Chi tiết bài viết

Một gia đình chính sách gương mẫu

16:49, Thứ Sáu, 6-8-2010

Đó là gia đình ông Tưởng Xuân Thuận và bà Lê Thị Chạm, ở thôn Phú Lộc 4, xã Quảng Phú (Quảng Trạch).

Sinh năm 1943, khi Thuận tròn 20 tuổi thì người anh trai Tưởng Xuân Thảo hy sinh tại Mặt trận phía Nam. Năm 1965, vừa tổ chức thành hôn được 17 ngày, Thuận tạm biệt quê hương lên đường nhập ngũ, hai năm sau ông được kết nạp vào Đảng tại chiến trường B5. Đầu năm 1968, bà Dương Thị Thuỳ vợ ông cũng xin phép bố mẹ chồng tham gia dân công hoả tuyến. Cuối năm 1969, khi đang cùng đơn vị E39 - QK Tả Ngạn chiến đấu ở nước bạn Lào, ông Thuận nhận được tin vợ mình đã hy sinh tại mặt trận Quảng Trị. Kìm nén nỗi đau, ông hăng hái lập công để trả thù cho anh trai cùng người vợ yêu quý... Hơn 10 năm lăn lộn ở chiến trường B, C, cuối năm 1975 ông được phục viên. Là quân nhân, là Đảng viên, về quê hương trong điều kiện khó khăn, cha mẹ già yếu không có người giúp đỡ, một năm sau ông Thuận xây dựng gia đình lần thứ hai...

Bà Lê Thị Chạm (sinh năm 1951), sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp sư phạm Quảng Bình, bà Chạm xung phong lên nhận công tác tại Trường cấp l xã Hưng Trạch (Bố Trạch). Lúc này người yêu của bà, ông Lê Văn Hân là chiến sĩ thuộc đơn vị E241 - F367 đang chiến đấu ở chiến trường B. Năm 1970, sau khi hai người làm lễ cưới, ông Hân lên đường trở lại đơn vị. Tháng 7-1972, trong một đợt tấn công địch, ông Hân đã hy sinh anh dũng. Hai tháng sau người anh trai của bà là Lê Văn Khấu cũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Sự mất mát đã làm cho sức khoẻ của cô giáo 21 tuổi giảm sút hẳn nhưng không vì thế mà ảnh hưởng tới công tác. Được chuyển về huyện nhà, bà tình nguyện lên dạy học tại xã Quảng Hợp, tiếp đến là xã Quảng Đông, những địa phương thuộc vùng khó khăn của huyện Quảng Trạch. Năm 1976, bà gặp ông Thuận, thông cảm hoàn cảnh của nhau, Tưởng Xuân Thuận và cô giáo Lê Thị Chạm đã cùng nhau lập nên gia đình mới...

Được bầu vào BCH Đảng uỷ xã Quảng Phú hai nhiệm kỳ, mặc dù bệnh sốt rét còn hành hạ cơ thể, nhưng ông Tưởng Xuân Thuận đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Về kinh tế, ngoài nghề làm muối ông còn tích cực trồng trọt và chăn nuôi, tăng thêm thu nhập để bảo đảm cuộc sống gia đình và nuôi dạy các con ăn học. Đến nay, cô giáo Lê Thị Chạm có gần 38 năm dạy học, và đã nghỉ hưu năm 2006. Ông Thuận là bệnh binh hạng 2/3, họ có với nhau 3 người con. Con trai của ông bà là bộ đội hải quân đã hoàn thành nghĩa vụ hai con gái đều là giáo viên như nghề của mẹ. Hiện ông bà đã có 4 cháu nội, ngoại, không khí gia đình luôn ấm cúng, hạnh phúc; cả bố con, dâu rể có 5 người là Đảng viên. Tuy không có sức khoẻ để ''ăn to làm lớn'', nhưng ông bà đã xác định ''tập trung tất cả lo cho các con, làm chỗ dựa tinh thần, hỗ trợ cho các con phấn đấu''. Ngoài ra, ông bà còn tư vấn kinh nghiệm và góp vốn cùng con cháu mở xưởng sản xuất nước đá sạch và nước uống tinh khiết đóng chai hiệu "Sông Thai" tại nhà riêng. Tổng kinh phí lắp đặt xưởng máy và sắm xe ô tô để phân phối sản phẩm trị giá trên 1,5 tỷ đồng. Ngoài nhân lực trong gia đình, cơ sở của ông Thuận còn tạo thêm việc làm cho 5-6 lao động với mức thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng.

Một người lính có vợ là liệt sĩ, một cô giáo có chồng là liệt sĩ, hai người cũng đều có anh trai là liệt sĩ. Vượt qua nỗi đau về sự thiệt thòi, mất mát, họ đã biết tìm đến nhau, biết sẻ chia, an ủi, động viên nhau để đi lên. Là một gia đình có công với nước, ông bà đã thực sự học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác kính yêu.

Báo QB số 153-2010

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập