Chi tiết bài viết

Cuộc truy kích ở bản Choi

9:20, Thứ Năm, 3-3-2011

Ngày đầu xuân, chúng tôi có dịp đến thăm ông Quách Tẩm, một cựu binh Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), nguyên Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đã 44 năm trôi qua, người Đội trưởng Đội vận động quần chúng mưu trí, dũng cảm của đồn biên phòng Cà Roòng năm xưa, nay đã ở cái tuổi thất tuần. Nhưng khi kể về chiến công truy bắt biệt kích những năm 1967, 1968, ông vẫn hào hứng như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.

Người khai sáng cho bản

Nhập ngũ năm 1963 tại đồn BP Cà Roòng, ông Quách Tẩm tham gia công tác dân vận tại Khăm Muộn, Lào. Gần chục năm công tác trong lực lượng CANDVT, Thiếu úy Quách Tẩm luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, 5 năm liền đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, 4 năm liền đạt “Chiến sĩ giỏi”. Năm 1972, Thiếu úy Quách Tẩm được phục viên. Ông quyết định ở lại với bản Ma Coóng để góp phần xây dựng vùng quê còn nhiều khó khăn này. Năm 1995, nhân dân Ma Coóng, xã Thượng Trạch đã tín nhiệm bầu ông, chàng rể của bản làng, giữ chức Chủ tịch UBND xã, đại biểu HĐND huyện Bố Trạch. Rót bát nước chè xanh nóng hổi mời khách, ông Tẩm sang sảng kể về một quãng đời quân ngũ rất đỗi tự hào của mình.

Cuộc truy kích ở bản Choi

Tháng 3-1967, có nguồn tin mật báo cho biết, một toán biệt kích được trang bị các phương tiện thông tin hiện đại nhảy dù xuống bản Choi, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch. Chúng mặc quân phục, đeo vũ khí giả trang bộ đội giải phóng. Mục đích của chúng là thăm dò tin tức, điều tra các mục tiêu quân sự, kho tàng, binh trạm, phương tiện hoạt động ở địa bàn và tuyến đường liên thông qua nước bạn Lào. Tham vọng của chúng là đánh phá trúng mục tiêu của ta, làm tê liệt sự chi viện của quân và dân ta cho chiến trường miền Nam. Nhiệm vụ của toán này còn là bắt cóc cán bộ, nhân dân đi lẻ rồi dùng vô tuyến điện đài liên lạc gọi máy bay để bốc vào Nam. Lập tức, Ban chỉ huy đồn BP Cà Roòng lên kế hoạch, phối hợp cùng dân quân du kích chia thành bốn mũi: 2 mũi đi sang Lào, 2 mũi chặn ở biên giới Việt Lào, tất cả tạo thành thế gọng kìm xiết chặt vòng vây. Thiếu úy Quách Tẩm, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng trực tiếp chỉ huy mũi công tác qua biên giới. Do địa bàn quá rộng, dân cư thưa thớt, ngút ngàn núi đá và cỏ gianh nên công tác truy lùng không hề dễ dàng. Lực lượng truy kích lần theo các khe suối bên dãy núi đá đã phát hiện những quả dứa có vết cắn và những cây chuối non đã bị khoét phần ruột trôi về từ đầu nguồn nước. Lần theo các dấu vết, trinh sát phát hiện, bắt tại chỗ ba tên biệt kích đang ẩn nấp ở một con khe. Bọn chúng khai nhận là nhân viên truyền tin. Tuy nhiên, cả ba tên đều khai không biết những tên còn lại đang ở đâu do khi quân ta truy kích, chúng hoảng loạn bỏ chạy nên bị thất lạc nhau. Sợ bị bắt nên bọn chúng không dám liều lĩnh ra khỏi nơi ẩn nấp để bắt liên lạc với đồng bọn. Tiếp tục lần theo dấu vết và dự đoán hướng đi của địch, chỉ hai ngày sau đồn BP Cà Roòng đã tóm gọn 12 tên còn lại trong toán biệt kích tại một hang đá cách đó không xa, mà đội truy kích của ta không tốn một viên đạn.

Vòng vây điểm cao 1.800m

Tháng 2-1968, địch lại tiếp tục tung toán biệt kích gồm 12 tên xuống địa bàn Bãi Đáp, giáp với biên giới Việt - Lào. Đợt này chúng nấp trong các len đá. Lực lượng của ta huy động tổng cộng 25 chiến sỹ, chia thành bốn mũi truy lùng suốt một ngày đêm. Toán biệt kích phân công người cảnh giới tại điểm cao 1.800 mét ở miền Tây Quảng Bình, cách đồn Biên phòng Cà Roòng 30km. Chúng quan sát con đường 20 Quyết Thắng dẫn lên xã Thượng Trạch và mọi động tĩnh của lực lượng ta. Để đánh lạc hướng địch, hốt trọn ổ biệt kích này, bộ đội ta rút quân nghi binh nhưng vẫn âm thầm duy trì lực lượng bám mục tiêu. Đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, bộ đội ta đã bất ngờ áp sát và bắt sống được hai tên trong toán biệt kích. Hai tên này người đen nhẻm, gầy guộc vì lo sợ và đói. Cả hai khai, sau khi bị truy đuổi chạy toán loạn, chúng vẫn ngoan cố nghi binh mong thoát thân. Dù đồng bọn của chúng đã điều máy bay trực thăng, máy bay hai thân quần thảo liên tục ngay tại khu vực phát tín hiệu cầu cứu, nhưng không dám xuống thấp để giải thoát vì sợ quân ta mai phục bắn hạ. Rốt cục toán giải cứu đành bỏ mặc đồng bọn bị khốn đốn, vô vọng giữa rừng sâu. Qua lời khai của hai tên này, các mũi quân của ta ép chặt vòng vây và tiến sâu vào phía hang đá, nơi cả toán đang ẩn náu. Biết không còn lối thoát nhưng chúng rất ngoan cố và sẵn sàng chống cự buộc lực lượng của ta phải nổ súng. Ông Quách Tẩm rổn rảng kể: “Tôi vẫn còn nhớ, sau hai loạt đạn AK vang lên liên hồi do đồng chí Biên và đồng chí Dậy bắn, hai tên ngoan cố nhất trong toán biệt kích đã chết tại chỗ. Song, trong cuộc đọ súng nảy lửa này đồng chí Biên đã bị thương.”- Ông Tẩm trầm giọng kể lại. Biết không còn khả năng kháng cự, chín tên còn lại đã đành chịu khuất phục.

Kết thúc trận này, Bộ Tư lệnh yêu cầu bắt hai tên trong số đó đánh điện đài kêu gọi những tên còn sót lại đang ẩn náu ra đầu hàng sẽ không bị tiêu diệt. Bộ Tư lệnh yêu cầu đồn BP Cà Roòng huy động lực lượng phối hợp với dân quân mang theo chó nghiệp vụ tiến hành cuộc tổng truy quét trên toàn địa bàn. Sau khi có tin người dân đi làm về báo còn sót biệt kích, lực lượng của ta đã lần theo dấu vết nhưng chỉ còn một tên cuối cùng đang nằm dưới suối. Quá sợ hãi, hắn đã cắn lưỡi tự tử tại chỗ.

Với tinh thần nâng cao cảnh giác, chiếm thế chủ động sau ba đợt truy kích, cán bộ, chiến sỹ đồn BP Cà Roòng cùng với nhân dân trên địa bàn xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã bắt sống và tiêu diệt tổng cộng 27 tên biệt kích, góp phần không nhỏ đảm bảo bí mật quân sự và giữ vững địa bàn. Những chiến công này đã ghi dấu son vào trang sử hào hùng của CANDVT Quảng Bình.

L.Tuấn
(BÁO BIÊN PHÒNG)

Các tin khác

Thông báo mới

VB mới

Chủ tịch HCM và đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thông tin tuyên truyền (PBPL ... DVC)

Footer Quảng Bình

Lượt truy cập