Chi tiết bài viết

Quảng Bình: Chuyện của người cựu binh mang kiếp ''thợ đụng''

11:8, Thứ Năm, 15-7-2010

Trong một trận chiến đấu “không cân sức”, ông bị bắn vào cổ tay và chân, sau đó cắt luôn cả bàn tay, không những thế ông còn bị bắt, bị tù đày hết nhà lao này đến nhà lao khác. Trở về quê lập gia đình, nhưng cuộc đời ông luôn sống kham khổ, cực nhọc cho đến tuổi ngoài 80 vẫn làm nghề “thợ đụng”. Không con cái, cuộc sống của vợ chồng ông chỉ hy vọng vào việc làm chế độ thương binh, nhưng rồi niềm hy vọng duy nhất ấy cũng bị dập tắt...

CỐNG HIẾN TUỔI THANH XUÂN

Trong căn nhà lụp xụp của ông Phạm Văn Trường (SN 1928, ở xã Quảng Phương, Quảng Trạch - Quảng Bình) được dựng lên nhờ tiền tích góp mua “hậu sự” cho mình, ông kể cho chúng tôi nghe hoàn cảnh éo le của vợ chồng ông trong nước mắt. Dẫu biết rằng quá khứ đã qua đi nhưng nỗi oan nghiệt đã làm héo mòn những hy vọng của đời người và những ước mơ nhỏ bé của họ.

Sinh ra và lớn lên ở Thái Lan, hưởng ứng phong trào “Việt kiều yêu nước”, ông lên đường tòng quân cho liên quân Lào - Việt năm 1950. Những năm đầu ông hoạt động bí mật với các công tác dân vận, địch vận, trinh sát và xây dựng cơ sở trên đất bạn Lào. Đến khi ra làm công khai thì ông bị địch bắt trong một lần đang nhận súng ở bản Mặc Nao. Biết mình bị bao vây, ông cùng hai đồng chí nữa chống cự quyết liệt. Địch đông hơn, chúng bắn ông bị thương vào cổ tay và chân, ông cố lết chui vào bụi tre trốn được ba ngày thì cũng bị chúng bắt đưa về Viêng Chăn và đem vào nhà thương cắt luôn bàn tay phải của ông.

Sau khi ổn định, ông bị đưa về giam ở trại tù Phôn Khêng (nay là trụ sở Bộ QP Lào) khoảng 4 năm thì chúng phát hiện ra ông là người Việt Nam nên trao trả cho quân đội Việt Nam cộng hòa. Năm 1955, địch chuyển ông về nhà tù Lao Bảo rồi trả về trại Tế Bần ở Huế. Trong một ngày cuối tuần, ông đã cải trang thành những học sinh trung học rồi trốn ra vùng giải phóng. Khi đó cán bộ của ta đã cho ông ra điều trị tại trại thương binh ở Hà Tĩnh nhưng ông không đồng ý và trở về quê năm 1957 ở xã Quảng Phương hiện nay.

Năm 1960 ông lấy vợ là bà Phạm Thị Lường và đôi vợ chồng trẻ ấy bắt đầu một cuộc sống mới.

SỐNG ĐỂ HY VỌNG

Gần 80 tuổi ông vẫn phải làm kiếm tiền

Để mưu sinh, hàng ngày bà lo công việc đồng áng, còn ông lang thang đây đó làm nghề thợ mộc với bàn tay phải đã bị cắt cụt. Một năm, hai năm rồi hàng chục năm, đôi vợ chồng trẻ ấy cứ hi vọng, mong mỏi có được đứa con để chăm bẵm nhưng hy vọng rồi thất vọng. Vợ chồng ông chẳng có lấy một mụn con để nương tựa về già. Sống làm gì? Nhiều lúc cùng quẫn ông đã uống rượu và có ý định tự vẫn nhưng ông đau một còn bà đau mười. Làm dâu ở nhà ông khi bố mẹ chồng đã mất và ông cũng là con trai một nhưng chẳng thể có được một mụn con nối dõi tông đường. Bà cũng tuyệt vọng nhưng biết làm sao được. Đi đây đi đó chạy chữa mà vẫn không thể sinh con...

Nỗi buồn ấy cũng được ông bà nuốt vào lòng, họ vẫn phải sống, phải lao động để hy vọng. Vòng xoáy cuộc đời cứ cuốn đi để rồi về già, hai ông bà nương tựa vào nhau ở căn nhà rách nát ấy để hy vọng một điều kỳ diệu đến với mình trong tưởng tượng.

Năm 1995, một người đồng đội cũ thấy hoàn cảnh quá bi đát của vợ chồng ông nên đã hướng dẫn ông làm thủ tục để hưởng chế độ do ông có quá trình công tác tại mặt trận C-K . Công trạng của ông đối với cách mạng tuy chưa lớn lắm nhưng sự chịu đựng, hy sinh của ông trong thời gian tham gia kháng chiến cho Đoàn 83 thuộc mặt trận Tây Lào được đồng đội, thủ trưởng xác nhận. Không hiểu sao cho đến nay ông vẫn không được hưởng chế độ của nhà nước.

Cuộc mưu sinh của đôi vợ chồng ngoài 80 tuổi này có lẽ kể không bao giờ hết. Bà gọi ông là “ông cụt thợ đụng”, cái gì ông cũng làm được, miễn sao sinh ra tiền.

NGUYỄN XUÂN HƯNG
(Báo Công an Thành Phố Hồ Chí Minh)

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập