạch và 1.000 gốc chanh. Giờ đây, bước vào vườn cây ăn quả của anh Việt, chúng tôi cứ như lạc vào xứ sở của hoa quả. Từ năm 2021 đến nay, vườn cây ăn quả của anh Trương Quốc Việt cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.
 
Điều đáng nói, vườn cây ăn quả của anh là mô hình có quy mô lớn hiếm hoi trên địa bàn huyện Tuyên Hóa áp dụng chuyển đổi số và các ứng dụng công nghệ mới theo hướng sản xuất nông nghiệp thông minh. Hiện tại, anh Việt đã đăng ký nhãn hiệu “Cam Kim Lũ”, được chứng nhận VietGAP và có tem truy xuất nguồn gốc, mã quét QR cho sản phẩm cây ăn quả của mình.
 
Anh Việt cho hay: “Với quy mô diện tích sản xuất lớn, việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm thiểu tác động điều kiện tự nhiên, mà còn là con đường ngắn nhất để thích nghi, tồn tại và nâng cao giá trị sản phẩm trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Ví như, việc tưới nước, tôi đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt đến từng gốc cây. Bởi, các loại cây ăn quả vốn ưa ẩm và không chịu hạn, úng. Nhưng 14ha cây ăn quả của tôi chỉ cần 2 người là có thể bảo đảm việc cung cấp đủ nước cho cây vào mùa nắng nóng kéo dài”.
 
Cũng cần nói thêm là vườn cây của anh Trương Quốc Việt hiện chỉ sử dụng 2 lao động. Còn lao động thời vụ chỉ được bổ sung vào mùa thụ phấn cho cây, bọc quả hoặc khi thu hoạch.


Hệ thống tưới nước nhỏ giọt trong vườn cây ăn quả của anh Trương Quốc Việt đã hóa giải thách thức nắng nóng, nỗi lo thiếu nước.

Vùng nguyên liệu cây ăn quả: Tại sao không?

Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện Tuyên Hóa hiện có khoảng 350ha cây ăn quả, trong đó có khoảng 250ha đã cho thu hoạch. Qua đánh giá sơ bộ, hiệu quả kinh tế từ các loại cây ăn quả đạt rất cao, từ từ 350-400 triệu đồng/ha/năm. Vì vậy, những năm gần đây, các loại cây ăn quả có múi như cam, bưởi được người dân huyện miền núi Tuyên Hóa gọi là “cây thoát nghèo”.
 
Với điều kiện khí hậu và đất đai ở huyện phù hợp với nhiều loại cây ăn quả, đặc biệt là cây ăn quả có múi như cam, bưởi, từ năm 2020, huyện Tuyên Hóa đã có đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, trong đó khuyến khích người dân mở rộng diện tích cây ăn quả, chuyển đổi diện tích đất trồng cao su, đất gò đồi sang trồng cây ăn quả, với nhiều chính sách hỗ trợ.

Nông dân nhiều địa phương mở rộng diện tích cây ăn quả có múi, với kỳ vọng đây là “cây thoát nghèo”.

Năm 2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Tuyên Hóa cũng đã hoàn thiện báo cáo đề xuất một dự án khá “tham vọng”, mang tên “Dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng gò đồi kém hiệu quả sang trồng và thâm canh cây ăn quả trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030”, đưa ra lộ trình, quy mô, với nhiều giải pháp thực hiện.

Mục đích của đề án nói trên nhằm khắc phục các vấn đề, như: Thiếu nguồn lực đầu tư nên sản xuất manh mún, chưa mang tính chuyên canh, thiếu sự liên kết trong sản xuất; nâng cao chất lượng sản phẩm và kỹ thuật sản xuất cho người dân. Đó cũng là những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến lợi thế đất vùng gò đồi trên địa bàn huyện chưa được phát huy và mang lại hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, không phải sự lựa chọn nào cũng thuận lợi và con đường nào cũng bằng phẳng. Người nông dân vừa sản xuất với niềm tin, kỳ vọng lớn về “cây giảm nghèo”, vừa bị ám ảnh bởi “cái bóng” giá cả và thị trường tiêu thụ.

Tâm sự với chúng tôi, nhiều hộ dân trồng cây ăn quả lo lắng, khi quy mô diện tích lớn, số lượng sản xuất nhiều trong cùng một lúc, chắc chắn khó có thể tiêu thụ được. Đó là còn chưa nói đến vấn đề “được mùa, mất giá” và ngược lại, mà nông dân là người đầu tiên chịu thiệt thòi. Người nông dân biết điều đó, nhà quản lý cũng biết điều đó. Nhưng để giải quyết được vấn đề nêu trên là không thể dễ, không phải cứ muốn là được.

Một thách thức khác khiến lãnh đạo huyện Tuyên Hóa “chùn bước”, đó là sự tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu với nắng nóng kéo dài liệu có ảnh hưởng đến những loại cây ăn quả nói trên?

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa Đinh Xuân Thương lo lắng: “Đó là một trong những nguyên nhân khiến huyện chủ trương không khuyến khích, nhưng cũng không ngăn cản người dân mở rộng diện tích các loại cây ăn quả. Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu, đưa vào trồng thử nghiệm một số loại cây ăn quả hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm đa dạng hóa các loại cây ăn quả, khắc phục thế độc canh cây có múi đang gặp nhiều trở ngại khách quan như hiện nay”.

Vâng, đó là câu chuyện trước mắt, nhưng câu chuyện lâu dài cũng phải cần được xác định rõ. Trong khi ngành Nông nghiệp đang kêu gọi sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tâm lý “nhỏ là đẹp” đó khó có thể tạo nên sự đột phá nào. Nhận diện khó khăn, thách thức, nhưng làm sao không để nó trở thành vật cản. Bởi vượt qua nó, không chỉ là sự thích ứng, mà còn là cơ hội “đánh thức” tiềm năng, lợi thế riêng có.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập