Chi tiết bài viết

Những thương binh 'tàn nhưng không phế'

16:40, Thứ Năm, 29-7-2010

Tại hội nghị biểu dương người khuyết tật toàn tỉnh năm 2010 vừa qua, chúng tôi đã được biết đến những tấm gương thương binh "tàn nhưng không phế". Họ có khá nhiều điểm chung giống nhau: Đều là những chiến sỹ đã từng tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam trước mùa xuân năm 1975. Họ đã sống và chiến đấu anh dũng trên những chiến trường ác liệt. Họ luôn nhớ mãi về kỷ niệm chiến trường nơi họ cùng đồng đội lập nên bao chiến công và đã hy sinh một phần cơ thể của mình vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Đó là kí ức tuổi hai mươi đẹp của những người thương binh.

Anh Trần Ngọc Hòa, thương binh 2/4 đang ở tiểu khu 6, phường Bắc Nghĩa, thành phố Đồng Hới kể: Năm 1974, khi đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, cũng như bao thanh niên cùng trang lứa, anh đã tình nguyện xung phong vào chiến trường Miền Nam tham gia chống Mỹ cứu nước bảo vệ Tổ quốc. Vào quân ngũ, anh được phân công làm nhiệm vụ phá đá mở đường đảm bảo giao thông tuyến chiến lược Đông Trường Sơn. Mặc dù bị địch ngày đêm đánh phá ác liệt nhưng với tinh thần: Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm, anh đã cùng đồng đội không ngại hy sinh gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Năm 1975, anh bị thương mất một chân phải khi đang làm nhiệm vụ.
  
Một thương binh tiêu biểu khác là anh Đinh Tuấn Mỹ, thường trú tại tiểu khu 5, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa nhớ lại, tháng 1 năm 1972, anh lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc. 3 năm sau, trong một trận chiến đấu ác liệt anh đã bị thương. Anh rất tự hào về những năm tháng tuổi trẻ của mình và luôn nghĩ rằng, sự hy sinh cống hiến của cá nhân anh còn quá ít so với bao đồng đội của mình.

Anh thương binh Phạm Đức Hiền, quê ở làng biển Cảnh Dương cho biết: Anh sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cha mẹ bất hoà, còn nhỏ đã ở với ông bà ngoại già yếu, đời sống khó khăn. Học hết lớp 5 phải bỏ học. Tháng 2 năm 1975, anh tình nguyện nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường Tây Nam của Tổ quốc. Trong một trận giao tranh ác liệt với quân thù, anh đã bị cụt chân trái, tỷ lệ thương tật 71% và về phục viên tại địa phương từ tháng 10/1983.
Điểm chung nữa ở những người thương binh này là họ luôn thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: "Thương binh tàn nhưng không phế". Khi trở về với gia đình, họ đã cố gắng vượt lên mọi khó khăn để bảo đảm cuộc sống gia đình và tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Anh thương binh Hiền trong thời gian điều trị vết thương tại quân y viện đã được người chiến sỹ quân y đem lòng yêu mến, hai người nên duyên vợ chồng cùng trở về quê hương xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Điều này đã tiếp thêm sức mạnh, ý chí cho người thương binh vượt qua bao khó khăn trở ngại. Hàng ngày, anh Hiền vào lộng ra khơi câu cá, làm chài lưới, người vợ tần tảo buôn bán nhỏ ở chợ. Khi có công cuộc đổi mới, gia đình anh Hiền chuyển sang nghề kinh doanh dịch vụ chăn nuôi. Bên cạnh thành lập Công ty TNHH Thanh Lợi chuyên thu mua hàng hải sản xuất nhập khẩu, anh Hiền còn trở thành một nhà chăn nuôi giỏi với mức bình quân xuất chuồng 45 tấn lợn thịt/năm. Anh Hiền phát triển cả nghề nuôi lợn giống cung cấp cho các xã vùng Roòn, ven quốc lộ 1A thuộc huyện Quảng Trạch, một số vùng Nam huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Từ một miền đất rẻo cao Minh Hoá, anh thương binh Đinh Tuấn Mỹ vươn lên bằng mô hình kinh tế tổng hợp. Hiện nay, cơ ngơi kinh tế gia đình anh Mỹ gồm có: Sạp hàng xén ở chợ, một ki ốt hàng sắt phục vụ nông nghiệp - lâm nghiệp, một cơ sở dịch vụ sửa chữa xe đạp, xe máy, hàn điện, sửa chữa ắc quy ô tô, gia công dụng cụ sản xuất như cào làm cỏ lạc, lưỡi cày, điệp cày, thùng quay mật ong, cuốc cấy lúa. Đó là chưa nói tới những hoạt động trồng rừng, chăn nuôi đưa lại doanh thu hàng chục triệu đồng mỗi năm cho gia đình anh Mỹ.
 
Khi tìm hiểu về hành trình vượt lên của anh thương binh Trần Ngọc Hoà, bà con phường Bắc Nghĩa, thành phố Đồng Hới luôn tấm tắc khen ngợi ý chí của người thương binh này. Trong cuộc chiến xóa đói, giảm nghèo, gia đình anh Hòa gặp phải muôn vàn gian khó tưởng chừng khó vượt qua được. Nhưng ở mặt trận chống tiếng súng này anh cũng đã lập lên những chiến công mới. Năm 1989, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Lâm trường Đồng Hới, gia đình anh Hòa đã nhận được 10 ha rừng làm kinh tế vườn đồi. Bước đầu làm quen với kinh tế vườn rừng, anh đã miệt mài tìm hiểu khoa học kỹ thuật trồng rừng qua sách báo, qua hoạt động khuyến lâm, qua sự năng động chịu khó của anh. Từ đó kinh tế của gia đình anh được cải thiện. 4 người con của anh được ăn học. Hạnh phúc dường như đã mĩm cười với một thương binh như anh Hòa. Nhưng một tai họa đã ập đến với gia đình anh: Cuối năm 2002, vợ anh bị tai nạn giao thông liệt nữa người phải đi điều trị trong thời gian dài, phải làm nhiều đợt phẩu thuật tại Bệnh viện Huế và thành phố Hồ Chí Minh. Nỗi lo kiếm tiền chữa bệnh cho vợ, nuôi 4 con ăn học càng đè nặng anh. Trong thời điểm này anh đã được sự cưu mang đùm bọc mang nhiều nghĩa tình của các cấp ủy Đảng, chính quyền, bạn bè, bà con lối xóm, hội cựu chiến binh. Rất may là anh đã vượt qua khó khăn đó. Giờ đây, vợ anh đã bình phục phần nào, các con anh đã trưởng thành, kinh tế vườn đồi đã bảo đảm cho gia đình anh cuộc sống ổn định, bền vững. Đây cũng là thời điểm anh muốn giúp đỡ cho người khuyết tật, những người có cùng hoàn cảnh như anh đã trải qua. Đầu năm 2007, anh đã tích cực đến từng đối tượng là thương binh, người khuyết tật vận động họ tham gia thành lập câu lạc bộ ’’Người khuyết tật" phường Bắc Nghĩa. Lúc mới ra đời câu lạc bộ mới chỉ có 34 thành viên nay đã tăng lên 44 thành viên, trong đó 50% là thương binh. Cùng với sự giúp đỡ của mạng lưới LSN Việt Nam, với cương vị Chủ nhiệm CLB, anh đã vận động tổ chức được nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là xây nhà giữ xe đạp, xe máy tại chợ Cộn, tổ chức Đại hội TDTT cho người khuyết tật, tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước cho người khuyết tật, thăm tặng quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn như ốm đau, cứu đói, hỗ trợ con em hội viên nghèo hiếu học. Ngoài ra anh còn chữa bệnh miễn phí cho những hội viên bị mắc các bệnh thông thường.

Tấm gương nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu của những thương binh như anh Trần Ngọc Hòa, Phạm Đức Hiền và Đinh Tuấn Mỹ thật đáng được mọi người ngợi khen.

Báo QB số 145-2010

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập