Chi tiết bài viết

Bước đột phá của Hợp tác xã Nông nghiệp Hóa Sơn

17:12, Thứ Năm, 15-6-2023

Để dần xóa bỏ tư duy sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, bà con nông dân ở xã Hóa Sơn (Minh Hóa) đã chủ động liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hóa Sơn nhằm phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, gắn với hoạt động chế biến, liên kết tiêu thụ... Từ sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy làm ăn sản xuất, HTX Nông nghiệp Hóa Sơn bước đầu đã tạo ra những đột phá mới về hiệu quả kinh tế của nghề nông.

Được UBND xã Hóa Sơn tạo điều kiện đi học tập kiến thức làm ăn sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, vay vốn..., các thành viên HTX Nông nghiệp Hóa Sơn đã liên kết cùng nhau xóa bỏ dần cách thức làm ăn nhỏ lẻ, manh mún theo hộ gia đình. Trên cơ sở 2ha đất trồng lạc hiện có của 15 thành viên, HTX đã tổ chức cho các hộ dân trồng các giống lạc có chất lượng.
 
Quy trình trồng, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch lạc luôn được Ban Quản trị HTX giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện một cách chặt chẽ nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm nông sản lạc Hóa Sơn. Từ năm 2022 đến nay, với năng suất bình quân thu về đạt khoảng 25 tạ/ha/vụ, HTX Nông nghiệp Hóa Sơn đã tổ chức thu gom, chế biến thành sản phẩm Lạc rang tỏi ớt Hóa Sơn để bán ra thị trường. Với cách làm này, hiệu quả kinh tế trên cùng 1 đơn vị diện tích đã được nâng lên đáng kể.
 
Với 200 đàn ong mật hiện có của các thành viên, HTX đã tổ chức cho các hộ dân ký cam kết thực hiện việc nuôi, nhân đàn, thu hoạch sản phẩm mật ong theo đúng quy trình do chính HTX xây dựng.

HTX Nông nghiệp Hóa Sơn mạnh dạn liên kết trồng cây chanh leo, tăng hiệu quả kinh tế

Ông Đinh Minh Tương, thành viên của HTX Nông nghiệp Hóa Sơn phấn khởi cho biết: "Nhờ thực hiện đúng quy trình nuôi ong mật như chọn giống, nhân đàn, sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên, công tác sơ chế, lóng lọc, không sử dụng lần thu hoạch ở lứa đầu tiên mà để lại làm thức ăn cho đàn ong..., hiện nay, giá trị kinh tế từ việc nuôi ong mật theo hướng mới cao hơn cách nuôi truyền thống trước đây rất nhiều. Trước đây nuôi ong theo kiểu truyền thống, thậm chí là bà con đích thân đi lấy nguồn mật ong từ rừng tự nhiên về, bán ra thị trường cũng rất khó khăn, giá cả chỉ đạt từ 200-250 nghìn đồng/lít. Nhiều lúc, do bán sản phẩm mật ong quá rẻ, một số người dân ở địa phương đã "xóa đàn", nghỉ ngơi không nuôi suốt mấy mùa ròng. Bây giờ ong mật được nuôi theo cách mới, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá mỗi lít mật ong của HTX chúng tôi làm ra cũng bán được từ 300-350 nghìn đồng, phấn khởi lắm...".

Ông Bàn Văn Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hóa Sơn nhớ lại: Với sự giúp đỡ tích cực của UBND xã, tháng 8/2022, một số nông dân địa phương (chủ yếu ở thôn Đặng Hóa) đã liên kết cùng nhau để thành lập nên HTX Nông nghiệp Hóa Sơn, với 25 thành viên. Do điều kiện kinh tế của các thành viên đều rất khó khăn nên nguồn vốn hoạt động bước đầu của HTX cũng rất khiêm tốn, chỉ khoảng 700 triệu đồng. Nguồn vốn này chủ yếu được UBND xã Hóa Sơn cùng một số dự án hỗ trợ bằng các phương tiện máy móc, số khác được quy đổi từ các sản phẩm nông nghiệp như lạc, mật ong và một số cây trồng của những thành viên trong HTX...

Nhờ chú trọng làm ăn, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa có chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mới đây, 2 sản phẩm lạc rang tỏi ớt và mật ong của HTX Nông nghiệp Hóa Sơn đã được UBND huyện Minh Hóa đánh giá, xếp hạng sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp huyện. Đây chính là tiền đề thuận lợi nhằm giúp HTX từng bước đưa các sản phẩm có chất lượng vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần mang lại hiệu quả cao về kinh tế, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân nơi vùng rẻo cao còn lắm khó khăn này.

Hoạt động với thời gian chưa dài, nhưng HTX Nông nghiệp Hóa Sơn đã năng động, sáng tạo trong việc mở rộng đầu tư về quy mô, chất lượng sản phẩm và nhu cầu thị trường tiêu thụ. Không chỉ tập trung vào các sản phẩm lạc, mật ong, mới đây, HTX còn ký kết hợp tác với một doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Trị để trồng 2ha cây chanh leo, mật độ khoảng 1.000 gốc/ha. Toàn bộ các sản phẩm chanh leo khi thu hoạch sẽ được doanh nghiệp cam kết thu mua với giá từ 35-40 nghìn đồng/kg. Hiện nay, toàn bộ diện tích trồng cây chanh leo của HTX Nông nghiệp Hóa Sơn đang bước vào thời kỳ ra quả, sắp sửa cho thu hoạch.
       
Sắp tới, UBND xã sẽ tạo điều kiện để HTX tăng thêm số lượng thành viên; mở rộng diện tích trồng lạc, chanh leo và nhân thêm số lượng đàn ong mật; chú trọng phát chăn nuôi gà đồi, lợn rừng...; đẩy mạnh tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa; quan tâm xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, ông Đinh Hồng Tuyên, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn cho biết.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập