Chi tiết bài viết

"Bàn tay vàng" của một người thợ trẻ

8:30, Thứ Tư, 8-9-2010

Một lần tình cờ ''mục sở thị" bộ bàn ghế gỗ hương cao cấp được chạm khắc tinh xảo có trị giá gần 100 triệu đồng tại nhà một "đại gia'' ở Đồng Hới, tôi không khỏi tò mò.

Theo lời giới thiệu của chủ nhân, tôi đã tìm về thôn Phúc Mỹ, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh để tìm gặp Nguyễn Ngọc Hân, người thợ trẻ mới ngoài 20 tuổi nhưng đã chạm khắc được hàng chục bộ bàn ghế cao cấp và hàng trăm bức tượng sống động đủ các loại hình thù khác nhau. Hân còn được giới thợ chạm và người chơi đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp trong vùng phong là người thợ trẻ có "bàn tay vàng''.

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại thôn Phúc Mỹ, do không có điều kiện để theo học lên cao, lại đam mê mỹ thuật và chạm khắc gỗ, nên sau khi tốt nghiệp THCS, Nguyễn Ngọc Hân đã quyết định ở nhà để học nghề kiếm sống. Năm 2006, Hân đã trúng tuyển và theo học nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại Trường Trung cấp nghề Quảng Bình. Ngoài những kiến thức đã được học tập ở trường, Hân còn dành nhiều thời gian để tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo ra được nhiều mẫu mã chạm khắc mới, độc đáo. Sau khi tốt nghiệp, có tay nghề vững vàng, Hân đã được nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trong và ngoài tỉnh mời về làm việc với mức thu nhập tương đối ổn định, và Hân đã đầu quân cho một số doanh nghiệp đang "ăn nên làm ra" ở Lệ Thủy, Quảng Trị và ở nước bạn Lào.

Lúc còn làm việc tại các doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, công việc chính của Nguyễn Ngọc Hân được giao là thực hiện các khâu chạm khắc những bộ phận, những hình thù tinh xảo ở các bộ bàn ghế, các sản phẩm tủ, bàn, lọ hoa và những bức tượng cao cấp dùng để trang trí... Chỉ trong vòng 3 năm (từ 2007 đến nay), Nguyễn Ngọc Hân đã tham gia chế tác và chạm được 50 bộ bàn ghế được làm từ những bộ rễ cây do những người có thu nhập cao đặt hàng, trong đó có nhiều bộ có trị giá từ 70 - 120 triệu đồng. Theo Nguyễn Ngọc Hân, nhờ được chế tác, chạm khắc trên nhiều bộ rễ cây lớn, nên những người thợ có cơ hội để thể hiện sức sáng tạo của riêng mình, do vậy mỗi bộ bàn ghế được chế tác ra đều có phong cách độc đáo riêng, trở thành thứ ''hàng độc'' trên thị trường, không bao giờ lặp lại, nên rất được khách hàng ưa chuộng. Không chỉ chạm khắc và sản xuất những bộ bàn ghế tinh xảo độc đáo, khi được khách hàng yêu cầu, Hân còn tranh thủ thời gian chạm khắc được nhiều lọ hoa, lư hương và các loại tượng gỗ có hình dáng, hoa văn độc đáo như tượng Phật, tượng thiếu nữ, tượng Đức mẹ Maria, tượng Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi, Tào Tháo... Tất cả những bức tượng này luôn được khách hàng tìm mua.

Nhà Hân rất nghèo, ngoài mấy sào ruộng khoán, bố mẹ cũng chẳng có nghề nghiệp và nguồn thu nào khác, nên chính những đồng tiền Hân kiếm được bằng nghề chạm khắc của mình đã trở nguồn thu nhập chính cho cả gia đình. Rồi chị của Hân bị mắc bệnh nặng, bao nhiêu tiền thuốc thang, chạy chữa cũng do một tay Hân chu cấp. Vì gánh nặng kinh tế, nên tất cả những sản phẩm làm ra, Hân không có đủ điều kiện để cất giữ cho riêng mình, mà tất cả đã được bán cho khách hàng để có thêm thu nhập.

Tuy có công ăn việc làm và thu nhập ổn định, nhưng Nguyễn Ngọc Hân vẫn chưa bằng lòng với bản thân nên đã quyết định nghỉ việc để về nhà tự mày mò, học tập, sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới với mong muốn thành lập xưởng riêng. Tin rằng Hân sẽ thành công, bởi vì ngoài nhu cầu kiếm tiền để phụ giúp kinh tế gia đình, ở Nguyễn Ngọc Hân còn có một niềm say mê điêu khắc, say mê sáng tạo cháy bỏng.

Báo QB số 174 - 2010

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập