Chi tiết bài viết

Từ tay trắng trở thành chủ trang trại

9:5, Thứ Tư, 23-6-2010

Gần 20 năm suy nghĩ một ý tưởng, và cũng chừng ấy thời gian lao động cật lực để ý tưởng thành hiện thực, Võ Đại Nghĩa (Hồng Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) đã biến những cồn cát trắng thành rừng cây che sóng, chắn gió cho một vùng quê nghèo. Chấp nhận "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" Nghĩa đã lao động cật lực để trở thành Sao Thần nông, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm con em vùng cát trắng Quảng Bình.

Khi chiều hè đã bảng lảng khói sương, Nghĩa kéo tôi ra động cát sát chân biển, câu chuyện về những hỉ, nộ, ái, ố của đời anh lúc thăng, lúc trầm như tiếng sóng biển ồn ã, dịu êm.

Cách đây gần 10 năm, người làng biển nơi này chỉ lo sóng biển ngoặm mất làng, song từ ngày có rừng cây che sóng, chắn cát của Nghĩa nỗi lo của người dân nghèo nơi đây mới chấm dứt. Trong câu chuyện đời người với Nghĩa, tôi nhận ra có lẽ chẳng mấy ai yêu cát như anh. Khi còn học phổ thông, mỗi lần nghe câu thơ "Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình" Nghĩa tự hào ghê lắm. Còn bạn bè thường bảo Nghĩa hâm bởi theo họ ý thơ cho rằng: Quảng Bình chỉ có cát trắng và nắng, cái nghèo như sợi chỉ xuyên ngang.
Nhiều buổi chiều nằm trên bãi biển quê hương, Võ Đại Nghĩa suy nghĩ lung lắm: Phải biến cát thành tiền, phải làm sao để quê sớm thoát nghèo… Nhiều suy nghĩ trong đầu nhưng Nghĩa chưa biết bắt đầu từ đâu. Phải trồng rừng, chăn nuôi trên cát. Nhưng biết lấy vốn ở đâu, Võ Đại Nghĩa làm đơn xin đi xuất khẩu lao động. Buồn thay, suốt mười năm lăn lóc bên trời Tây, nếm đủ vị đắng, ngọt, Nghĩa về nước với hành lý nhẹ hơn lúc ra đi...

Võ Đại Nghĩa và trang trại hơn 34 ha trên đồi cát của mình

Phải làm giàu trên quê hương mình, nghĩ vậy, nên năm 2003, Võ Đại Nghĩa dắt díu vợ con ra triền cát xin mấy hecta trồng rừng. Gõ cửa nhiều nơi vay vốn, Nghĩa chỉ nhận được những cái lắc đầu nguầy nguậy. "Cái thằng đi Tây về không được một đồng kẻng nhét túi giờ chui ra ngoài cát lấy chi mà ăn, đừng nói đến chuyện vay với trả...". Buồn với lời dị nghị, nhưng Nghĩa nghĩ "đời thay đổi khi ta thay đổi", anh bàn với vợ thế chấp cả căn nhà đang ở để vay vốn. Vợ nhu mỳ theo ý chồng, thuận vợ thuận chồng không tát được biển Đông nhưng sẽ nhờ biển để làm giàu.

"Lấy ngắn nuôi dài", đầu tiên vợ chồng Nghĩa trồng các loại rau xanh, dùng nilon phủ, làm giàn trồng dưa các loại. Sau đó anh chú tâm phát triển cây lâm nghiệp kết hợp với trồng rau màu, rồi xây chuồng trại nuôi lợn siêu nạc, lúc nào trong chuồng cũng có vài trăm con lợn. Rau xanh và đàn lợn là thành công đầu tiên. Cuối năm đó, xuất hết lợn, rau bán thu về cũng được mấy chục triệu đồng. Cầm những đồng tiền do mình đổ mồ hôi vắt ra từ cát, vợ chồng Nghĩa đóng chặt cửa nhà cứ nhìn nhau rồi rưng rưng nước mắt...

Không chịu dừng lại, Võ Đại Nghĩa cơm đùm, cơm nắm vào tận Khánh Hòa học cách nuôi trồng thuỷ sản. Về lại vùng cát, anh vay vốn đầu tư 10ha đất cát để nuôi tôm thẻ chân trắng… Công việc đang thuận lợi, thì vận đen ập đến, anh bị tai nạn suýt chết. Hàng tháng trời Nghĩa nằm viện, trang trại của anh như một chợ quê nghèo chiều đông quạnh hiu, xơ xác... Người làm bỏ đi gần hết, gần 1 tỷ đồng tiền nợ như xiết vào người Nghĩa đau đớn, quặn thắt.

Phải làm lại từ đầu, Nghĩa lại cầm cố những gì đang có để vay vốn tiếp tục đầu tư vực lại trang trại. Trời không phụ công người, sau 3 năm đánh vật với gió biển, anh thu về hơn 2 tỷ đồng tiền lãi từ nuôi tôm, còn cánh rừng che sóng, chắn gió của anh trở thành bà đỡ cho cả một vùng quê nghèo tránh bão lũ, thiên tai ập về.

Võ Đại Nghĩa bảo, muốn giúp ai đó thì trước hết mình phải lo được cho gia đình mình đã. Tình thương không thể dừng lại ở cửa miệng khen, chê. Giờ đây, trang trại của Võ Đại Nghĩa bao giờ cũng có cả trăm con em vùng cát được tạo việc làm. Nhiều lao động được vợ chồng Nghĩa giúp đỡ vươn lên thoát nghèo. Sau chưa đầy 10 năm, khu trang trại của Võ Đại Nghĩa đã có 34ha, trong đó có 30 hồ tôm; khu trại lợn với hơn 200 con lợn nái và hơn 1.000 lợn thịt; khu trại gà có 6.500 gà giống Ai Cập cho gần 3.000 quả trứng mỗi ngày; và hơn 10ha rừng xanh ngăn ngắt.

Trong khi người nông dân làm trang trại nhiều nơi luôn đau đầu với nỗi lo dịch bệnh thì Võ Đại Nghĩa lại cười hề hề: "Mình chỉ biết làm còn dịch bệnh phải nhờ các bác khoa học kĩ thuật lo, nhà nông mà không có nhà khoa học thì chỉ đánh cược với trời thôi" - Võ Đại Nghĩa bảo vậy. Năm 2008, trang trại của Võ Đại Nghĩa đã kết hợp với Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư Quốc gia, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản - Đại học Nha Trang, Trường Đại học Trung Sơn (Trung Quốc) để đưa về nuôi giống cá đối mục Mugil cephalus. Đây là giống cá đã được bà con nông dân nhiều nơi ở nước ta thử nuôi song đều không thành công, còn ở trang trại của Võ Đại Nghĩa, cá đã sinh sản nhân tạo và đang cho thịt thương phẩm để bán ra thị trường. Không chỉ làm giàu cho bản thân, hàng chục hộ gia đình nghèo ở vùng cát Quảng Bình đã, đang được Võ Đại Nghĩa giúp đỡ về vốn, kỹ thuật để chăn nuôi vươn lên thoát nghèo.

Với sự miệt mài lao động, sáng tạo làm giàu chính đáng cho bản thân và giúp đỡ nhiều gia đình, Võ Đại Nghĩa đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và anh trở thành 1 trong số 33 Sao Thần nông tiêu biểu nhất năm 2009 của Hội Nông dân Việt Nam.

Dương Sông Lam (CAND Online)



Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập