Chi tiết bài viết

Giữ màu xanh cho mai sau

11:11, Thứ Hai, 3-7-2023

Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) với hệ sinh thái đặc trưng của rừng trên núi đá vôi đã góp phần quan trọng tạo nên những giá trị nổi bật toàn cầu về đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên. Do đó, công tác bảo vệ rừng (BVR), bảo vệ di sản luôn được quan tâm hàng đầu. Để giữ màu xanh cho di sản, sự vào cuộc tích cực của các cá nhân, cộng đồng dân cư, lực lượng BVR đóng vai trò quan trọng…

Chuyện của Hoàn “bò tót”…
 
Ở thôn 3, xã Xuân Trạch (Bố Trạch) không ai là không biết đến “vua thiện xạ rừng xanh” Nguyễn Văn Hoàn (SN 1961). Ông Hoàn từng lãnh án 48 tháng tù treo và bị phạt 10 triệu đồng vì tội giết chết một con bò tót vào năm 1991. Thế nhưng bây giờ, ông Hoàn đã trở thành cộng tác viên tích cực của VQG PN-KB trong việc hướng dẫn các đoàn chuyên gia trong nước, quốc tế đến nghiên cứu linh trưởng, cây rừng ở PN-KB; đặc biệt ông tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia BVR, bảo vệ di sản...
 
Giữa cái nắng rát bỏng da người, ngồi trong ngôi nhà chưa hoàn thiện nằm sát sân bay Khe Gát, “cựu lâm tặc” khét tiếng một thời ở khắp vùng Phúc-Lâm-Xuân Nguyễn Văn Hoàn tâm sự với chúng tôi có đại ý rằng, con người ta, ai cũng trải qua những sai lầm, chỉ có điều việc nhận ra, sửa chữa và thực hiện nó đến đâu mà thôi...
 
Ông Hoàn kể, năm 1985, ông phục viên trở về quê hương sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Cũng trong năm đó, ông lấy vợ và cất tạm một ngôi nhà để hai vợ chồng sinh sống, lập nghiệp. Ngày ấy, ở vùng đất nghèo Xuân Trạch, người dân sống chủ yếu dựa vào rừng, khai thác gỗ, bẫy và săn bắn thú rừng. Bản thân ông cũng không ngoại lệ.

Ông Nguyễn Văn Hoàn được Vườn thú Cologne và Hội động vật học Frankfurt (Cộng hòa Liên bang Đức) tặng bằng khen

“Trước đây, tôi đi bộ đội làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay Đà Nẵng nên rất giỏi việc tháo lắp súng. Nhiều lần lên núi Chà Nòi, tìm vào những cái hang trên núi, thấy có rất nhiều súng hư hỏng bị phá hủy, tôi tìm những bộ phận còn dùng được về lắp ráp thành một khẩu súng quân dụng, thế là có phương tiện để đi săn, kiếm miếng ăn nuôi sống gia đình…”, ông Hoàn cho hay.
 
Đầu năm 1991, gia đình ông Hoàn khai hoang làm rẫy để trồng lúa trên núi Hà Riềng. Cũng trong năm đó, ông phát hiện có một đàn bò tót chuyên về phá lúa rẫy của gia đình ông và hàng xóm. Vào một đêm tháng 7/1991, sẵn có súng quân dụng trong tay, ông Hoàn đã bắn chết một con bò tót. Sau khi con bò tót bị bắn chết, bà con trong làng lên núi lấy thịt về ăn, đem đi bán, một số người biết sự việc nên báo cho Công an, Kiểm lâm. Thế là 8 ngày sau, ông Hoàn bị Công an huyện Bố Trạch đọc lệnh bắt tại nhà vì vi phạm săn bắn động vật quý hiếm và sử dụng vũ khí quân dụng trái phép. Ông Hoàn bị khởi tố, sau đó, bị tòa tuyên phạt 48 tháng tù treo, nộp phạt 10 triệu đồng…
 
Lúc đó, vợ chồng ông mới ra riêng, nhà cửa chẳng có. Số tiền nộp phạt lại quá lớn, ông Hoàn phải chạy vạy khắp nơi mượn bà con trong xóm để nộp phạt. Trong thời gian chấp hành án phạt, ông Hoàn lại tiếp tục hành nghề “lâm tặc”, khai thác gỗ đưa về xuôi bán lấy tiền trả nợ.
 
“Với tôi, đau đáu với những nỗi niềm riêng của quá khứ trong sự nghiêm túc, chân thành. Nhưng, làm gì để “trả nợ rừng” luôn là bài toán khó với tôi. Bước ngoặt của cuộc đời là khi VQG PN-KB được công nhận là di sản, tôi bắt đầu từ giã công việc khai thác gỗ, săn bắn động vật quý hiếm, được lãnh đạo VQG PN-KB tin tưởng, cảm hóa và giao cho nhiều việc quan trọng góp phần bảo vệ di sản và vùng đệm bình yên hơn. Rành rỏi mọi con đường và thú rừng ở PN-KB, bởi thế, nghe nơi nào có linh trưởng xuất hiện, tôi đều liên hệ dẫn các đoàn lên đường tìm dấu vết, có những chuyến ăn ở trong rừng tận 2 tháng mới về nhà. Hơn nữa, tôi còn là thành viên của nhóm hộ nhận khoán bảo vệ hơn 1.300ha rừng ở thôn 3, xã Xuân Trạch…”, ông Hoàn thông tin.
 
Để rừng thêm xanh...
 
Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB Nguyễn Quang Vĩnh cho biết, khi thành lập đơn vị chỉ có 4 trạm kiểm lâm với 15 người, đến nay, đã có 11 trạm và 2 tổ kiểm lâm cơ động với 128 người; diện tích rừng quản lý tăng từ hơn 85.700ha lên hơn 123.300ha; ngoài ra, còn quản lý hơn 3.000ha rừng phòng hộ, 324ha rừng sản xuất. Vì thế, đơn vị luôn xác định công tác quản lý, BVR là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; chú trọng thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm tra, quản lý, BVR tại gốc; thường xuyên thay đổi cách thức, phương pháp tuần tra, kiểm tra linh hoạt, bí mật, bất ngờ và kịp thời; đồng thời cương quyết bắt, giữ, xử lý các đối tượng vi phạm; việc ứng dụng công nghệ trong công tác BVR ngày càng được cải thiện, nhờ đó mà hiệu quả công tác quản lý tài nguyên không ngừng được nâng cao…
 
Trạm Kiểm lâm Chà Nòi đóng ở chân đèo Đá Đẽo, xã Xuân Trạch được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ hơn 18.700ha rừng tại địa bàn xã Thượng Hóa (Minh Hóa) và Thượng Trạch, Xuân Trạch (Bố Trạch).
 
Phó trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Chà Nòi Lê Phương Đông cho hay, quản lý địa bàn rộng trong khi trạm chỉ có 15 người, trong đó có 9 kiểm lâm và 6 nhân viên hợp đồng BVR nên cán bộ, nhân viên phải cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ...

Hoàn “bò tót” kể về những kỷ niệm dẫn các đoàn nghiên cứu khám phá rừng Phong Nha-Kẻ Bàng

“Dù được quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, nhưng các chốt kiểm tra, kiểm soát BVR vẫn còn tạm bợ, thiếu nước, điện và thông tin liên lạc, do đó, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Dù khó khăn, nhưng mỗi cán bộ, nhân viên của trạm đã xác định nhiệm vụ, vượt qua áp lực, nỗ lực trong mọi tình huống; đồng thời, lồng ghép tuyên truyền BVR, bảo vệ di sản…”, Phó trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Chà Nòi chia sẻ.
 
Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG PN-KB Nguyễn Quang Vĩnh cho biết thêm, để BVR di sản bền vững, đơn vị đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền BVR, bảo tồn đa dạng sinh học và chú trọng triển khai thực hiện thông qua nhiều hình thức. Bên cạnh đó, tích cực triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm. Nhờ vậy, công tác BVR đạt được nhiều kết quả tích cực, chất lượng rừng không ngừng được nâng cao.
 
Đến nay, VQG PN-KB đã thành lập 18 tổ xung kích ở các thôn, bản; 33 tổ BVR, 21 nhóm bảo tồn thôn, bản trên địa bàn 9 xã vùng đệm; ký hợp đồng khoán BVR với 11 tổ BVR, 28 nhóm hộ và 1 cộng đồng; thực hiện hỗ trợ và chuyển giao các mô hình sản xuất phù hợp nhằm từng bước giảm áp lực của người dân lên tài nguyên di sản, như: Cung cấp, hỗ trợ 122.500 cây giống các loại; 311 con lợn giống; 61 con bò giống; 60 con dê giống, 14.700 còn gà giống, trên 100 đàn ong giống cho 38 lượt thôn bản vùng đệm để phát triển các mô hình sinh kế…
 
“VQG PN-KB là một khu rừng đặc dụng có diện tích rộng lớn, địa hình hiểm trở nên công tác tuần tra, bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đói nghèo, lạc hậu và tập quán sinh sống của người dân vùng đệm VQG đã ảnh hưởng lớn tới công tác quản lý và bảo tồn di sản; tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ, bẫy bắt động vật hoang dã vẫn còn xảy ra; cơ sở vật chất phục vụ cho công tác BVR còn thiếu…”, ông Nguyễn Quang Vĩnh cho biết thêm.
 
20 năm qua, VQG PN-KB đã tổ chức được hơn 41.000 đợt tuần tra, quản lý, BVR và giám sát đa dạng sinh học; phát hiện và tháo gỡ hơn 42.500 sợi dây bẫy; phá hủy hơn 579 lán trại; đẩy đuổi hơn 4.100 lượt người xâm nhập trái phép; phát hiện và ra quyết định xử lý hơn 2.400 vụ vi phạm hành chính; khởi tố 19 vụ án hình sự; tổ chức hơn 1.500 đợt tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật với sự tham gia của hơn 29.600 lượt người dân…

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập