Chi tiết bài viết

Chị Hồ Thị Thoi - một cán bộ phụ nữ năng động

16:54, Thứ Tư, 22-9-2010

Trọng Hóa là xã biên giới, rẻo cao xếp vào diện đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Minh Hóa. Toàn xã có hơn 600 hộ với gần 3.600 khẩu gồm các tộc người Khùa, Mày, Sách, Mã Liềng thuộc dân tộc Chút và người Bru Vân Kiều. Từ chỗ có 100% hộ đói, nay xã đã giảm xuống còn 90% hộ nghèo. Bên cạnh sự quan tâm từ Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và các đoàn thể trên địa bàn, Hội Phụ nữ xã Trọng Hóa đóng vai trò không nhỏ trong quá trình xóa đói giảm nghèo. Đi đầu trong cuộc chiến với đói nghèo là chị Hồ Thị Thoi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trọng Hóa.

Sinh ra và lớn lên ở một xã đặc biệt khó khăn, vì hoàn cảnh gia đình, chị Hồ Thị Thoi không được theo học đến nơi, đến chốn. Năm 2001, học hết lớp 8, Hồ Thị Thoi được UBND xã cử đi học lớp y tế thôn bản. Học xong Hồ Thị Thoi được phân công làm y tá bản Rôông, với nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào ở đây. Năm 2002, chị Thoi lập gia đình. Tuy bận bịu con nhỏ, nhưng với lòng nhiệt tình và sự gương mẫu của đảng viên, Hồ Thị Thoi được chị em tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Được chồng và gia đình tạo điều kiện, Hồ Thị Thoi càng hết lòng với công việc. Và đến năm 2006, chị Thoi chính thức đảm nhận chức danh Chủ tịch Hội Phụ nữ để gánh vác những trọng trách nặng nề hơn.

Hội Phụ nữ xã Trọng Hóa hiện có 365 hội viên, sinh hoạt tại 5 chi hội và 11 tổ phụ nữ. Với đặc thù là xã biên giới rẻo cao, lại chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người nên trình độ dân trí của hội viên thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Với vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, Hồ Thị Thoi luôn trăn trở tìm hướng thoát nghèo cho hội viên phụ nữ trong xã. Việc đầu tiên là chị tập hợp tất cả chị em vào Hội, sau đó tuyên truyền cho chị em hiểu về Điều lệ Hội, cũng như quyền lợi của hội viên phụ nữ. Tiếp theo đó, chị đã xin các dự án vùng đồng bào dân tộc cho chị em tham gia, như trồng rừng, chăn nuôi. Năm 2007, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa cho mỗi hội viên Hội Phụ nữ xã Trọng Hóa được vay 5 triệu đồng với lãi suất 0%. Trước khi nguồn vốn đến tay hội viên, chị Hồ Thị Thoi yêu cầu hội viên chỉ được vay vốn để mua giống cây trồng và giống chăn nuôi. Nhờ vậy hội viên phụ nữ đã tập trung vốn vay để mua giống trâu, giống bò về chăn nuôi. Từ nguồn vốn ban đầu chỉ 5 triệu đồng, đến nay nhiều chị đã phát triển được 5 đến 6 con trâu, bò.
Thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, chị đã tích cực vận động chị em trong xã trồng lúa nước. Đây là cây trồng rất mới mẻ ở Trọng Hóa, nhưng với lòng nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ, chị vừa trồng lúa nước cho gia đình mình, vừa hướng dẫn hội viên cùng làm. Đến nay, Trọng Hóa đã phát triển được 3 héc ta lúa nước. Chị Hồ Thị Thoi tâm sự: ’’Để chị em tin tưởng và trồng được lúa nước, thì đầu tiên tôi xin nhận mô hình lúa nước cho gia đình mình. Thấy tôi tích cực, chị em ai cũng hỏi han cách làm, sau đó tôi vận động chị em tập trung đào ruộng cho bằng phẳng, hướng dẫn chị em gom phân chuồng để bón cho nó tốt. Tôi đề nghị Ủy ban xã mở 2 lớp tập huấn, mời kỹ thuật ở huyện lên hướng dẫn cách trồng lúa nước. Tôi tiếp tục đề nghị Ủy ban cho các chị đi tham quan, khi đi tham quan về là chị em tập trung làm. Bây giờ chị em đều biết cách làm rồi, họ rất tích cực, hăng hái về làm ruộng lúa nước’’.

Trồng được lúa nước, nhiều gia đình hội viên không bị đói đứt bữa như trước đây. Điều quan trọng là thay đổi tập quán sản xuất để chị em tự tạo lập cuộc sống gia đình ổn định. Vui trong ngày xuống đồng thu hoạch, chị em vẫn không quên những ngày đầu gian khổ khi chị Thoi về các bản tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chị em. Chị Hồ Thị Đằm, Bản La Trọng, Trọng Hoá, Minh Hoá cho biết: ’’Trước đây chúng tôi chưa có lúa nước để trồng, chỉ biết làm cái nương cái rẫy mà sống thôi. Bây giờ được sự quan tâm của các cấp chính quyền, của địa phương, đặc biệt là sự quan tâm, giúp đỡ của chị Thoi trong việc hướng dẫn chị em trong cách làm lúa nước. Bây giờ chúng tôi có được lúa, được lương thực, không sợ đói, không sợ khổ nữa rồi".

Với vai trò và trách nhiệm của mình, chị Hồ Thị Thoi luôn hoàn thành tốt công việc chuyên môn được giao, được cấp uỷ chính quyền địa phương và Hội Phụ nữ cấp trên đánh giá cao. Phong trào hoạt động của Hội Phụ nữ xã Trọng Hoá 3 năm liền được Hội Phụ nữ huyện khen tặng. Riêng Chủ tịch Hồ Thị Thoi, luôn được công nhận là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều lần được Hội LHPN huyện Minh Hoá, Hội LHPN tỉnh biểu dương khen thưởng. Chính nhờ công lao đóng góp của chị, mà cuộc sống người dân tại xã đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Đến nay có 80 hộ gia đình hội viên thoát nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Nhận xét về chị Hồ Thị Thoi, ông Hồ Phin, Bí thư Đảng uỷ xã Trọng Hóa nói: ’’Phát huy tinh thần gương mẫu của đảng viên, đồng chí Hồ Thị Thoi luôn cố gắng trong mọi hoạt động của Hội. Khi giao cho đồng chí Thoi bất cứ công việc gì, Đảng ủy cũng yên tâm và tin tưởng đồng chí Thoi sẽ hoàn thành. Từ việc vận động chị em hội viên chăn nuôi, trồng rừng đến trồng cây lúa nước... đồng chí Hồ Thị Thoi đã làm tốt tất cả mọi việc, nhờ vậy mà công tác Hội Phụ nữ xã đã có nhiều thay đổi. Đảng ủy chính quyền xã luôn ghi nhận công lao của đồng chí Thoi’’.

Trên vùng đất nghèo khó như Trọng Hoá, có một cán bộ người dân tộc với tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình, năng nổ như chị Hồ Thị Thoi, quả là một điều đáng quý. Bởi theo chị, ở một xã vùng cao, mặt bằng dân trí, đời sống của người dân còn nghèo, mình là cán bộ trẻ, lại là đảng viên cần phải gương mẫu trong mọi hoạt động để giúp đồng bào phát triển sản xuất, từng bước đưa bản làng ngày một đổi thay.

Báo QB số 184 - 2010

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập