Chi tiết bài viết

Nghị lực của một chàng trai bất hạnh

17:7, Thứ Sáu, 13-8-2010

Hơn 20 năm trước, di chứng của một vụ tai nạn bom mìn đã làm cho anh bị vôi hóa xương chân, cột sống, xương chậu bị dính háng, cơ chân bị teo, cơ thể không thể cử động được. Dù tấm thân đã tàn phế, nhưng với một nghị lực phi thường, Lê Trường Giang (ở thôn Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) đã quyết tâm luyện tập. Không chỉ đi lại được, phụ giúp cho gia đình công việc chăn bò, mà anh còn chạm khắc hàng chục tác phẩm điêu khắc bằng đá...

TUỔI THƠ CÒN LẠI NỖI ĐAU

Cũng như bao đứa trẻ con nhà nghèo khác sinh ra và lớn lên ở vùng quê bên con sông Đại Giang, từ lúc chập chững biết đi, cậu bé Lê Trường Giang đã biết lùa đàn bò ra dọc bờ sông ăn cỏ, rồi cùng chúng bạn bày những trò chơi nghịch ngợm... Chưa bao giờ cậu bé Giang nghe nói đến bom bi là gì và càng không hiểu được sự nguy hiểm chết người của nó.

Một góc nhà - nơi Giang trưng bày các tác phẩm điêu khắc của mình

“Sau này, khi tui bị tai nạn, bố tui kể, cùng với các xã lân cận, Vĩnh Ninh quê tui trong chiến tranh là một vùng tọa độ lửa mà máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá. Phía trên là bến phà Long Đại, còn phía dưới là bến phà Quán Hàu mà trong những năm 1965 - 1968 hầu như bị bom Mỹ rải thảm xuống suốt ngày đêm, hòng ngăn chặn những chuyến hàng vận tải từ miền Bắc chi viện cho miền Nam. Trong vùng, sau chiến tranh, mỗi khi cày, cuốc đất khai hoang trồng lúa, trồng khoai, người dân cũng thường gặp nhiều quả bom bi nhỏ bằng nắm tay, rỉ sét, nhưng có thể phát nổ nếu có ai đó gõ vào. Vào một ngày cuối năm 1989, khi tui tròn 9 tuổi, trong một lần lùa đàn bò lên chăn ở vùng Cồn Rin cách đó không xa, tui cùng mấy đứa bạn nhặt quả bom bi có màu sắc xanh lè còn sót lại trên đất gõ chơi. Bùm một tiếng... không may bom nổ làm tui bị thương nặng và tàn phế như bây giờ”.

Sau khi bị thương, Giang được gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi và bệnh tình đã ổn định trở lại. Từ đó, hàng ngày sau giờ đến trường anh lại phụ giúp gia đình công việc chăn bò để tăng thêm thu nhập. Năm 1994, khi đang học lớp 9, bệnh tình của Giang đột nhiên tái phát, làm cho toàn thân cậu đau nhức, các khớp xương trên nhiều bộ phận như tay, chân, hông, lưng càng ngày rất khó cử động, việc đi lại và sinh hoạt hết sức khó khăn, cậu chỉ đứng chứ không thể ngồi xuống được. Các bác sĩ kết luận là Giang bị xương chậu dính háng, teo cơ chân và thoái hóa cột sống...

NGHỊ LỰC SỐNG

“Đang khỏe mạnh bỗng dưng trở thành một người thừa và phải nằm liệt giường, lúc đầu tui cũng buồn rầu và tủi phận lắm. Tui buồn nhất là từ đây sẽ không còn được đến trường theo các bạn và ước mơ làm một nhà điêu khắc không còn cơ hội trở thành hiện thực...”.

Ông Lê Hải Hưng, bố của Giang nhớ lại: “Sau khi bệnh phát, hôm nào hắn cũng khóc. Vợ chồng tôi, hàng xóm láng giềng và cả thầy cô, bè bạn ở trường ai cũng thương, động viên... Thời gian đó trông hắn tiều tuỵ đến tội nghiệp. Đôi lúc tôi sợ hắn tủi quá hóa liều, nên thường lấy những câu chuyện, những tấm gương vượt khó của những người bệnh tật biết vượt lên hoàn cảnh để sống có ích trên sách báo, trên truyền hình kể cho Giang nghe... Như mưa dầm thấm lâu, dần dà hắn đã chịu ăn uống, thuốc thang điều độ và bắt đầu tập đi...”.

Những tác phẩm nghệ thuật do Giang tạo ra trong
những ngày tháng khổ luyện



“Vốn nằm liệt giường lâu ngày, khi quyết định đứng dậy tập đi, khắp người tui đau nhức lắm không khác chi lúc bị bom. Xương khớp lâu ngày nằm một chỗ hôm nớ khi tui cử động lại cứ kêu răng rắc...” - Giang nhớ lại.

Bà Ngô Thị Gion, mẹ của Giang rơm rớm nước mắt vì thương con: “Sáng mô cũng rứa, hắn dậy sớm hơn mọi người rồi tập cử động các khớp xương từ cổ xuống lưng, hông, hai cánh tay và khớp bàn chân. Dần dần hắn đã cử động được cái đầu, hai cánh tay và đôi chân, còn ở lưng thì đành chịu”.

Buổi sáng Giang ngủ dậy sớm hơn mọi người trong nhà và bắt đầu men theo thành giường, tủ, tường nhà và tập đi. Từ một, hai bước đầu tiên, đến nay Lê Trường Giang đã có thể đi lại được, tuy chưa vững chãi lắm. Tuy nhiên, vì xương sống, xương đùi và xương đến đỉnh đầu bị vôi hóa tạo thành một đường thẳng cố định không thể cử động được, nên Giang không thể khom lưng để ngồi; mỗi khi quá mỏi chân, anh chỉ có thể dựa vào thành ghế mà thôi.

Khi đã đi lại được, Giang nói bố sắm cho anh một chiếc xe đạp và một cái gậy. Hàng ngày, Giang ngồi sau phocbaga, một tay cầm ghi đông, một tay chống gậy đẩy xe lùa đàn bò đi ăn cỏ. Và chính những ngày tháng đó, tình yêu nghệ thuật trong Giang đã có dịp thăng hoa...

THĂNG HOA VỚI SÁNG TÁC

“Lúc đầu mỗi lần đi chăn bò, tui thường cầm theo một cái liềm và mấy cái sáp ong để chạm khắc những hình thù mà mình tự nghĩ ra. Dần dần thấy ở ven chân núi nơi thả bò có nhiều miếng đá phấn, đá non hình thù kỳ quái là tui nhặt về và tưởng tượng ra các hình thù đã nhìn thấy trên tranh ảnh, sách vở rồi lấy cái liềm, cây dao gọt, cắt trưng bày góc nhà cho vui...”. Hàng ngày, Giang ra cây khế - nơi có một cái hốc cao ngang ngực, anh buộc miếng đá phấn vào đó và đứng tựa vào gốc cây (vì anh không thể ngồi được) dùng cây liềm, cây đục để sáng tạo tác phẩm.

Từ năm 2006 đến nay, Lê Trường Giang tạc được trên 50 pho tượng có kích cỡ vừa và nhỏ như bức tượng về Bác Hồ, Thánh Gióng, Đức mẹ Maria, ông lão chăn trâu... Tất cả trông thật sống động, chẳng khác gì tượng do các nhà điêu khắc chuyên nghiệp làm ra. Số lượng sản xuất ra ngày càng nhiều và có một vài người muốn mua tượng, nhưng Giang cho rằng tượng chưa được đẹp, nên anh chỉ dành cho anh mà thôi... Và với Giang, gian nhà trưng bày những “đứa con tinh thần” của anh và cây khế - cái “xưởng nhỏ” nơi cho những tác phẩm nghệ thuật của anh ra đời là tài sản quý giá nhất...

Giang tâm sự rằng, anh ước mơ được đi học nghề điêu khắc để có một cái nghề tự nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, đến nay ước mơ của anh cũng chỉ là ước mơ vì hoàn cảnh gia đình bố mẹ rất nghèo, sức khỏe của anh còn rất yếu, cứ trái gió trở trời là lại lên cơn đau nhức. Nhưng anh vẫn cố sống và sáng tác.

ĐINH VĂN PHÚC
(Báo Công an Thành Phố Hồ Chí Minh)

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập