Chi tiết bài viết

“Hiệp hội trang trại lợn”

21:34, Thứ Bảy, 24-7-2010

Một phụ nữ 35 tuổi, có trong tay gia sản tiền tỷ, giúp đỡ hơn 3000 hộ nghèo, mỗi năm giúp nông dân miền cát Quảng Bình tiêu thụ hơn 13.000 con heo thịt, luôn được người dân khắp tỉnh tin yêu. Để có được thành quả đó, chị đã xin thôi biên chế về làng làm ăn.

Xin thôi biên chế:

Người phụ nữ đáng kính ấy ở xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, có cái tên dung dị Dương Thị Hạnh. Như bao cô gái khác, Hạnh được bố mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn, rồi về dạy ở trường mầm non có tiếng ở thành phố Đồng Hới. Được vào biên chế, đùng một cái Hạnh bỏ ngang về quê nuôi heo. Năm 2004 cái tin Hạnh bỏ nghề như một đòn choáng váng với họ hàng nội ngoại. Bố mẹ, anh chị của Hạnh tuyên bố từ mặt. Chỉ một người duy nhất hiểu được ý, người chồng làm thợ nhôm kính Hoàng Đình Y. Vì sao Hạnh lại bỏ biên chế ở thành phố: "Là vì quê nghèo, mỗi lần về thấy người làng ai cũng lấm lem quanh năm, nhưng cuộc sống không khá lên được. Nghĩ thế em quyết tâm hơn, thôi biên chế thiệt trước cho mình, nhưng giúp bà con được gì là hay nấy" - Hạnh nói.

Hai bàn tay trắng, Hạnh về Tây Trạch, vùng đất ngùn ngụt nắng, ngùn ngụt cỏ dại sim mua, vay tiền mua 5000 m2 đất, khai hoang, lập trang trại lợn. Ngày đầu, ai cũng nói vợ chồng Hạnh bị hâm, vùng đất mấy trăm năm nay chẳng phát lên được cái gì cho nông dân, nay một giáo viên mầm non, tay yếu chân mềm, dám “cãi lại trời”.
Vợ chồng Hạnh cần mẫn, chỉ có cái công, vốn liếng không có phải đi mượn. Được các ngân hàng địa phương cho vay tiền lập trang trại, lứa đầu tiên Hạnh mua 200 con lợn về nuôi, chúng lớn nhanh, 3 tháng sau cân bán, tư thương đến, họ hối hả cân, hối hả tính tiền. Nhưng lứa đó vợ chồng Hạnh hoạch toán hết chỉ lời 5 triệu. Lạ. Như thế là lỗ, tiền công không có. Nghĩ lại, mới phát hiện ra, tư thương dùng cân rởm, làm mỗi con lợn mất đi 5 kg. Đi tìm người mua heo nói lý, tìm mãi, vợ chồng Hạnh biết bị lừa đành rút kinh nghiệm.

“Hiệp hội trang trại lợn” giúp người nghèo

Hạnh tính, muốn làm ăn lớn phải học, vợ chồng cùng nhau lên đường đi Nam, đi Bắc học hỏi khắp nơi. Về nuôi tiếp những lứa khác, thắng lớn, mọi người trong làng đến học hỏi, Hạnh chỉ vẽ nhiệt tình. Phải áp dụng khoa học chăn nuôi, chuồng trại phải thoáng mát, luôn luôn vệ sinh. Không chỉ nói, Hạnh còn cho bà con mượn lợn về nuôi, cho bà con vay thức ăn chăn nuôi, đến kỳ bán lợn, người dân trả tiền gốc cho Hạnh để giúp người khác, còn lãi họ lấy.

Nay trang trại của Hạnh có hơn 700 con lợn thịt. Để giúp người nghèo trong vùng, Hạnh thành lập hội “trang trại lợn”. Hơn 65 hộ dân của vùng với gần 300 lao động tham gia “hiệp hội” này. Đó là 65 hộ nghèo nhất nhì huyện Bố Trạch, được Hạnh nâng đỡ. Vào hội trang trại, mỗi hộ dân nuôi ít nhất 20 lợn thịt và 01 lợn mẹ, Hạnh cung cấp con giống ban đầu cho người dân, họ nghèo, Hạnh cho giống, thức ăn, thuốc men. Những năm đầu, người dân bán lợn cho thị trường, nhiều tư thương đến ép giá bấp bênh, Hạnh cũng bị ép giá, nghĩ cách, Hạnh liên hệ với các công ty giết mổ lợn, kiếm đường ra cho người dân, không bị mất giá. Có được mối, tư thương địa phương ép giá thấp, Hạnh kêu người dân bán lại cho mình cao hơn một hoặc hai giá. Có nhiều lúc bù lỗ cả tỷ bạc, nhưng Hạnh vẫn quyết làm giúp dân. Bởi cần lao một nắng hai sương của nông dân miền cát ám ảnh mãi trong tâm can của chị.

Nhiều hộ dân trước khi vào "hiệp hội" của Hạnh, nhà nghèo chẳng đủ ăn, sau vài năm được giúp sức nhiệt tình, 65 hộ nghèo nhất đã thoát nghèo, nhiều hộ dân trở thành nông dân tiên tiến điển hình của huyện. Chị Nguyễn Thị Bình (50 tuổi, xã Nam Trạch) trước đây 4 năm, ở trong căn lều tạm dựng giữa làng, cùng chồng quần quật đốn cây phá rừng bán nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Nghe tin có Hạnh giúp đỡ từ con giống, thức ăn, thuốc thú y, phương pháp chăn nuôi, chị Bình tất tưởi đến nhờ giúp, được hỗ trợ lứa đầu 20 con, chị chỉ việc bỏ công, 3 tháng, cân bán, không những trả được tiền gốc, chị còn lãi gần 10 triệu đồng. Nay cuộc sống của chị Bình đã xây được nhà, và mỗi lứa nuôi đến 70 con lợn để làm giàu, thoát cảnh phá rừng, trở thành nông dân sản xuất giỏi được huyện khen.
Anh Trần Văn Sơn (Vạn Trạch) kể: ''Tui cụt 2 chân, chẳng mần chi được may nhờ chị Hạnh giúp từ chăn nuôi đến bao tiêu đầu ra mà vợ chồng làm được nhà, mua được xe máy, thoát cảnh đói nghèo".

Với Hạnh, không chỉ giúp những người nghèo trong làng, trong xã, chị còn giúp đỡ hơn 3000 hộ dân nuôi heo trong toàn tỉnh Quảng Bình con giống, thức ăn, rồi bao tiêu đầu ra với khoảng 7000 lao động tham gia. Mỗi năm giúp đỡ người dân tiêu thụ 13.000 con heo thịt. Không những thế, còn cho người chăn nuôi vay 6 tỷ đồng không tính lãi. Không biết nghị lực từ đâu ở con người nhỏ bé như chị đã giúp đỡ, hàng ngàn hộ chăn nuôi?! Thắc mắc vậy, chị nói: ''Làm ăn, ai cũng muốn có lời, nhưng quan trọng là mình biết chia sẻ lợi nhuận cùng bà con chăn nuôi”.

Chia tay chị, thấp thoáng trong căn nhà các Giấy khen từ địa phương đến Trung ương tặng, mới thấy người con gái bé nhỏ ấy như ''Sao Thần nông'' giữa miền cát trắng chang chang.

Báo QB số 142 – 2010

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập