Chi tiết bài viết

Gặp gỡ hai chàng trai thủ khoa đại học

11:8, Thứ Sáu, 6-8-2010

Kết thúc kỳ thi đại học năm 2010-2011, cùng với hàng triệu thí sinh trong cả nước, các sỹ tử Quảng Bình cũng hồi hộp chờ đón kết quả của 12 năm đèn sách. Và niềm vui lớn đã đến với nhiều thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi đại học năm nay, lần đầu tiên tỉnh Quảng Bình có hai em cùng đỗ thủ khoa, đó là Nguyễn Trung Kiên, học sinh lớp 12 Toán, Trường THPT chuyên Quảng Bình, thủ khoa Trường Đại học Y Huế với số điểm 28 và Hoàng Minh Ái, học sinh lớp 12A5, Trường THPT Lệ Thủy, thủ khoa Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng với số điểm 27. Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với hai chàng trai đã tạo nên kỳ tích trong năm học này.

Nguyễn Trung Kiên: Ước mơ trở thành doanh nhân

Sinh ra và lớn lên tại thành phố Đồng Hới, Nguyễn Trung Kiên là con út trong một gia đình có hai anh em. Trước khi gặp Kiên, tôi cứ hình dung rằng đấy là một anh chàng kính cận, thư sinh và... khô khan như phần lớn dân chuyên Toán, nhưng ngược lại, Kiên hồn nhiên, cởi mở, thích đọc "Bồ câu không đưa thư", "Buổi chiều Window"... của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đam mê Dan Brow với những "Pháo đài số", "Điểm dối lừa", "Thiên thần và ác quỷ"... Chưa hết, khi kể về những đam mê của mình, Kiên bảo em có thể chơi bóng ở mọi vị trí, từ tiền đạo, tiền vệ, hậu vệ cánh phải, cánh trái... Và đặc biệt là sở thích "nghịch" máy tính cả ngày không biết chán! Và nếu theo thông lệ, những bạn học giỏi nhất lớp như Kiên thường sẽ đảm nhận chức lớp trưởng, lớp phó học tập, bí thư chi đoàn..., thì chức vụ to nhất của cậu đến giờ là... tổ trưởng.

Đấy là chân dung của tân thủ khoa Trường Đại học Y Huế năm học 2010-2011. Học giỏi đều tất cả các môn, điểm tổng kết các năm học của Kiên đều từ 9 điểm trở lên. Nói về Nguyễn Trung Kiên, nhiều bạn bè em thường gọi vui là "Kiên ngoại hạng" bởi thành tích học tập đáng nể của em. Kiên cho biết "Lớp em toàn là những thành viên xuất sắc nên phong trào học tập rất sôi nổi, mình lơ là một chút là thành người tụt hậu ngay. Và may mắn hơn cả là chúng em có một thầy giáo tận tâm, đó là thầy Trần Xuân Bang, giáo viên dạy toán đồng thời là chủ nhiệm lớp. Những bài toán khó đã trở nên hấp dẫn qua cách giảng dạy thú vị và sự nhiệt tình của thầy. Trong quá trình học tập, thầy luôn tìm tòi tài liệu để em và các bạn nghiên cứu!".

Và ít ai biết rằng, ngoài thành tích là thủ khoa Đại học Y Huế với 28 điểm (đã làm tròn), trong đó Sinh 8,5, Toán 9,5 và Hóa 9,75, Nguyễn Trung Kiên còn là thí sinh có điểm số cao thứ 4 của Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội với 29 điểm (đã làm tròn), gồm: Toán 9, Lý 9,75 và Hoá 10. Đứng trước hai con đường đi cho tương lai, Kiên đã quyết định sẽ theo học tại Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội bởi ước mơ trở thành một doanh nhân đã ấp ủ từ lâu. Giải thích về quyết định này của mình, Kiên thành thật "Em thi vào Đại học Y Huế chỉ là để thử sức mà thôi, không ngờ lại đỗ thủ khoa. Em nghĩ bác sỹ là một nghề cao quý và để làm tốt vai trò đó trong tương lai, không chỉ cần có kiến thức mà cần phải có cả niềm đam mê. Với em, ước mơ trở thành một doanh nhân đã nung nấu từ lâu. Và em nghĩ, dù làm nghề gì, ở đâu, chỉ cần mình luôn nỗ lực trên con đường mình lựa chọn là đã đóng góp cho xã hội và mang lại những thành quả cho chính bản thân mình".

Với những thành tích và nỗ lực của mình, tin rằng trong tương lai Quảng Bình sẽ có thêm một doanh nhân thành đạt mang tên Nguyễn Trung Kiên.

Hoàng Minh Ái: Thủ khoa vùng rốn lũ

Chúng tôi tìm về làng An Xá, xã An Thủy (huyện Lệ Thủy), nơi được xem là vùng rốn lũ của huyện lúa tỉnh nhà để gặp thủ khoa của Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng. Khi hỏi nhà Hoàng Minh Ái, tôi nhận được câu trả lời bằng một câu hỏi "Có phải anh Ái học giỏi không?". Cậu bé dẫn đường đưa chúng tôi đến gần hết ngôi làng, rẽ vào một hẻm nhỏ, nơi có ngôi nhà cách vùng ruộng sâu chừng mươi mét.

Mẹ Ái, bà Dương Thị Hồng hồ hởi đón chúng tôi vào nhà. Vẻ tự hào hiện trên gương mặt, bà kể "Trước khi thi, tui cho hắn bạc (tiền) để mần hai bộ hồ sơ thi hai trường cho chắc ăn nhưng hắn dứt khoát chỉ thi khối A nhằm mục đích... tiết kiệm tiền. Thi xong từng môn hắn đều gọi điện về nhà thông báo. Hết môn cuối cùng hắn khẳng định "Con sẽ đậu, ba mạ đừng lo!". Ai ngờ hắn đậu luôn thủ khoa, không riêng chi nhà tui mà cả xóm, cả làng ai cũng mừng!".

Quả thật, chỉ sau vài phút chúng tôi có mặt ở nhà Hoàng Minh Ái, căn nhà nhỏ đã nhộn nhịp hàng xóm đến chơi. Bà con hàng xóm kể chuyện cậu đi học, đi thi vanh vách, cả chuyện hai cha con Ái mỗi năm vài lần về Đồng Hới mua sách để em tự luyện thi đại học. Tiếc tiền xe đò (khoảng 100.000 đồng/lần) nên mỗi lần đi mua sách, hai cha con em thường đạp xe vượt hơn 50 cây số về thành phố. Có lần về đến nhà, Ái mệt lả vì khát nước, mẹ em phải kịp thời chạy đi mua một... ly chè để "bồi dưỡng". Và đây cũng là món "ruột" mà cả nhà ưu tiên dành cho em trong những ngày ôn thi, khi Ái phải thức khuya học bài đến hai, ba giờ sáng. Rồi chuyện cả gia đình chỉ có 7 sào ruộng, gặp năm mưa thuận gió hòa thì thu đuợc chừng 4 tấn lúa, nhưng ở vùng này năm nào cũng lũ lụt liên miên nên mùa vụ rất bấp bênh, chỉ biết nhờ trời; nhà nuôi dăm ba con lợn thì phải xây chuồng tít trên cao để chống lụt... Vì vậy, những khi nông nhàn, ba mẹ Ái lại thay nhau bủa lưới bắt cá kiếm thêm thu nhập để nuôi cậu con trai út đi học. Và Ái chưa một lần đến lớp học thêm như các bạn cùng trang lứa nên thời gian rảnh rỗi, em thường giúp ba mẹ công việc đồng áng, đặc biệt là vào những dịp gặt hái.

Vui vì con trai đỗ thủ khoa, nhưng gia đình Hoàng Minh Ái cũng không quên việc hoàn tất các thủ tục để đến ngân hàng chính sách xã hội huyện vay tiền cho con trai chuẩn bị nhập học. "May mà có ngân hàng cho vay, chứ không thì gia đình tui không biết chạy đi mô để kiếm đủ tiền...", bà Hồng cho biết: Các chị gái của Ái đều đã lập gia đình song hoàn cảnh ai cũng khó khăn nên dù muốn giúp đỡ em trai cũng đành chịu.

Khi chúng tôi ra về, những người hàng xóm của thủ khoa Hoàng Minh Ái tiễn ra tận ngõ, bảo: "Làng tui lâu rồi mới có người đỗ đạt như hắn, cả làng ai cũng thương vì hắn con nhà nghèo nhưng có chí!". Còn tôi nhớ mãi gương mặt rất hiền của cậu học trò nghèo cùng tấm chân tình và niềm hy vọng của bà con xóm giềng đã dành cho em!

Báo QB số 152 - 2010

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập