Chi tiết bài viết

Chàng trai tật nguyền với trái tim nhân hậu

16:26, Thứ Tư, 11-8-2010

Tôi tình cờ quen Lê Quang Toán qua một người đồng nghiệp. Ngay từ lần gặp đầu tiên, Toán đã để lại trong tôi một ấn tượng lạ. Dần dà, càng tiếp xúc tôi càng thấy quý anh bởi rất nhiều những tính cách khác, những việc anh làm mà có lẽ một người bình thường, lành lặn còn rất khó để làm được.

Ngồi giữa đám đông, Toán rất dễ bị chú ý bởi dáng gầy quắt queo, tay bắt quyết, chân cà kheo trông thật thảm. Nhưng nếu chỉ như thế thì anh sẽ rất dễ bị ''lướt qua'' như người ta vẫn thường nhìn về những con người tật nguyền khác. Toán gây chú với người đối diện còn bởi cách nói chuyện, pha trò tự nhiên, dáng vẻ tự tin hiên ngang, trông rất bất cần đời. Bất cần, ngạo nghễ như thách thức số phận đã không công bằng với anh. Đôi lần tiếp xúc, tôi đọc thấy trong đôi mắt sáng, thông minh trên khuôn mặt đáng thương của anh là tất cả sự chân thành, nhiệt huyết với cuộc sống. Toán kể, khi mới lọt lòng mẹ, anh chỉ nặng có 1kg, phải nằm trong lồng ấp. Nguyên cớ là vì khi mang thai anh, mẹ đi gánh nước và bị té nên phải sinh non anh lúc mới được 7 tháng tuổi. Sau 20 ngày nằm viện, Toán được chuyển về nhà. 3 tháng sau, cân lại, anh tăng lên 3kg. Hai năm sau đó, Toán vẫn phải nằm một chỗ, đầu thì to mà tay chân được bé tí. Lo cho con, bố mẹ Toán đi khắp nơi, hỏi mọi chốn để tìm phương thuốc chữa trị. Lên 5 tuổi, Toán bắt đầu đi được, ban đầu anh cứ bước chập chững men theo tường. Sợ con yếu, bố anh đã đóng cho chiếc xe gỗ 4 bánh để giúp Toán tự tin đi lại. Lớn hơn một chút, nhìn bạn bè được đi học, Toán cũng khát khao được đến trường như các bạn đồng trang lứa. Đáp ứng nguyện vọng của con, bố mẹ đã đưa Toán đi khắp các trường ở thành phố Huế để xin cho con nhập học. Nhưng rồi tất cả các trường đều từ chối vì nhìn Toán ai cũng ái ngại về khả năng học tập của anh. Cuối cùng, may mắn thay, một trường ở Vỹ Dạ đã đồng ý cho anh nhập học. Năm ấy Toán 10 tuổi. Mấy năm đầu đi học, Toán gặp rất nhiều khó khăn. Chữ viết ra cứ nguệch ngoạc rất khó đọc. Bù lại, Toán có trí nhớ rất tốt. Nhờ đó, anh thuộc lòng các bài giảng của thầy, cô trên lớp. Có lẽ những năm tháng ấy là quãng thời gian không thể nào quên đối với anh. Không ngày nào anh không bị lũ bạn trêu chọc, gièm pha. Hầu như ngày nào đi học Toán cũng bị té ngã. Vết thương cũ chưa lành đã bị chồng lên bởi những vết thương mới. Học được 1 năm, đến năm 1989 chia tỉnh, gia đình anh chuyển ra Quảng Bình sinh sống. Toán cùng bố mẹ và em trai về quê nội, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, sinh sống, học tập. Cả bố và mẹ sau đó đều xin nghỉ chế độ sớm để có thời gian chăm sóc con. Một năm sau thì Toán chuyển về Trường THCS Bắc Lý học, rồi học cấp 3 ở Trường THPT bán công Đồng Hới. Tốt nghiệp THPT, Lê Quang Toán học 2 năm trung cấp chuyên nghiệp về Tin học ở Trường Trung cấp Kỹ thuật Công Nông nghiệp Quảng Bình. Kết thúc khóa học, anh lại thi tiếp và đỗ vào Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) hệ tại chức. Trong quá trình học tập, ở bất kỳ môi trường nào, Toán cũng luôn tỏ ra là một người bình thường, năng nổ trong mọi hoạt động Đoàn, Hội, Đội ở trường cũng như ở địa phương, đặc biệt là các hoạt động từ thiện, nhân đạo.
Có lẽ như muốn bù đắp những thiệt thòi về thể xác, ông trời đã công bằng ban cho Toán một trái tim nồng hậu, nhân ái và giàu nghị lực. Toán là một thành viên tích cực của diễn đàn Quảng Bình online (QBO), nơi gặp gỡ của những người trẻ đầy nhiệt huyết, biết sống vì cộng đồng. Toán kể, ban đầu anh cũng khá do dự nhưng rồi sau khi xem chương trình trao học bổng của diễn đàn phát trên sóng Đài PT-TH Quảng Bình, anh đã quyết tâm tham gia. Vào QBO, anh được đi đến nhiều vùng đất trên quê hương Quảng Bình, những miền quê nghèo khó, từ Tân Lịch, Thượng Trạch, Dân Hóa, Trọng Hóa, Thượng Hóa, Yên Hóa cho đến các xã vùng đệm Phong Nha... Từ mỗi chuyến đi như vậy, anh cùng các bạn trong diễn đàn được học hỏi nhiều điều bổ ích, hiểu hơn cuộc sống của đồng bào và các em học sinh ở những vùng khó khăn của tỉnh. Tuy bệnh tật, đi lại khó khăn so với người lành lặn nhưng Toán rất năng động trong công tác xã hội. Anh đi kêu gọi tài trợ và thực hiện rất nhiều chương trình giúp đỡ người bị bão lụt, người nghèo, trẻ em tật nguyền. Dù không đảm nhận một chức vụ gì ở QBO nhưng hầu như mọi hoạt động của diễn đàn đều không thể thiếu sự có mặt của Toán. Ở anh, tôi khâm phục ý chí vươn lên và sự quảng đại hết lòng vì mọi người. Ngoài QBO, Toán còn tham gia nhiều chương trình từ thiện khác như "Chút tình san sẻ cuối năm'' của diễn đàn "Câu cá Quảng Bình''. Chính anh là người có vai trò cầu nối trong việc tổ chức chương trình trao tặng áo phao, cặp phao, phao cứu sinh cho học sinh thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch của tiểu mục ''Công dân toàn cầu'' (VTV3)...

Toán cũng là một tình nguyện viên của Hội Người khuyết tật Việt Nam (có trang web với địa chỉ: pwd.vn). Trong một lần đến Tam Đảo với Câu lạc bộ tình nguyện, anh tình cờ gặp Thúy, cô gái Hải Phòng xinh xắn dịu hiền và cũng bị tật ở chân. Không quan tâm đến những khiếm khuyết về hình thức, Thúy tìm thấy sự bình yên, thanh thản và hạnh phúc từ người con trai đất Quảng Bình. Có lẽ đó là sự đồng điệu về tâm hồn của hai con người không may mắn có được thể xác lành lặn. ''Em đã mơ đến ngày em sẽ về quê cùng anh, ngày đó anh dắt em đi trên đồi cát trắng ven biển, nơi đã sinh ra dấu chân chiền chiện tỏa đi muôn phương để rồi được gặp và yêu anh thật lòng''. Thúy đã viết biết bao lời tâm sự đầy yêu thương như thế dành riêng cho Toán. Bạn bè ai cũng mừng và ngưỡng mộ trước tình yêu của hai người. Những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười với Toán, để cuộc sống của anh từ nay bước sang một trang mới. Nhưng rồi điều nghiệt ngã lại một lần nữa xảy ra. Gia đình Thúy kiên quyết phản đối với lý do một người khuyết tật vì chất độc da cam như Toán (người ta đã lầm tưởng anh như thế) thì làm sao có tương lai, làm sao có thể nói đến chuyện yêu đương. Mọi nỗ lực thuyết phục của anh và bạn bè đều không thành công. Có lúc hai người đã tính đến chuyện giấu gia đình đi đăng ký kết hôn để ''Gạo đã nấu thành cơm'', nhưng là những người con thảo, Toán và Thúy không nỡ lừa dối bố mẹ, hơn nữa, họ nghĩ dẫu có được ở bên nhau mà lại làm những người thân đau lòng thì cũng không thể hạnh phúc. Hai người chia tay, Toán chỉ biết nói với bản thân rằng "từ nay mình sẽ chẳng yêu ai nữa''. Câu chuyện cổ tích tình yêu của anh khép lại bằng một kết cục buồn. Hôm rồi gặp lại, tôi hỏi: "Anh đã quên được người ta chưa?". Toán cười buồn buồn, cái cổ nghẹo nghẹo trông rất đáng thương. Nhìn ánh mắt anh, tôi biết chắc Toán sẽ chẳng bao giờ quên được mối tình đó. Và cũng rất khó để anh có thể gặp được một người con gái đồng cảnh, đồng cảm và đồng điệu như Thúy.

Thời gian này, cố quên chuyện tình buồn, Toán lại lao vào những công việc tình nguyện như trước đây anh vẫn làm với tinh thần hăng hái hơn, say mê hơn. Cũng lúc này, anh còn phải lo ôn thi để hoàn thành khóa học 5 năm ở Trường Đại học Công nghệ (tại Đại học Quảng Bình). Ước mơ của anh là sau khi ra trường sẽ có được một công việc ổn định tại một tổ chức xã hội nào đó, chẳng hạn như Hội Người mù, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học, Làng trẻ em SOS... Tôi thầm mong cho ước mơ nghề nghiệp của anh thành hiện thực để câu chuyện cổ tích sẽ còn được viết tiếp trong cuộc sống đời thường này.

Báo QB số 154 - 2010

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập