Chi tiết bài viết

Người “bắc cầu” về nẻo thiện

17:11, Thứ Năm, 1-7-2010

Đối với tội phạm hình sự, không ít người luôn nhìn họ với ánh mắt thiếu thiện cảm, né tránh. Song Đại uý Ngô Đức Sỹ, Phòng Điều tra tội phạm hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình lại suy nghĩ: Nhiều đối tượng hình sự cần nhận được sự giáo dục, cảm hóa để cho họ có cơ hội hoà nhập cộng động. Từ suy nghĩ đó, hai năm qua, Ngô Đức Sỹ đã lặn lội đến tận các vùng quê khuyên nhủ, động viên hàng chục đối tượng truy nã ra đầu thú. Không ít đối tượng phạm tội đã hoàn lương nhờ được Sỹ truyền lửa nhân văn từ chính bản thân mình.

’’Không đánh mà thắng”

Năm 1998, Ngô Đức Sỹ vào công tác ở Phòng Điều tra tội phạm hình sự, Công an tỉnh (PC45). 12 năm lăn lộn với nghề, Ngô Đức Sỹ luôn tạo cho người đối diện nhận thấy ở anh cảm giác nhẹ nhàng với những câu chuyện đầy triết lý, nhân văn. Chính chất nhân văn ở anh đã giúp anh giải quyết rất hiệu quả nhiệm vụ mà đơn vị giao phó. Suốt 10 năm làm ở Đội đấu tranh án, Ngô Đức Sỹ đã điều tra làm rõ tất cả mọi vụ việc mà lãnh đạo đơn vị giao. Hai năm gần đây, anh được phân công về Đội truy bắt đối tượng phạm tội. Nhiều lần chứng kiến cảnh anh em đồng đội lặn lội hàng trăm cây số để truy bắt đối tượng, đồng thời không ít lần phân tích, nhận định, xác minh về đối tượng phạm tội... làm Đại uý Ngô Đức Sỹ suy nghĩ nhiều hơn về công việc của mình. “Không đánh mà thắng” đó mới là thượng sách, Ngô Đức Sỹ thấm nhuần lời dạy minh triết đó, vì vậy giữa truy bắt và vận động đối tượng đầu thú, anh đã chọn phương án vận động đối tượng ra đầu thú. Công tác vận động vừa hợp tình hợp lý, đỡ mất công sức, nguy hiểm lại đỡ tốn kinh phí của Nhà nước. Do đó, trước khi vận động đối tượng phạm tội ra đầu thú, Ngô Đức Sỹ đã tìm hiểu, nghiên cứu hoàn cảnh gia đình từng đối tượng cũng như các vụ án đối tượng gây ra, để tìm phương thức tiếp cận, vận động gia đình đưa đối tượng ra đầu thú. Chính sự chân tình của Sỹ đã tạo cho gia đình có đối tượng truy nã cảm giác an tâm. Vì vậy, trong hai năm qua, Ngô Đức Sỹ đã vận động được hàng chục đối tượng ra đầu thú, có ngày 3 đối tượng tìm đến anh để nhận được sự khoan hồng của phát luật.

’’Bắc cầu’’ về nẻo thiện

“Vận động được 1 đối tượng ra đầu thú, mình cảm thấy hạnh phúc bởi gia đình đối tượng đã gửi gắm niềm tin ở người lính trinh sát. Niềm vui lại nhân lên gấp bội, không phải vì thành tích bản thân mà đã cảm hoá được một người lầm lỗi biết hoàn lương trở về với cộng đồng, xã hội’’, Ngô Đức Sỹ chia sẻ như vậy. Hầu hết đối tượng truy nã Sỹ vận động ra đầu thú, anh đều phải lặn lội đến nhà đối tượng, không dưới 3 lần. Đối tượng Đặng Xuân Núi (sinh năm 1987) bị Công an huyện Quảng Ninh truy nã 3 tội: trộm cắp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, trốn khỏi nơi giam giữ. Khi Công an huyện đến gặp gỡ, vận động gia đình, cha của Núi là ông Đặng Xuân Ve trả lời ’’Con tui đã bị bắt giam, bây giờ ở đâu, tui chưa hỏi các chú, răng các chú lại hỏi tui’’. Biết ông Ve trực tính, Đại uý Ngô Đức Sỹ đã tạo sự gần gũi, hoà đồng giữa trinh sát và gia đình. Mỗi lần đi công tác qua, Sỹ đều ghé thăm gia đình ông Ve, sự chân thành của anh đã có kết quả. Ông Ve đã đi tìm khuyên nhủ Đặng Xuân Núi ra đầu thú. Mỗi trường hợp đối tượng phạm tội ra đầu thú, Đại uý Ngô Đức Sỹ đều có cách vận động khác nhau. Sáng sớm ngày 12-5-2010, cán bộ chiến sĩ Phòng PC45 bất ngờ khi thấy bà Nguyễn Thị Nghiêm dắt tay con mình là đối tượng Nguyễn Văn Ninh can tội cướp tài sản đến xin đầu thú với lời nhắn gửi ’’nhờ chú Sỹ giúp cho thằng Ninh nó hoàn lương’’. Chứng kiến cảnh gia đình Ninh hết sức khốn khó, mỗi lần công tác qua Ngô Đức Sỹ đều ghé thăm gia đình Ninh để động viên, chia sẻ... Sau khi gây án, bị truy nã, 2 anh em Nguyễn Tiền Thương và Nguyễn Cao Cường ở Phú Trạch, huyện Bố Trạch bỏ trốn vào Miền Nam. Đại uý Ngô Đức Sỹ quyết định tìm phương án vận động 2 đối tượng về đầu thú. Sau nhiều ngày gặp nói chuyện với Sỹ, cha của Thương và Cường nhận định “con tui chỉ nên người khi tui gọi về giao cho chú Sỹ’’. Mỗi đối tượng phạm tội đều có hoàn cảnh, cuộc sống, cá tính không giống nhau, vì vậy bắt đối tượng thì dễ song để cảm hoá đối tượng, khơi dậy sự hướng thiện trong mỗi đối tượng lại là việc khó, nhưng Đại uý Ngô Đức Sỹ đã làm được việc đó nhờ vào sự chân tình và hết mình vì công việc. Nhiều lúc giữa đêm khuya, nghe tin cha, mẹ đối tượng đang truy nã đau nặng, Sỹ lặn lội tìm đến đưa họ đến bệnh xá, bệnh viện. Chuyện hiếu, chuyện hỷ của gia đình đối tượng truy nã, Sỹ cũng đến động viên, chia sẻ. Khi đối tượng thụ án xong, anh cũng tìm đến động viên, hướng dẫn cách làm ăn gây dựng cuộc sống...

Những việc mà Đại uý Ngô Đức Sỹ đã làm phần nào đang thắp lên niềm tin yêu, quý trọng đối với không ít người dân vùng cát Quảng Bình đối với cán bộ, chiến sĩ công an.

Báo QB số 126-2010

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập