Chi tiết bài viết

Thầy giáo Bản Dốc Mây

11:35, Thứ Tư, 28-7-2010

Chiều Dốc Mây buồn hoang hoải. Con đường từ Bản Dốc Mây về Đồn Biên phòng Làng Mô (Đồn 597, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) với anh Trần Hữu Chung mọi ngày thật thân quen mà sao hôm nay bỗng xa dịu vợi. Chân anh đạp lên đá tai mèo sắc nhọn, bước trên dốc đá mà như hẫng hụt. Bước chân thắc thỏm, lòng dạ bồn chồn như lửa đốt, chỉ mong sao mọc thêm đôi cánh bay về nhà. Nơi đó có người vợ thương yêu của anh đang chờ đợi. Trái tim cô cũng thoi thóp chờ đợi để đập những nhịp cuối cùng...

Sau hơn 3 tiếng rưỡi đồng hồ đi bộ vượt dốc, anh Chung về tới Đồn 597. Nhìn sắc mặt tái nhợt và ánh mắt khắc khoải vì lo lắng của anh, lãnh đạo đồn cử thêm 2 chiến sĩ nữa đi cùng. Họ phải mất thêm 2 giờ chạy xe đường rừng mới về tới xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Kim đồng hồ chỉ đúng 8 giờ tối. Vợ anh không chờ được đã trút hơi thở cuối cùng trước đó hơn 2 tiếng đồng hồ.

Nghe hàng xóm kể lại, buổi sáng, chị có triệu chứng xuất huyết dưới da. Buổi chiều vỡ mạch máu. Mấy người hàng xóm chở ra Bệnh viện Huế. Cuối giờ chiều bệnh viện trả về. Về nhà được nửa giờ đồng hồ thì chị mất. Khi anh trở về, chỉ còn 2 đứa trẻ ngồi ôm xác mẹ.

Ngay đêm hôm đó, cùng với sự hỗ trợ của 2 đồng đội, anh thu xếp mọi chuyện: Mua áo quan, khâm liệm, tổ chức tang lễ, làm cơm mời họ hàng... Chôn cất vợ xong, anh khóa cửa căn nhà, một tay dắt đứa lớn 10 tuổi, một tay bồng đứa nhỏ 3 tuổi, trở về đơn vị.

Thượng úy Trần Hữu Chung dạy 2 con học trên chiếc giường cũ - tài sản có giá trị nhất của 3 bố con anh. Ảnh: Mai Hương

Người Dốc Mây tin anh

Chuyện xảy ra cách đây đã 2 năm. Lý do khiến anh Chung gắn bó với đồn biên phòng xa xôi nhất của tỉnh Quảng Bình cũng rất đặc biệt: Năm 2005, vợ anh phát bệnh ung thư máu. Đang phục vụ ở Đồn Nhật Lệ, lãnh đạo cảm thông hoàn cảnh khó khăn nên đưa anh về Đồn 597 để có thêm khoản trợ cấp vùng sâu vùng xa lo thuốc thang cho vợ. Vậy là anh đi…

Nhớ lại ngày đầu dạy học, anh kể: “Cái khó đầu tiên là mình không biết tiếng nói của đồng bào. Học để nghe, để giao tiếp thông thường còn dễ, chứ học để làm thầy thì không phải chuyện đùa. Có một cách duy nhất để học tiếng dân tộc là… học thuộc lòng vì đồng bào không có chữ viết”.

Năm học thứ nhất, thầy chưa rành tiếng học trò. May mà sách giáo khoa có hình vẽ. Từ nào không biết, không diễn tả được, thầy lại chỉ vào hình. Sang đến năm học thứ 2, thứ 3, thầy đã nói sành tiếng của trò, còn trò thì rành tiếng Kinh.

Lớp học ở chốn núi rừng này rất “linh động”: Trẻ từ 6-14 tuổi học lớp ngày. Từ 14-45 tuổi học ca đêm. Ban ngày đi rẫy, ban đêm còn phải đi học, có những bà mẹ địu con tới lớp được ít ngày rồi thôi. Có em vừa được thầy vận động ra lớp rồi trốn biệt. Không biết bao nhiêu đêm, thầy giáo cầm đèn, đốt đuốc tìm đến nhà của từng em để vận động ra lớp.

Chiếc cặp mang theo đi dạy hàng ngày của thầy Chung có thể coi là một cửa hàng tạp hóa di động. Ngoài đồ dùng dạy học, còn có cả kim, chỉ, kẹo, bánh, dụng cụ sơ cấp cứu, các loại thuốc, cả khăn lông, xà bông, cây dao, chiếc kéo… Nhiều khi, trong đó còn có thêm cái quần, tấm áo sứt chỉ đã được khâu vá cẩn thận. Bản xa, trường xa mà học trò thì nghèo xơ xác.

Nhiều hôm lên lớp, học trò đói lả, mặt xanh như tàu lá là lại trông chờ vào chiếc cặp cứu đói của thầy. Có bữa, đứng trên bục giảng nhìn xuống thấy học trò áo rách, quần đứt nút, tuột chỉ, thầy lại lôi kim chỉ ra khâu. Hôm khác, thấy nhiều cu cậu bẩn quá, thầy Chung kéo hết ra cái giếng gần trường rồi cứ thế lấy xà bông kì cọ, tắm rửa cho từng đứa.

Đứa nào tóc dài, thầy làm thợ cắt tóc. Đứa nào bị chấy, thầy làm thợ gội đầu. Đang học mà nhức đầu đau bụng, học trò cũng ới thầy. Hôm nào gặp cái áo rách quá, thầy xếp vào cặp, hẹn học trò bữa sau “giao hàng”. Và đêm hôm đó, sau khi soạn bài xong, bên ngọn đèn dầu mờ tỏ, người đàn ông mồ côi vợ cặm cụi ngồi vá áo.

Anh cười: “Mình chẳng những mang thuốc chữa cho học sinh mà còn chữa cho cả phụ huynh nữa. Có nhiều ông bố bà mẹ đi rẫy bị đau bệnh cũng tìm đến lớp học để xin thuốc. Dốc Mây không có trạm xá, người dân chỉ biết trông vào bộ đội biên phòng”. Năm nào cũng vậy, đến kỳ nghỉ hè, bộ đội Chung lại giúp dân làm chuồng gà, chuồng heo, cùng đi ra đồng, cùng đi lên rẫy. Người Dốc Mây xem anh như người nhà. Người Dốc Mây tin anh.

Hễ có lệnh, mình lại lên đường

Lãnh đạo đồn thu xếp cho 3 bố con anh Chung ở tạm trong một gian phòng nhỏ. Mới đây, thương cảnh gà trống nuôi con, đơn vị rút anh về công tác tại một bản gần đồn, sáng đi tối về để còn kịp đưa đón, nấu ăn, tắm rửa, dạy thêm và vỗ giấc ngủ cho 2 con.

Thầy Chung không dạy chữ ở Dốc Mây nữa, người già, con nít Dốc Mây ngơ ngẩn buồn. Nhớ hôm tổng kết năm học, thầy Chung chính thức nói lời chia tay Dốc Mây, các em học sinh và cả phụ huynh đã cùng lần lượt hát tất cả những bài hát thầy đã dạy. Vừa hát, các em vừa lội rừng theo chân thầy về tận đồn biên phòng. Về đến đồn, cả tốp đứng lại rồi òa khóc.

“Đầu năm 2010, có dịp đi công tác lên bản Pờ Le rồi Dốc Mây, tôi hay tin có 14 em học sinh bỏ học. Xem tên, xem tuổi, biết đó là học trò của mình, tôi xót quá nên ghé từng nhà nói chuyện với bố mẹ chúng. Sau lần đó, phụ huynh đồng ý cho con đi học lại”, anh kể. Mấy ngày sau, đích thân trưởng bản đi bộ xuống đồn xin cho thầy Chung về tiếp tục dạy học.

Hồi còn ở Dốc Mây, anh bị sỏi thận hành đau buốt, đau đến 2 ngày không khỏi. Thấy thầy không tới lớp, phụ huynh quyết định mang cáng tới khiêng thầy về xã. “Họ đi một đoàn 12 người, luân phiên nhau khiêng. Đường đi trồi sụt, khấp khểnh nhưng chưa một lần chiếc cáng bị đặt xuống đất. Những tình cảm đó của bà con và các em học sinh khiến tôi thấy nặng lòng. Đợt này, nếu lãnh đạo đồn phân công, tôi sẵn sàng trở lại Dốc Mây. Làm người lính, hễ có lệnh, mình lại lên đường. Nếu không sắp xếp được nơi gửi con, tôi sẽ mang 2 cháu đi cùng”, anh nói, giọng đầy quyết tâm.

Căn phòng của 3 bố con thầy giáo Chung rộng chưa đầy 10m², có cái tủ quần áo cũ bị sứt cửa, bên trong lèo tèo vài bộ đồ trẻ con. Chiếc bàn trên bày một cái bếp ga, mấy thùng mì tôm, một ít chén dĩa. Trên tường treo mấy cái xoong nồi, bình nước đi học và tấm hình cưới của hai vợ chồng.

Khoảng trống còn lại vừa khít để kê một chiếc giường. Đó đồng thời là nơi học bài và chơi đùa của 2 đứa trẻ. Đó cũng là chỗ nằm của 3 bố con mỗi tối. Giường chật mà sao vẫn thấy trống phía trong, nằm ấm mà thao thức…

Đoàn Mai Hương
(Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG)

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập